Thay mặt Ủy ban Tài chính- Ngân sách trình bày Báo cáo phương án giải trình, tiếp thu chỉnh lý những vấn đề lớn và những vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đức Hải cho biết, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận tại Tổ ngày 31/10/2016 và tại Hội trường ngày 10/11/2016 về Dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) và Công văn số 61/VPCP-PL ngày 05/01/2017 của Văn phòng Chính phủ về thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về phương án tiếp thu ý kiến ĐBQH về Dự án luật trên, ngay sau Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) đã phối hợp với Cơ quan soạn thảo tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học để tiếp thu, chỉnh lý Dự án luật. Tiếp đó, ngày 04/12/2016, Thường trực Ủy ban TCNS đã làm việc với Cơ quan soạn thảo để giải trình, tiếp thu các ý kiến của ĐBQH về Dự án Luật.
Dự án Luật đã được hoàn thiện một bước về khái niệm, phạm vi điều chỉnh, phân loại tài sản công theo cơ quan quản lý và mục đích sử dụng, thẩm quyền quyết định…
Thảo luận tại UBTVQH, nhiều ý kiến đồng tình với nội dung dự thảo Luật. Một số ý kiến đã đưa ra các đề xuất, gợi ý cho những vấn đề còn ý kiến khác nhau.
Về tên gọi của Dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị đổi thành Luật quản lý, sử dụng tài sản công (sửa đổi), bởi việc đổi tên Luật là phù hợp bởi khái niệm tài sản công đã được quy định trong Hiến pháp, đồng thời cho thấy phạm vi điều chỉnh không chỉ có các cơ quan nhà nước, mà còn các cơ quan Đảng, đoàn thể chính trị khác.
Về phân loại tài sản công, Thường trực UBTCNS và Cơ quan soạn thảo thống nhất tiếp thu, giải trình theo hướng, dự thảo luật phân loại tài sản công theo các nhóm tài sản có cùng các tiêu chí mục đích sử dụng, đặc tính và yêu cầu quản lý của tài sản bao gồm: Tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; Tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; Tài sản công phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Tiền thuộc NSNN, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và dự trữ ngoại hối của nhà nước; Tài sản là tài nguyên. Đồng thời, tại mỗi nhóm tài sản lại được chia thành các loại căn cứ các tiêu chí như ý kiến của đại biểu.
Về tiêu chuẩn định mức tài sản công tại cơ quan, đơn vị, một số ý kiến đề nghị luật hoá các quy định đã thực hiện ở văn bản dưới luật vào Dự thảo luật, như các nội dung về định mức xây trụ sở, chức danh sử dụng xe công, giá trị xe, tiêu chuẩn phòng làm việc.
Giải trình về vấn đề này, UBTCNS và cơ quan soạn thảo cho rằng, để phù hợp với sự biến động của nền kinh tế và yêu cầu quản lý, nên các yếu tố này thường xuyên phải điều chỉnh theo cho phù hợp, do đó đề nghị giao Chính phủ quy định. Riêng về mức khoán xe công đối với các đại biểu Quốc hội chuyên trách, Thường trực UBTCNS và cơ quan soạn thảo xin bổ sung thẩm quyền của UBTVQH trong việc khoán kinh phí xe ô tô đối với các đại biểu chuyên trách.
Về xử lý nguồn thu từ xử lý, thanh lý, điều chuyển tài sản, bồi thường xử lý đất đai và thẩm quyền quyết định việc xử lý, thanh lý, điều chuyển. Qua trao đổi, thảo luận, hiện có hai luồng ý kiến, cụ thể: Cơ quan soạn thảo đề nghị quy định theo hướng số tiền thu được từ việc xử lý tài sản công, sau khi trừ đi các chi phí có liên quan đến việc xử lý tài sản, được nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, theo đa số ý kiến của Thường trực UBTCNS đề nghị quy định theo hướng: Toàn bộ số tiền thu được phải nộp vào ngân sách nhà nước, nguồn chi phí trang trải cho việc xử lý tài sản do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của cơ quan theo quy định của pháp luật về ngân sách. Việc quy định như trên sẽ đảm bảo các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật ngân sách nhà nước năm 2015.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhất trí với đề nghị của UBTCNS bởi nếu theo đề xuất của Ban soạn thảo là phải trừ đi những chi phí khác, sau đó còn lại mới nộp cho ngân sách nhà nước sẽ không đảm bảo chặt chẽ.
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đề xuất các khoản thanh lý này đều nộp về kho bạc tạm giữ, đồng thời lập dự toán chi để cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi trừ đi chi phí, số còn lại sẽ nộp vào ngân sách. Hạch toán như vậy kiểm soát được đầu vào qua hệ thống kho bạc, đúng nguyên tắc của luật Ngân sách.
Còn theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, mặc dù cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra còn có ý kiến khác nhau nhưng thực chất giống nhau khi đều nộp ngân sách nhà nước, đều thống nhất là tất cả những quyền xử lý, thanh lý, điều chuyển tài sản, bồi thường, xử lý đất đai đều phải nộp ngân sách. Điểm khác nhau là lấy từ nguồn nào, trình tự trước sau như, lấy trước, lấy sau, lấy lúc nào? "Việc lập dự toán ngân sách thường cuối năm trước các cơ quan đã lập dự toán ngân sách rồi, còn việc xử lý, thanh lý, điều chuyển tài sản, bồi thường thiệt hại có thể bất cứ chỗ nào, lúc nào, cơ quan thấy tài sản đó cần phải điều chuyển mà lúc làm dự toán ngân sách không nằm trong niên hạn ngân sách thì có hợp lý không. Ở đây Bộ Tài chính - cơ quan soạn thảo đưa ra phương án đúng là phải nộp ngân sách nhưng sau khi trừ đi chi phí, quy định trong Luật thế nào để việc chi phí này hợp lý, sát thực tế và tránh lãng phí, tiêu cực" - Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị.
Đồng tình với ý kiến phát biểu về xử lý nguồn thu của các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị để đảm bảo quản lý cần thực hiện nguyên tắc là có dự toán thì tiền phải gửi vào kho bạc. Sau đó, bên lập dự toán, bên chi bao nhiêu thì cơ quan có thẩm quyền duyệt dự toán, số còn lại phải nộp vào ngân sách và quy định rõ ràng trong Luật. Đề nghị Chính phủ cần quy định thống nhất việc khoán, một chính sách, một chủ trương, một quy định để quản lý tài sản.
Về thẩm quyền quy định về mua sắm, thuê, thu hồi, điều chuyển, bán, chuyển nhượng, thanh lý, tiêu hủy, ghi giảm tài sản trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại; khai thác, sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết; phân cấp thẩm quyền quyết định đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cũng còn ý kiến khác nhau.
Thường trực UBTCNS đề nghị không giao Chính phủ quy định phân cấp thẩm quyền về các nội dung trên và quy định thẩm quyền cụ thể ngay trong Dự thảo. Ý kiến của cơ quan soạn thảo cho rằng, do đặc thù các loại tài sản công rất phong phú, đa dạng, được giao cho rất nhiều cơ quan, đơn vị có chức năng nhiệm vụ và quy mô khác nhau ở từng địa phương. Do đó, cần thiết để Chính phủ phân cấp thẩm quyền quyết định các nội dung trên nhằm tạo sự chủ động trong điều hành. Bên cạnh đó, việc quy định Chính phủ phân cấp thẩm quyền quyết định các vấn đề trên đã được quy định tại Luật QLSDTSNN hiện hành và trong thực tiễn thực hiện không phát sinh bất cập.
Còn nhiều ý kiến băn khoăn quy định về việc tài sản công chưa sử dụng hết công năng có thể cho thuê, khai thác, góp vốn liên doanh, liên kết...
Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng tài sản công chủ yếu là tài sản phục vụ công tác quản lý nhà nước như trụ sở làm việc, xe công… nên phải sử dụng tiết kiệm, đúng tiêu chuẩn, định mức. Chỉ một số loại tài sản công khi khai thác không làm ảnh hưởng đến quản lý, thất thoát tài sản và được pháp luật chuyên ngành cho phép thì mới được khai thác như quyền sở hữu trí tuệ, cơ sở dữ liệu, nhà công vụ... Với các đơn vị sự nghiệp công lập, việc cho phép cho thuê, kinh doanh dịch vụ sẽ giúp giảm bớt áp lực cho ngân sách, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng quy định như dự thảo luật chưa rõ ràng, có điểm chưa hợp lý. “Hội trường Diên Hồng của toà nhà Quốc hội mỗi năm được sử dụng 2 lần vào các Kỳ họp của Quốc hội. Theo quy định như dự thảo thì giữa hai Kỳ họp, khi không sử dụng đến sẽ cho thuê lại để khai thác hết công suất. Nếu hội trường Diên Hồng mà cho thuê thì không thể được". Tổng thư ký Quốc hội đề nghị cần quy định rõ danh mục tài sản công vụ nào được phép khai thác, cho thuê dịch vụ, tránh nêu chung chung rồi tranh cãi sau này.
Cũng theo Tổng Thư ký Quốc hội, quy định về việc các trường hợp tài sản công tại cơ quan nhà nước được khai thác cũng cần rõ ràng hơn. Theo quy định tại điểm 4, điều 34 dự Luật, các tài sản công tại cơ quan nhà nước được khai thác gồm có nhà ở công vụ; quyền sở hữu trí tuệ, phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu và các tài sản được khai thác theo quy định của pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công chuyên ngành.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ:
Thứ nhất, thống nhất việc đổi tên “Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước” thành “Luật quản lý, sử dụng tài sản công”.
Thứ hai, thống nhất khái niệm về tài sản công cho phù hợp với Hiến pháp. Tuy nhiên, phạm vi quản lý của luật sẽ không điều chỉnh đối với tài sản dưới hình thái tiền tệ.
Thứ ba thống nhất việc sử dụng các nguồn thu từ xử lý, thanh lý, điều chuyển, bồi thường phải nộp vào kho bạc nhà nước sẽ giúp quản lý được đầu vào. Đồng thời việc lập dự toán chi sẽ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, sau đó trừ đi phần chi, phần còn lại sẽ nộp ngân sách nhà nước.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng thống nhất phương án giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định cho phù hợp với từng loại tài sản, từng cấp và từng thời kỳ.
Dự kiến dự luật Quản lý tài sản công sẽ trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 5 tới./.
Phương Vân