Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội

Ngày 20/12/2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Đây được coi là bước tiến quan trọng và là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến quy chế này, góp phần khắc phục những hạn chế trong quá trình thực thi Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, nâng cao hiệu quả, chất lượng giám sát.

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Quy chế đã cụ thể hóa việc tổ chức hoạt động chất vấn, tổ chức các hoạt động giám sát chuyên đề và giám sát việc thực hiện các Nghị quyết, kiến nghị giám sát. Việc xem xét kiến nghị giám sát của các cơ quan là hoạt động mới so với trước ưu tiên những kiến nghị có tính cấp bách. Các cơ quan sẽ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình phiên họp gần nhất của Ủy ban thường vụ Quốc hội để xem xét, xử lý; chỉ những kiến nghị phức tạp mới trình ra Quốc hội xem xét. Một vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đó là có nên quy định trần số lượng đối với một số hoạt động của đoàn giám sát hay không. Có ý kiến cho rằng Quy chế cần quy định cụ thể về trần số lượng một số hoạt động của đoàn giám sát như số lượng chuyên đề, số lượng các đoàn công tác, số thành viên tối thiểu của mỗi đoàn công tác, số địa phương đến giám sát của đoàn giám sát; số lượng, thành phần tham dự, thời gian trình bày báo cáo khi tổ chức hội thảo, tọa đàm. 

Một số ý kiến lại cho rằng nếu không quy định trần số lượng sẽ dẫn đến hoạt động của các đoàn giám sát không thống nhất; số lượng các hoạt động giám sát quá nhiều làm phân tán nguồn lực, ảnh hưởng đến các cơ quan chịu giám sát. Một số ý kiến lại cho rằng không nên quy định cụ thể trần số lượng một số hoạt động giám sát vì sẽ ảnh hưởng đến thẩm quyền quyết định của các chủ thể giám sát. Một điểm lưu ý trong Quy chế về tổ chức hoạt động chất vấn là sau hoạt động chất vấn tại mỗi kỳ họp, ngoài việc ban hành Nghị quyết chất vấn thì sẽ xin ý kiến đánh giá của đại biểu Quốc hội về kết quả hoạt động chất vấn thông qua phiếu xin ý kiến đánh giá kết quả hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội. Quy định này giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cơ sở đánh giá được hiệu quả của hoạt động chất vấn một cách khách quan chính xác./.

Hà Linh