Xác định trọng yếu và đánh giá rủi ro kiểm toán là vấn đề nền tảng để nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm toán
Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên, kiến thức và kinh nghiệm về xác định trọng yếu và đánh giá rủi ro là vấn đề nền tảng, không thể thiếu được trong hoạt động kiểm toán, đặc biệt là ở giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán. Chính vì vậy, Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao - INTOSAI đã ban hành các chuẩn mực kiểm toán 1330 và 1315 về trọng yếu và đánh giá rủi ro trong hệ thống các chuẩn mực kiểm toán của các Cơ quan Kiểm toán Tối cao - ISSAIs. Việc xác định trọng yếu và đánh giá rủi ro kiểm toán có ảnh hưởng lớn đến chất lượng và hiệu quả của hoạt động kiểm toán. “Thực tế, trong khu vực ASEAN, qua khảo sát nhu cầu cho thấy chủ đề đánh giá rủi ro kiểm toán đang và sẽ tiếp tục là mối quan tâm chung của đa số các nước” - Ông Đoàn Xuân Tiên chia sẻ.
Với tầm quan trọng như vậy, tại Hội thảo, Ông Đoàn Xuân Tiên đề nghị cơ quan KTNN ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận để đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán nói chung và báo cáo kiểm toán tài chính nói riêng thông qua áp dụng phương pháp kiểm toán dựa trên rủi ro vào thực tiễn.
Theo Phó Chủ tịch KTNN Lào Padapphet Sayakhot, đối với KTNN Lào, việc kiểm toán dựa trên rủi ro trong báo cáo tài chính là phương pháp cón khá mới, đang bước đầu thí điểm tổ chức thực hiện tại một vài đơn vị. Do vậy, đây là diễn đàn quan trọng để KTNN Lào trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ các cơ quan KTNN Việt Nam và Campuchia để vận dụng vào thực tiễn hoạt động kiểm toán. Chủ đề của Hội thảo rất thiết thực đối với hoạt động kiểm toán của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Campuchia Suon Sitthy nhấn mạnh, việc xây dựng và thực hiện phương pháp kiểm toán dựa trên rủi ro trong kiểm toán báo cáo tài chính đặt ra yêu cầu mỗi Kiểm toán viên phải có thêm hiểu biết về chiến lược và tiến trình hoạt động của đơn vị được kiểm toán, để có thể biết rằng báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán có thể hiện đúng, chính xác hay không.
Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên phát biểu tại Hội thảo
Thực tiễn và những kinh nghiệm trong việc áp dụng phương pháp kiểm toán dựa trên trọng yếu, rủi ro trong kiểm toán báo cáo tài chính
Là một trong những thành viên đã ký cam kết với IDI-ASOSAI về thực hiện hệ thống các chuân mực kiểm toán của các cơ quan kiểm toán tối cao (ISSAI) từ năm 2013, KTNN Việt Nam đã tích cực triển khai các hoạt động để hướng tới thực hiện toàn diện ISSAI từ việc nghiên cứu, xây dựng hệ thống chuẩn mực KTNN theo hướng tuân thủ ISSAI đến việc tham gia các chương trình về thực hiện ISSAI trong ASEANSAI và các diễn đàn khác. Trong số 39 chuẩn mực KTNN vừa ban hành, phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu được đề cập tại CMKTNN 1315 - Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường hoạt động của đơn vị trong kiểm toán tài chính; CMKTNN 1320 - Xác định và vận dụng trọng yếu kiểm toán trong kiểm toán tài chính và CMKTNN 1330 - Biện pháp xử lý rủi ro kiểm toán trong kiểm toán tài chính.
Tại Hội thảo, Ông Ngô Minh Kiểm - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán KTNN Việt Nam cho biết, năm 2016, KTNN đã thực hiện cuộc kiểm toán thí điểm áp dụng phương pháp kiểm toán tiếp cận đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu tại Tổng công ty vận tải Hà Nội. Cuộc kiểm toán thí điểm này nằm trong chương trình dài hạn của ASEANSAI về thực hiện ISSAI (LTAPII) mà KTNN Việt Nam là thành viên tham gia từ năm 2015. Qua đó, KTNN Việt Nam đã rút ra một số bài học, đó là: Phải thực hiện khảo sát, tìm hiểu kỹ lưỡng về đơn vị được kiểm toán; Phân tích thông tin để xác định rủi ro và đánh giá khả năng có sai sót trọng yếu đối với từng đơn vị thành viên cũng như toàn tổng công ty được kiểm toán là một khâu quan trọng trong việc lập kế hoạch kiểm toán; Việc xác định trọng yếu được thực hiện trên cả hai khía cạnh: định tính và định lượng; Trên cơ sở kết quả đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu, kế hoạch kiểm toán tổng quát phải được xây dựng trước khi lập kế hoạch kiểm toán chi tiết; Tổng hợp kết quả phát hiện kiểm toán, ước lượng, đánh giá sai sót tổng thể để đưa ra ý kiến kiểm toán.
Ông Ngô Minh Kiểm cho biết, hiện KTNN Việt Nam gặp một số khó khăn trong quá trình áp dụng thí điểm thực hiện kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu như: Chưa xây dựng được khung chính sách trong việc xác định mức trọng yếu kiểm toán; Kiểm toán viên chưa có kinh nghiệm trong việc xác định mức trọng yếu kiểm toán; Việc lựa chọn, tìm hiểu thông tin về đơn vị được kiểm toán theo yêu cầu của phương pháp kiểm toán dựa trên rủi ro gặp khó khăn do kiểm toán viên và các đơn vị được kiểm toán chưa quen dẫn đến mức độ cung cấp đầy đủ thông tin còn hạn chế, thời gian khảo sát, thu thập thông tin chậm. Hệ thống chuẩn mực KTNN tuân thủ ISSAI đã được ban hành, trong đó có các chuẩn mực về đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ, xác định trọng yếu và rủi ro kiểm toán, chọn mẫu kiểm toán... tuy nhiên cần có thời gian để đào tạo, tập huấn cho kiểm toán viên trong toàn ngành. Đồng thời, cần tiếp tục xây dựng, ban hành hướng dẫn cụ thể áp dụng cho các lĩnh vực kiểm toán; sửa đổi, bổ sung các quy định, quy trình, hướng dẫn kiểm toán phù hợp với chuẩn mực và phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu.
Theo đại diện KTNN Campuchia, phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro là hình thức còn khá mới đối với KTNN Campuchia, do đó có một số thách thức và khó khăn trong việc thực hiện phương pháp này, đó là kiểm toán viên gặp khó khăn trong việc thực hiện quy định và đánh giá rủi ro sai sót cơ bản cũng như khó khăn trong việc sắp xếp tổ chức kiểm toán; việc sắp xếp tài liệu kiểm toán chưa phù hợp với tiêu chuẩn; trình độ kiểm toán viên còn hạn chế; sự thiếu hiểu biết của đơn vị được kiểm toán về phương pháp này có thể là rào cản trong thực hiện công việc; thiếu nguồn vốn để thuê chuyên gia và không có đầy đủ các trang thiết bị kiểm toán...
Từ những khó khăn và thách thức trong thực tiễn, đại diện KTNN Lào khuyến nghị bổ sung, sửa đổi một số vấn đề như: Hồ sơ, mẫu biểu lâu dài và mẫu biểu hiện hành phải được lập cùng với việc thành lập Đoàn kiểm toán trước khi đi kiểm toán tại bất cứ đơn vị nào; Việc kiểm toán bất cứ đơn vị nào đều phải tập trung làm tốt khâu chuẩn bị và lập kế hoạch để có thể phát hiện được rủi ro trong kiểm toán; Điều chỉnh khung pháp lý để làm công cụ cho kiểm toán có thể mở rộng phạm vi kiểm toán một cách có hiệu lực, hiệu quả; Điều chỉnh các mẫu văn bản cho đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện và có thể tổ chức thực hiện ở tất cả các đơn vị kiểm toán chuyên ngành; Điều chỉnh phương thức kiểm toán chú trọng việc chuẩn bị và lập kế hoạch kiểm toán để có thể xác định được lĩnh vực rủi ro, phát hiện được vấn đề chính cũng như tạo sự dân chủ trong đoàn kiểm toán; Đào tạo nguồn nhân lực một cách có hệ thống, xây dựng chiến lược đào tạo ngắn hạn, dài hạn.
Cùng chia sẻ với những khó khăn của cơ quan KTNN ba nước trong việc áp dụng phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro trong kiểm toán báo cáo tài chính, Ông Trần Phú Sơn - Phó Tổng Giám đốc E&Y Việt Nam chia sẻ, giống như các đơn vị kiểm toán khác, E&Y chịu sức ép lớn do các khách hàng doanh nghiệp có quy mô và số lượng giao dịch ngày càng lớn, tính chất ngày càng phức tạp, ứng dụng CNTT ngày càng rộng rãi, mặt khác yêu cầu của cơ quan quản lý, yêu cầu của công chúng đòi hỏi các kiểm toán viên phải tích cực hơn nữa, do đó phương pháp kiểm toán dựa trên rủi ro được coi là chìa khóa giải quyết các vấn đề. E&Y đã xác định rủi ro bằng cách dành nhiều thời gian để xác định đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, vì từ rủi ro kinh doanh sẽ dẫn tới những rủi ro khác trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp; tìm hiểu hệ thống nội bộ, hệ thống thông tin của doanh nghiệp...
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên khẳng định để nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm toán, việc đánh giá rủi ro kiểm toán là vấn đề vô cùng quan trọng, giúp các cơ quan KTNN xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm toán một cách hợp lý và hiệu quả. Điều này đòi hỏi các cơ quan KTNN cần phải kiên trì trong tổ chức áp dụng phương pháp kiểm toán tiên tiến hiện đại này; tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm giữa các SAI với nhau, cũng như giữa các cơ quan KTNN và các công ty kiểm toán độc lập, tổ chức hội nghề nghiệp; xây dựng các sách tài liệu, hồ sơ mẫu biểu, cẩm nang hướng dẫn kiểm toán dựa trên rủi ro, trọng yếu. “Kết quả thu được từ Hội thảo sẽ được cơ quan KTNN ba nước tiếp tục nghiên cứu để áp dụng vào thực tiễn hoạt động kiểm toán mỗi nước nhằm nâng cao chất lượng cuộc kiểm toán, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ và nhân dân” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam khẳng định./.
Hà Linh