(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 08/11/2016, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc đã ký Quyết định số 1844/QĐ-KTNN về việc ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức Kiểm toán nhà nước (KTNN) giai đoạn 2016 - 2020.
Tập trung đào tạo kiến thức, kỹ năng chuyên sâu theo lĩnh vực
Trên cơ sở những kết quả quan trọng đã đạt được trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của KTNN giai đoạn 2011-2015, mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức giai đoạn 2016 – 2020 nhằm “Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, kiểm toán viên về năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp trên cơ sở đào tạo, bồi dưỡng vững chắc kiến thức nền tảng, chuẩn mực kiểm toán với kiến thức kỹ năng chuyên sâu theo lĩnh vực, nội dung kiểm toán để từng bước nâng cao năng lực đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán của đội ngũ kiểm toán viên nhà nước”.
Về nguyên tăc, kế hoạch đào tạo giai đoạn 2016-2020 phải kết hợp chặt chẽ, phù hợp với Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2020; bám sát nhiệm vụ chính trị của Ngành cũng như dựa trên quy hoạch nguồn nhân lực, trên thực tiễn đội ngũ công chức, viên chức của KTNN; nâng cao tính dự báo, những cơ hội, thách thức đối với sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực; Thực hiện đổi mới công tác xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực; tiếp tục tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập; nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động thực thi công vụ; gắn đào tạo, bồi dưỡng với nhu cầu hoạt động thực tiễn của ngành trong từng giai đoạn; ưu tiên đào tạo một số các lĩnh vực kiểm toán mới. Bên cạnh đó bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng, hiệu quả và tăng cường trách nhiệm giải trình trong phân bổ các nguồn lực.
Về định hướng, công tác đào tạo bồi dưỡng tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống các chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng công chức, kiểm toán viên trên cơ sở gắn liền với chuẩn mực kiểm toán của KTNN. Trong đó, cần đẩy nhanh việc xây dựng các chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng đối với các lĩnh vực kiểm toán mới như kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán môi trường; tiếp tục hoàn thiện hệ thống các chương trình bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán hướng đến đạt tiêu chuẩn quốc tế; Tập trung đào tạo về Chuẩn mực kiểm toán và các hướng dẫn chuẩn mực kiểm toán; hướng dẫn phương pháp phân tích đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán theo chuẩn mực KTNN và thông lệ quốc tế.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh nội dung bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán các lĩnh vực kiểm toán theo các cấp độ khác nhau: Ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, tài chính – ngân hàng, dự án đầu tư xây dựng công trình. Trong đó, tập trung vào đào tạo bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán tổng hợp, kỹ năng đánh giá, xác nhận kết luận kiến nghị, đặc biệt là các nội dung, chuyên đề kiểm toán được thực hiện nhằm giải quyết các bức xúc theo yêu cầu của xã hội, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; Tăng cường đào tạo kỹ năng chuyên sâu viết báo cáo kiểm toán; kỹ năng thuyết trình; kỹ năng tổng hợp; bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo cấp Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn, Tổ trưởng Tổ kiểm toán.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng một cách bài bản các lĩnh vực kiểm toán mới như kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường, kiểm toán công nghệ thông tin; Tăng cường hình thức tập huấn đề cương các chuyên đề kiểm toán, hội thảo, tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm trong toàn ngành và tại đơn vị; coi trọng hoạt động trao đổi, rút kinh nghiệm từ trước, trong và sau các cuộc kiểm toán tại các đơn vị; Nâng cao trình độ, năng lực quản lý, lãnh đạo cho đội ngũ công chức lãnh đạo cấp phòng, cấp vụ và đội ngũ đã được quy hoạch lãnh đạo cấp phòng, cấp Vụ; trưởng đoàn, tổ trưởng tổ kiểm toán theo hướng chuyên nghiệp và đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới của KTNN.
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn kiểm toán, ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, công chức nòng cốt tham gia các hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế; sử dụng nguồn nhân lực của KTNN đã được cử đi đào tạo, học tập, nghiên cứu ở nước ngoài và theo học chứng chỉ kiểm toán quốc tế để xây dựng lực lượng KTV nòng cốt về kiểm toán hoạt động, kiểm toán công nghệ thông tin…
Đa dạng các chương trình, nội dung đào tạo
Theo Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức giai đoạn 2016 – 2020, chương trình đào tạo, bồi dưỡng công chức viên chức được chia theo từng giai đoạn, từng loại hình, từng nội dung đào tạo khác nhau; đồng thời quy định cụ thể về đối tượng, số lượng các lớp học, số lượng học viên cũng như hình thức đào tạo…
Về xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu: Biên soạn tài liệu giảng dạy các ngạch Kiểm toán viên nhà nước (Tiền Kiểm toán, Kiểm toán viên, Kiểm toán viên chính) và thời hạn hoàn thành trong 2016 - 2017; Chương trình, tài liệu ngạch Kiểm toán viên cao cấp, thời hạn hoàn thành trong năm 2017; Xây dựng Chương trình, tài liệu bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán theo các lĩnh vực kiểm toán: Ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, dự án đầu tư và tài chính ngân hàng, thời hạn hoàn thành năm 2016 - 2017; Xây dựng Chương trình, tài liệu đào tạo Kiểm toán CNTT, thời gian hoàn thành trong năm 2016, 2017; Xây dựng Chương trình, tài liệu đào tạo Kiểm toán môi trường, thời gian hoàn trong năm 2017, 2018); Xây dựng hướng dẫn Chuẩn mực kiểm toán, thời gian hoàn thành trong năm 2017 – 2018; Xây dựng tài liệu bồi dưỡng lãnh đạo cấp Trưởng đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, thời gian hoàn thành trong năm 2017, 2018; Sửa đổi, bổ sung Chương trình bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo quản lý cấp phòng, thời gian hoàn thành năm 2017 - 2018; Tổ chức rà soát, đánh giá chất lượng các chương trình, tài liệu; bổ sung, cập nhật và chỉnh sửa các kỹ năng kiểm toán theo các lĩnh vực kiểm toán: Ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, dự án đầu tư và tài chính ngân hàng, thời hoàn thành năm 2018 – 2020; Rà soát, sửa đổi chương trình đào tạo các ngạch KTVNN, thời gian hoàn thành năm 2020.
Tất cả các nội dung đào tạo trên đều do Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán chủ trì. Riêng nội dung xây dựng hướng dẫn Chuẩn mực kiểm toán do Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán chủ trì.
Về việc tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng do KTNN tổ chức, kế hoạch cũng nêu cụ thể các khóa đào tạo: Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch. Trong đó có các ngạch kiểm toán viên cao cấp, kiểm toán viên chính, Kiểm toán viên, Tiền kiểm toán viên. Ngoài ra, đối với nội dung bồi dưỡng quản lý nhà nước, trên cơ sở cơ cấu ngạch bậc và căn cứ vào nhu cầu đào tạo của các đơn vị trong toàn ngành, KTNN sẽ cử các công chức đủ điều kiện và hoàn thiện các thủ tục để cấp chứng chỉ các ngạch công chức và ngạch kiểm toán viên nhà nước phù hợp, như bồi dưỡng QLNN ngạch chuyên viên; bồi dưỡng QLNN ngạch chuyên viên chính; bồi dưỡng QLNN ngạch chuyên viên cao cấp.
Về nội dung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo các cấp: Từ năm 2017, hướng đào tạo, bồi dưỡng tập trung vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp Vụ, cấp phòng được quy hoạch; phấn đấu hàng năm đạt 20 – 30% số cán bộ quy hoạch được đào tạo, bồi dưỡng trước khi được bổ nhiệm. Cụ thể, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn, chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng; Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý cấp Vụ. Ngoài ra, tập trung bồi dưỡng, tập huấn các kỹ năng kiểm toán theo từng cấp độ theo các lĩnh vực: Ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, đầu tư – dự án, tài chính – ngân hàng. Bên cạnh đó, tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán chuyện sâu: Bồi dưỡng kiến thức về đầu tư và kiểm toán đầu tư theo hình thức BOT, BT; Kỹ năng kiểm toán tổng hợp; Kỹ năng chuyên sâu viết báo cáo kiểm toán; Kỹ năng thuyết trình; Hội thảo tổng kết kinh nghiệm, kỹ năng lãnh đạo cấp Trưởng Đoàn kiểm toán, Phó Trưởng Đoàn kiểm toán Tổ trưởng Tổ kiểm toán; Tập huấn hướng dẫn phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng các lĩnh vực chuyên ngành sẽ tập trung đào tạo: Kiểm toán hoạt động; Kiểm toán môi trường; Chuẩn mực kiểm toán, các hướng dẫn chuẩn mực kiểm toán; Đội ngũ làm công tác tổng hợp; Đội ngũ xây dựng Kế hoạch kiểm toán hàng năm và Kiểm toán trung hạn; Đội ngũ kiểm soát chất lượng kiểm toán; Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm kiểm toán đối với các cuộc kiểm toán chuyên đề, lĩnh vực ( kiểm toán đất đai, khoáng sản; kiểm toán nợ công; sở hữu chéo; nợ xấu; hiệu quả đầu tư công…); Đội ngũ phục vụ cho công tác đối ngoại của KTNN; Các kỹ năng phục vụ Đại hội ASOSAI; Tin học và các loại hình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng khác; Bồi dưỡng: Lý luận chính trị cao cấp, kiến thức quốc phòng, an ninh, phương pháp sư phạm...
Ngoài các nội dung, hình thức đào tạo, bồi dưỡng do KTNN tổ chức, KTNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh phân cấp đào tạo cho các đơn vị. Trong giai đoạn 2016 – 2020, các KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực và các đơn vị có liên quan đến hoạt động kiểm toán sẽ tập trung đào tạo, bồi dưỡng các quy trình, nghiệp vụ kiểm toán chuyên sâu theo từng lĩnh vực kiểm toán; tập huấn đề cương, kế hoạch kiểm toán của từng cuộc kiểm toán; cập nhật các văn bản, chính sách, chế độ mới liên quan đến hoạt động kiểm toán.
Một số kết quả đạt được trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2011-2015 của KTNN: Xây dựng mới và ban hành Bộ chương trình đào tạo các ngạch KTVNN (KTVdự bị, KTV, KTVchính và KTVcao cấp) và bộ đề cương chi tiết các môn học/chuyên đề theo từng chương trình đào tạo tương ứng. Kiện toàn đội ngũ giảng viên kiêm chức, thỉnh giảng của KTNN, đổi mới đa dạng hóa các phương pháp đào tạo, bồi dưỡng. Tổng KTNN đã ban hành Quyết định số 1198/QĐ-KTNN ngày 30/10/2013 công nhận danh sách giảng viên của KTNN gồm 87 người, trong đó có 02 giảng viên cơ hữu, 85 giảng viên thỉnh giảng của ngành. Ngoài ra còn có đội ngũ lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng, kiểm toán viên có kinh nghiệm tham gia giảng dạy tại các đơn vị. Kết quả đào tạo, bồi dưỡng công chức, KTV của KTNN giai đoạn 2011- 2015: Đào tạo các ngạch kiểm toán viên nhà nước (gồm chuyên môn nghiệp vụ khối kinh tế, khối kỹ thuật; ngạch KTV dự bị; ngạch KTV; ngạch KTVC; ngạch KTVCC cho 3.820 lượt công chức; Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh: 108 lượt (Đối tượng 1: 2 người; Đối tượng 2: 45 người; Đối tượng 3: 61 người); tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành cho hơn 18.000 lượt công chức; bồi dưỡng cao cấp lý luận chính trị: 176 lượt; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước các ngạch: 630 lượt công chức (QLNN ngạch chuyên viên: 338 lượt; CVC: 221 lượt; CVCC: 71 lượt); đào tạo về tin học: Mở 115 lớp cho 3.545 lượt công chức; đào tạo về ngoại ngữ: 22 lượt công chức (cử đi học các lớp biên dịch, phiên dịch tiếng Anh); cử công chức học tập nâng cao trình độ văn bằng 2,đại học: 15 lượt công chức, Thạc sỹ, tiến sỹ: 119 lượt công chức. Mở rộng, đẩy mạnh nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế : KTNN đã cử 749 lượt cán bộ, công chức, viên chức đi công tác, học tập, hội thảo, bồi dưỡng ở nước ngoài (Mỹ, Anh, Úc, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Pakistan, Indonesia, Hàn quốc, Ấn Độ) từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau như: Kinh phí đoàn ra của KTNN, Bộ Nội vụ, Đề án 165, CCAF Canada, dự án Koica Hàn Quốc. |
Thanh Trang