UBTVQH cho ý kiến Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp"

(kiemtoannn.gov.vn) - Sáng 05/10/2016, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát "Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp". Tham dự Phiên họp có đại diện Lãnh đạo các Bộ, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Công thương,Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kiểm toán nhà nước…
 

 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa tham dự Phiên họp.
 
Thay mặt Đoàn giám sát, Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh - Trưởng đoàn giám sát trình bày báo cáo tóm tắt kết quả giám sát “Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp".
 
Theo báo cáo giám sát, đến tháng 3/2016, cả nước có 1.761 xã, chiếm 19,7% tổng số xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Sau 5 năm thực hiện, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 17,4% (2011) xuống 8,2% năm 2015. Riêng những xã đạt tiêu chí nông thôn mới mức thu nhâp bình quân đầu người tăng từ 16 triệu đồng năm 2011 lên 28,4 triệu đồng năm 2015. Về nguồn vốn thực hiện Chương trình, trong 5 năm cả nước huy động khỏang 851.380 tỷ đồng. Sau 2 năm thực hiện đề án tái cơ cấu, ngành nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá, giá trị ngành nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá, giá trị ngành trồng trọt tăng năm 2013 là 3%, 2014 là 3,2%, 2015 là 1,6%. Năng suất, chất lượng và giá cả nhiều loại sản phẩm đã được nâng cao.
 
Đề cập tới hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai Chương trình, báo cáo giám sát chỉ rõ: Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới đã ban hành nhưng các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành còn chậm, thiếu đồng bộ; Một số xã mặc dù được công nhận hoàn thành Chương trình nhưng vẫn còn một số tiêu chí chưa hoàn thành hoặc không đạt tiêu chuẩn theo Bộ tiêu chí; Nguồn vốn NSNN và huy động xã hội cho Chương trình còn thấp so với yêu cầu, chưa đảm bảo theo quy định. Bên cạnh đó, các địa phương nợ đọng XDCB lớn, có 53/63 tỉnh/thành phố với số tiền trên 15.000 tỷ đồng nợ đọng XDCB. Các địa phương mới tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng, chưa chú trọng đầu tư phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập người dân và xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường...
 
        
 Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa tham dự Phiên họp
 
Trên cơ sở phân tích tình hình thực tế, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo một số nội dung:
 
Khẩn trương sửa đổi, ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, miền, địa bàn theo hướng khung tiêu chí cứng và một số tiêu chí linh hoạt, trên cơ sở đó có chính sách, định hướng đầu tư phù hợp với thực tế;
 
Rà soát nợ đọng xây dựng cơ bản, có hướng giải quyết dứt điểm nợ đọng này trong năm 2017 và không để tái diễn tình trạng huy động vốn đầu tư vượt khả năng thanh toán dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản;
 
Đổi mới cơ chế huy động và sử dụng nguồn lực, đa dạng hóa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; đảm bảo tính minh bạch, công khai, dân chủ trong việc huy động các nguồn lực xã hội, không huy động quá sức dân;
 
Chỉ đạo các địa phương khẩn trương xây dựng và phê duyệt các Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; Tổng kết và hình thành cẩm nang các mô hình quản lý, mô hình sản xuất thành công để phổ biến, nhân rộng; Tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến trình đăng ký và chuyển đổi hợp tác xã theo Luật hợp tác xã năm 2012; Bổ sung kịp thời các văn bản liên quan; Củng cố kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới theo hướng chuyên nghiệp, chuyên trách nhưng không làm tăng biên chế; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đề cao trách nhiệm người đứng đầu…
 
Tại phiên họp, các thành viên của UBTVQH và đại diện các Bộ, ngành liên quan đã đóng góp nhiều ý kiến hoàn thiện báo cáo giám sát.
 
Một số ý kiến cho rằng, việc xem xét, đánh giá kết quả của Chương trình cần xem xét tổng thể không chỉ trên những yếu tố vật chất mà cả các yếu tố phi vật chất; một số chỉ tiêu kết quả cần xem xét lại đầy đủ. Việc đánh giá Chương trình cũng cần bổ sung chỉ tiêu đánh giá triển khai Chương trình đối với những xã đặc biệt khó khăn để có các giải pháp nguồn lực đủ mạnh rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các địa phương.
 
Các ý kiến cũng cho rằng, việc đánh giá kết quả của Chương trình lần này cần coi là cơ hội quan trọng để chuẩn bị giai đoạn 2 của Chương trình. Cần nhìn nhận nghiêm túc, nghiêm khắc cách thức triển khai tránh tình trạng nôn nóng, bệnh thành tích. Coi trọng chất lượng của chỉ tiêu chứ không chỉ là số lượng các chỉ tiêu.
 
Việc sửa đổi, ban hành Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới nhận được nhiều ý kiến quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ tiêu chí cần chú trọng tới đầu tư phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng sống người nông dân. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần tập trung vào các giải pháp nâng cao năng suất lao động trong ngành nông nghiệp, huy động các nguồn lực trong xã hội trong phát triển nông nghiệp, xây dựng chính sách đầu ra cho nông nghiệp.
 
Khoản nợ đọng XDCB trên 15.000 tỷ của Chương trình tuy chỉ chiếm 1,8% so với tổng nguồn lực huy động cho Chương trình, nhưng cần có giải pháp quyết liệt để xử lý số nợ đọng xây dựng cơ bản của Chương trình để tránh dư luận không tốt, ảnh hưởng đến chủ trương xây dựng nông thôn mới.
 
Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao sự chuẩn bị báo cáo giám sát với những phụ lục chi tiết, những ý kiến góp ý đầy đủ, chi tiết của các thành viên UBTVQH và đại diện các Bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện Báo cáo giám sát. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ủy ban Kinh tế và Đoàn giám sát hoàn thiện dự thảo Báo cáo giám sát và dự thảo Nghị Quyết về nâng cao hiêu lực, hiệu quả việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Trong đó đặc biệt chú trọng tới việc hoàn thiện các giải pháp nhằm đảm bảo tính khả thi, tạo điều kiện triển khai có hiệu quả giai đoạn tiếp theo của Chương trình./.
 
Ngọc Bích