Tại Hội nghị, Trưởng phòng Pháp luật Vụ Pháp chế Đỗ Lan Hương đã trình bày những nội dung cơ bản của Quy định. Theo đó, Quy định gồm 3 chương, 36 điều, quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với những đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán trong báo cáo kiểm toán của KTNN thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổng Kiểm toán nhà nước; quy định xử lý các trường hợp kiến nghị về báo cáo kiểm toán; xử lý theo pháp luật các trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết của KTNN.
Theo Quy định, việc giải quyết khiếu nại phải bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, kịp thời, đúng nội dung, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền. Tổ chức, cá nhân liên quan khi khiếu nại và giải quyết khiếu nại phải tuân thủ các quy định của pháp luật về khiếu nại, pháp luật về kiểm toán nhà nước, các quy định pháp luật liên quan và quy định tại văn bản này.
Ngoài các quy định chung về: Các hành vi nghiêm cấm trong hoạt động khiếu nại kiểm toán; Trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp; Trình tự chung trong hoạt động giải quyết khiếu nại kiểm toán; Xử lý văn bản của đơn vị được kiểm toán thuộc trường hợp trả lời các kiến nghị về báo cáo kiểm toán; Hồ sơ giải quyết khiếu nại kiểm toán. Kiểm toán nhà nước có các quy định cụ thể về: Căn cứ khiếu nại kiểm toán; Hình thức, giới thiệu, thời hạn, rút khiếu nại kiểm toán; Các khiếu nại không thụ lý giải quyết; Quyền và nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán và của Kiểm toán nhà nước trong hoạt động khiếu nại kiểm toán; Thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết khiếu nại kiểm toán; Trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, xác minh, quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu; Trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, xác minh, quyết định giải quyết khiếu nại lần hai; Thi hành quyết định giải quyết khiếu nại kiểm toán có hiệu lực pháp luật.
Trong phần thảo luận, đại diện các đơn vị đã đề nghị Vụ Pháp chế giải thích, làm rõ thêm một số nội dung của Quy định về giải quyết khiếu nại của đơn vị được kiểm toán. Các đơn vị cũng nêu lên những vướng mắc trong việc xử lý văn bản của đơn vị được kiểm toán thuộc trường hợp trả lời các kiến nghị về báo cáo kiểm toán, đề nghị Vụ Pháp chế tham mưu Tổng Kiểm toán nhà nước xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Quy định. Có ý kiến đề nghị làm rõ thêm chủ thể có quyền khiếu nại và kiến nghị; phân biệt hình thức văn bản về kết quả giải quyết khiếu nại và giải quyết kiến nghị...
Kết thúc Hội nghị, Ông Lê Huy Trọng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế khẳng định Vụ Pháp chế sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đơn vị về những vướng mắc trong thực hiện Quy định để báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.
Hà Linh