Công tác thanh tra và kiểm toán góp phần quan trọng trong phát hiện và xử lý tham nhũng

(kiemtoannn.gov.vn) - Tiếp tục phiên họp thứ 3 Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIV, ngày 21/9/2016, tại nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIV đã họp cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), các báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án và công tác phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án và công tác phòng chống tham nhũng. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa tham dự phiên họp.

 

Vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên  môi trường diễn biến phức tạp
 
Báo cáo thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án; báo cáo công tác của Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC năm 2016, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, năm 2016, Chính phủ, TCNDTC, VKSNDTC đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, góp phần quan trọng giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh nước ta diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, tình hình thế giới diễn biến phức tạp. Các báo cáo đã phản ánh khá đầy đủ kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc trên các mặt công tác và đề ra giải pháp khắc phục.
 
UBTP của Quốc hội cơ bản tán thành với đánh giá về những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2016. Nhìn chung, công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm đã triển khai hiệu quả nhiều chính sách phòng ngừa; chỉ đạo các Bộ, ngành tăng cường các phương án, không để xảy ra tình huống đột xuất, bất ngờ; ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; tăng cường nhiều đợt cao điểm phòng chống tội phạm.
 
 
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra
 
Tuy nhiên, UBTP cũng cho rằng, công tác phòng ngừa còn những hạn chế, tồn tại, trong đó nổi lên một số vấn đề đáng quan tâm như tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên  môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt đã xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng tại một số tỉnh ven biển miền Trung gây hậu quả nghiêm trọng, là cơ hội để các đối tượng phản động lợi dụng kích động gây rối; vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng kém chất lượng đã đến lúc rất báo động. Đáng lưu ý là tuy tổng số vụ án giết người giảm mạnh nhưng số vụ giết người, đặc biệt là giết người thân trong gia đình tăng mạnh với thủ đoạn dã man, tàn ác, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tội phạm ma túy tiếp tục tăng cả về số vụ, số bị can và số lượng thu giữ; số lượng người nghiện ma túy lớn làm tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây vi phạm pháp luật …
 
Về công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ phát hiện tội trộm cắp, cướp giật còn thấp; vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực tài chính ngân hàng, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tội phạm sử dụng công nghệ cao đang diễn biến phức tạp nhưng số vụ phát hiện còn ít; số vụ phát hiện tham nhũng chưa tương xứng với tình hình trong thực tế và tiếp tục giảm cả số vụ, số bị can.
 
Thảo luận về các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án; các báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, các đại biểu đã chỉ ra hàng loạt những tồn tại về thể chế, chính sách trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở. Các đại biểu cũng cho rằng, việc thực hiện một số biện pháp đấu tranh phòng chống tiêu cực hiện nay còn hình thức và chưa hiệu quả; trách nhiệm và kỷ luật công vụ của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa cao; cơ chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng nhiều lúc còn lỏng lẻo...
 
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đề nghị cần tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp giữa lực lượng chức năng từ khâu điều tra, đến xét xử và thi hành án; cần nhìn nhận một cách nghiêm túc trước thực trạng tình hình tội phạm gia tăng trong thời gian qua, đặc biệt là tội phạm công nghệ cao, tội phạm ma túy để đề ra các giải pháp đấu tranh, phòng ngừa, chấn áp hiệu quả.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng các báo cáo cần cân nhắc đưa ra những giải pháp cụ thể liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước; bổ sung hoàn thiện pháp luật để phòng chống, đấu tranh ngày càng có hiệu quả hơn với các loại hình tội phạm, nhất là những loại tội phạm mới về công nghệ cao, tội phạm trong lĩnh vực tài nguyên môi trường…
 
Công tác thanh tra, kiểm toán góp phần phát hiện và xử lý tham nhũng
 
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2016, UBTP đánh giá, Báo cáo của Chính phủ đã phản ánh khá đầy đủ công tác PCTN. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng từng bước được kiềm chế, thể chế tiếp tục được hoàn thiện, bộ máy nhà nước ngày càng được kiện toàn, hoạt động minh bạch, công khai hơn. Cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử được tăng cường góp phần PCTN, việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ không đúng quy định của pháp luật trong các vụ án tham nhũng giảm. Một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, gây thất thoát lớn vốn và tài sản nhà nước được phát hiện và xử lý, trong đó vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, báo chí và nhân dân trong PCTN tiếp tục được phát huy.
 
 
Tổng Thanh tra Chính phủ trình bày Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016
 
Tuy nhiên, UBTP cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn cho thấy, công tác PCTN vẫn chưa đạt được mục tiêu Từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng.  
 
Bà Lê Thị Nga cho rằng, hiện còn nhiều tồn tại, hạn chế đã được UBTP nêu ra từ những năm trước nhưng vẫn chưa có nhiều chuyển biến: Thể chế, chính sách trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở; việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức và chưa hiệu quả; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở một số nơi còn chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác PCTN; việc nâng cao trách nhiệm và kỷ luật công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để hạn chế tình trạng nhũng nhiễu chậm chuyển biến; tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu rất yếu; việc “hành chính hóa” quan hệ hình sự trong xử lý hành vi tham nhũng vẫn còn diễn ra; số vụ tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử còn ít, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng, tiến độ xử lý một số vụ còn để kéo dài; việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng chưa nghiêm; thu hồi tài sản đạt tỷ lệ rất thấp...
 
Cơ quan thẩm tra cũng đánh giá, công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2016 đạt những kết quả đáng ghi nhận. Qua đó đã phát hiện và kiến nghị thu hồi cho ngân sách Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng và hàng chục nghìn hécta đất. Công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm toán thu hồi và xử lý tài sản đạt cao hơn so với năm 2015.
 
Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản qua kết luận thanh tra và kiến nghị kiểm toán vẫn còn thấp; việc kiến nghị xử lý trách nhiệm qua công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn chủ yếu tập trung vào xử lý hành chính, kỷ luật mà ít kiến nghị xử lý hình sự. Qua kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2016 chưa chuyển vụ việc nào sang cơ quan điều tra…
 
Thảo luận về nội dung này, ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng cần tiếp tục được hoàn thiện bởi vẫn chưa nêu bật được những điểm còn tồn tại, trì trệ cũng như những mặt có sự tiến bộ của công tác phòng, chống tham nhũng. Ông Nguyễn Văn Giàu đề nghị, các số liệu được nêu trong Báo cáo cần được cơ quan chức năng so sánh, đối chiếu với những năm trước để thấy rõ sự tiến bộ hay vẫn tiếp tục trì trệ, để qua đó xác định rõ nhiệm vụ cần tập trung trong phòng chống tham nhũng năm 2017 và các năm tiếp theo. “Trong công tác phòng chống tham nhũng cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến các giải pháp phòng ngừa, tránh các giải pháp mang tính hình thức; đồng thời cần tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng” - ông Nguyễn Văn Giàu đề xuất.
 
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, ở các báo cáo vẫn còn một số cụm từ chung chung như: “một số bộ, ngành, địa phương”, “một số lĩnh vực” làm tốt việc này, không làm việc kia, hay có những hạn chế, bất cập. Theo đại biểu, cần phải nêu rõ, hoặc chú thích cụ thể đấy là bộ, ngành, địa phương nào, lĩnh vực gì...
 
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận
 
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao Chính phủ và các ngành đã chuẩn bị công phu các báo cáo trình bày tại phiên họp. Trên cơ sở ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các báo cáo cần tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, xem xét lại những nhận định, có sự đánh giá thống nhất giữa các ngành chức năng. Đặc biệt, cần phân tích rõ các nguyên nhân để từ đó đề ra những giải pháp cụ thể, khắc phục những tồn tại đã nêu trong báo cáo./.
 
M. Thúy