Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân phổ chi thường xuyên NSNN năm 2017

(kiemtoannn.gov.vn) - Tiếp tục phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 13/9/2016, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân phổ chi thường xuyên NSNN năm 2017.

Theo tờ trình của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân phổ chi thường xuyên NSNN năm 2017, chi quản lý hành hành chính của các Bộ và cơ quan trung ương theo định mức mới bình quân tăng 4-5% so với bố trí dự toán năm 2016. Có khoảng 6 bộ, cơ quan trung ương có mức chi thường xuyên theo định mức thấp hơn mức bố trí dự toán năm 2016, sẽ phải bố trí kinh phí bù để không thấp hơn dự toán năm 2016. Chi thường xuyên của ngân sách địa phương tăng 2,8% so với năm 2016, trong đó các địa phương khu vực miền núi phía Bắc tăng bình quân 5,2%, khu vực Tây Nguyên tăng bình quân 6,9%, khu vực đồng bằng Sông Cửu Long tăng bình quân 3,7%. Vấn đề các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đặt ra là làm thế nào giảm chi thường xuyên để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển khi nguồn NSNN hạn hẹp.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đọc Tờ trình

Đa số các thành viên ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, định mức chi quản lý hành chính tăng khoảng 0,75-1,39 lần đối với các Bộ, định mức phân bổ theo tiêu chí dân số tăng 1,73 lần đối với địa phương là mức tăng cao, đề nghị cân nhắc hợp lý giữa các mức tăng vào bảo đảm trong khả năng đáp ứng của nguồn lực NSNN, đồng thời cần chú trọng đáp ứng yêu cầu giảm tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN.

Đối với tiêu chí phân bổ chi quản lý hành chính, mỗi bộ, ngành, cơ quan được giao nhiệm vụ cụ thể  gắn với yêu cầu xác định vị trí việc làm và đặc thù khác nhau. Vì vậy quy định các bậc theo số lượng biên chế như dự thảo Nghị quyết là chưa thực sự đổi mới và chưa dự báo được khả năng tinh giản biên chế ở các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Vì vậy đề nghị Chính phủ xác định rõ nhiệm vụ cụ thể của từng bộ, ngành có kết hợp với quy mô biên chế để xây dựng tiêu chí phân bổ sát với nhu cầu thực tế trong thực hiện nhiệm vụ của từng bộ, ngành.

Về tiêu chí phân bổ chi sự nghiệp, đa số ý kiến tán hành quy định trong dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, Nghị định 16 của chính Phủ về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập đã quy định rõ về lộ trình tính giá dịch vụ, điều này sẽ tác động đến việc phân bổ chi thường xuyên của các đơn vị sự nghiệp công lập. Vì vậy đề nghị Chính phủ nghiên cứu, quy định rõ hơn về vấn đề này trong dự thảo Nghị quyết, hoặc quy định cụ thể mức cắt giảm chi của NSNN cho từng đơn vị sự nghiệp tính theo mức độ tự chủ.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm các nguyên tắc về chi cho khoa học công nghệ, giáo dục và chi cho giảm nghèo đa chiều đảm bảo nguyên tắc làm thế nào giảm chi thường xuyên và tăng chi cho đầu tư xây dựng cơ bản từ 65% xuống còn 59% vào năm 2020.

Cũng trong buổi chiều, Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành quy định về quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 5 năm Quốc gia, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và phê chuẩn quyết toán NSNN hàng năm. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định việc ban hành Nghị quyết là quan trọng, cần thiết để sửa đổi các quy định không còn phù hợp, khắc phục các hạn chế của Nghị quyết 387/2003/NQ-UBTVQH11 hiện hành và để đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật gồm: Hiến pháp 2013, Luật NSNN 2015, Luật Đầu tư công, Luật Ban hành các văn bản QPPL, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát và các Luật liên quan khác. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo xác định rõ các căn cứ, nội dung, quy trình, thẩm quyền trong quá trình lập, thẩm tra và quyết định NSNN, phân bổ NSTW và quyết toán toán NSNN; bổ sung quy trình lập, thẩm tra về kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, trong đó xác định rõ trách nhiệm của Bộ Kế hoạch đầu tư. Đồng thời, bổ sung chi tiết nội dung, pham vi, nhiệm vụ của các cơ quan Quốc hội, Kiểm toán nhà nước trong vấn đề phối hợp thẩm tra; giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách là cơ quan chủ trì phơi hợp với cơ quan soạn thảo và Ủy ban Pháp luật hoàn chỉnh dự thảo để biểu quyết trong kỳ họp sau./.

Hà Linh