Vai trò của KTNN trong thực hiện công tác lập dự toán NSNN
Công tác lập và giao dự toán của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương thời gian vừa qua đã được nâng cao, góp phần vào việc nâng cao chất lượng quản lý ngân sách, tuy nhiên dự toán thu, chi NSNN còn khá nhiều hạn chế làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, điều hành NSNN, giảm hiệu quả sử dụng NSNN. Hơn thế nữa, Hiến pháp năm 2013 đã quy định rõ “Các khoản thu, chi NSNN phải được dự toán và do Luật định”; do đó yêu cầu cấp thiết cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng dự toán NSNN.
Thời gian qua, thông qua hoạt động kiểm toán quyết toán NSNN các cấp, bước đầu KTNN đã chỉ ra những hạn chế chủ yếu như công tác lập và giao dự toán của niên độ ngân sách được kiểm toán: Lập dự toán chưa đầy đủ và bao quát hết nguồn thu, lập dự toán chậm so với thời gian quy định; số liệu ước thực hiện thu thấp so với khả năng thực hiện; danh mục dự án đề xuất bố trí vốn không sát thực tế nên phải điều chỉnh, hủy bỏ kế hoạch vốn; tình trạng lập dự toán chi thường xuyên cao hơn khả năng ngân sách, chưa đầy đủ căn cứ tính toán và không sát thực tế; giao dự toán chi đầu tư chưa phù hợp với danh mục dự kiến kế hoạch vốn, giao dự toán chi thường xuyên chậm, điều chỉnh, bổ sung nhiều lần trong năm, một số địa phương phân bổ và giao dự toán chi thường xuyên chưa phân khai hết cho các đơn vị từ đầu năm…
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, giá trị của kết quả kiểm toán cũng như kiến nghị kiểm toán đối với công tác lập, giao dự toán còn hạn chế, thiếu tính kịp thời so với thực tiễn do đặc điểm về độ trễ thời gian KTNN thực hiện kiểm toán quyết toán NSNN.
Chính vì vậy, để phát huy hiệu quả vai trò của KTNN trong lập dự toán NSNN đòi hỏi KTNN phải tham gia ngay trong quá trình lập và thảo luận dự toán NSNN thay vì đánh giá khi thực hiện kiểm toán.
Theo Luật KTNN năm 2015, nhiệm vụ của KTNN trong khâu dự toán được quy định với 02 cấp độ: Tham gia với các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ trong việc xem xét về dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW, phương án điều chỉnh dự toán NSNN; Trình ý kiến của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán NSNN, quyết định phân bổ NSTW.
Trong những năm vừa qua, KTNN đã tham gia thảo luận về dự toán của một số Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có quy mô ngân sách lớn tại Bộ Tài chính, tham dự một số buổi thẩm tra dự toán do Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức. Ý kiến tham gia của KTNN đã chỉ ra một số vướng mắc, bất cập trong việc xây dựng dự toán NSNN.
Tuy nhiên việc thực nhiệm vụ này của KTNN còn có những tồn tại, hạn chế: Việc tham gia chỉ dưới hình thức là các ý kiến trực tiếp tại một số phiên thảo luận, chưa tham gia ý kiến bằng văn bản do vậy giá trị pháp lý cũng như tính hiệu lực của ý kiến tham gia chưa cao; Ý kiến của KTNN khi tham gia các phiên họp của Ủy ban Tài chính - Ngân sách và UBTV Quốc hội chủ yếu trên cơ sở kết quả tổng hợp ý kiến trong quá trình tham gia thảo luận dự toán NSNN của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tại Bộ Tài chính, chưa có ý kiến tham gia trực tiếp đối với dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW do Chính phủ gửi Ủy ban Tài chính - Ngân sách, báo cáo UBTV Quốc hội, trình Quốc hội.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là do hạn chế về cơ sở pháp lý, Luật KTNN quy định nhiệm vụ của KTNN “Trình ý kiến của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán NSNN, quyết định phân bổ ngân sách Trung ương... Tham gia với các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ trong việc xem xét về dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương, phương án điều chỉnh dự toán NSNN...”, nhưng quy định này chưa có hướng dẫn về tổ chức thực hiện.
Đồng thời, Quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và phê chuẩn quyết toán NSNN của UBTV Quốc hội chưa quy định nhiệm vụ của KTNN trình ý kiến về dự toán NSNN để Quốc hội xem xét, quyết định.
Một nguyên nhân khác là do hạn chế về tài liệu dự toán được tiếp cận làm giảm vai trò của KTNN khi tham gia ý kiến đối với dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW, chưa có quy định cụ thể yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong việc gửi báo cáo dự toán cho KTNN. Hơn thế nữa, các phát hiện kiểm toán liên quan đến công tác dự toán ngân sách chưa nhiều, lực lượng công chức có đủ năng lực, trình độ chuyên môn để tham gia ý kiến về dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW còn chưa đủ mạnh.
Vai trò của KTNN trong thực hiện Quyết toán NSNN
Thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ kiểm toán quyết toán NSNN các cấp theo quy định của Luật KTNN, Luật NSNN, ngoài cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN tại Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch & Đầu tư được KTNN tổ chức thực hiện hàng năm, KTNN đã tiến hành kiểm toán quyết toán ngân sách địa phương trên 50% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Trong giai đoạn 2011-2015, tổng số kiến nghị xử lý tài chính của KTNN đạt trên 100.000 tỷ đồng, trong đó các khoản tăng thu, giảm chi NSNN là trên 45.000 tỷ đồng. KTNN cũng đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hàng trăm văn bản không phù hợp với quy định của Nhà nước. Riêng trong 6 tháng năm 2016, KTNN đã kiến nghị xử lý gần 20.000 tỷ đồng, trong đó trong đó kiến nghị tăng thu ngân sách 8.565,6 tỷ đồng, giảm chi ngân sách 5.562 tỷ đồng, các khoản xử lý tài chính khác 5.735,9 tỷ đồng; Kiến nghị rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung 110 văn bản không phù hợp với quy định chung của Nhà nước.
Đặc biệt, trong 02 năm trở lại đây, KTNN đã kiểm toán trên 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, góp phần cung cấp thông tin khách quan, trung thực phục vụ cho việc phê chuẩn quyết toán ngân sách của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Kết quả kiểm toán đã phản ánh được các nội dung phong phú để các đại biểu Quốc hội tham khảo trước khi biểu quyết phê chuẩn quyết toán NSNN.
Tuy nhiên, công tác này vẫn còn có một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới: Nội dung báo cáo kiểm toán đôi khi còn dàn trải, mang tính chất liệt kê, chưa có nhiều đánh giá vĩ mô về công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công; Thời gian kiểm toán và hoàn thành báo cáo quyết toán NSNN còn dài do nhiều đơn vị dự toán NSTW và địa phương chưa tuân thủ thời gian gửi báo cáo quyết toán ngân sách nên công tác tổng hợp lập báo cáo quyết toán NSNN chậm; Năng lực của đội ngũ Kiểm toán viên nhà nước chưa đồng đều, kinh nghiệm về ngân sách và quyết toán NSNN còn hạn chế; việc thực hiện các kiến nghị của KTNN chưa đầy đủ, kịp thời đến kết quả thực hiện kiến nghị xử lý tài chính của KTNN còn hạn chế.
Với vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ liên quan đến hai trong ba khâu của chu trình ngân sách, để nâng cao hơn nữa chất lượng thực hiện nhiệm vụ, KTNN cần khắc phục những hạn chế, tồn tại, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán và đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán, trong đó 03 nhóm giải pháp trọng tâm gồm:
Hoàn thiện hành lang pháp lý để thực hiện nhiệm vụ của KTNN trong lập và quyết toán NSNN theo hướng: Kiến nghị UBTV Quốc hội bổ sung nhiệm vụ của KTNN trình ý kiến về dự toán NSNN khi sửa đổi Nghị quyết 387/2003/NQ-UBTVQH11 ban hành Quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương và phê chuẩn quyết toán NSNN; Nghiên cứu, xây dựng quy trình và hệ thống hồ sơ mẫu biểu kiểm toán liên quan đến nhiệm vụ trình ý kiến để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán NSNN; Bổ sung, sửa đổi quy trình kiểm toán quyết toán NSNN phù hợp với quy định của Luật KTNN năm 2015, Luật Ngân sách nhà nước 2015.
Đổi mới hoạt động kiểm toán: Nhằm triển khai thực hiện chiến lược nâng cao năng lực kiểm toán theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 theo hướng “Cơ bản tiến hành kiểm toán thường xuyên hàng năm các đơn vị dự toán cấp I trực thuộc NSTW và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tăng quy mô mẫu kiểm toán về tổng thể và tại các đầu mối trên để đạt yêu cầu xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách; đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước theo quy định của Luật KTNN năm 2015”.
Tăng cường sự phối hợp giữa KTNN với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và chính quyền địa phương trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của KTNN trong khâu dự toán và quyết toán NSNN, nâng cao giá trị kết quả kiểm toán, tính hiệu lực và hiệu quả của kiến nghị kiểm toán./.