Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ năm 2015: “Hoàn thiện các chương trình và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đối với kiểm toán viên”

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 29/8/2016, Hội đồng khoa học của KTNN đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2015: “Hoàn thiện các chương trình và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đối với kiểm toán viên” do PGS.TS Phan Duy Minh và Ths. Trần Quang Huy (Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán) đồng chủ nhiệm. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.
 

 
Trình bày về Đề tài, Ths. Trần Quang Huy cho biết, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng kiểm toán viên nhà nước (KTVNN) là một nhiệm vụ quan trọng của KTNN. Từ năm 2005 đến nay, KTNN đã 2 lần ban hành chương trình đào tạo, bồi dưỡng các ngạch KTVNN. Tuy nhiên, mỗi chương trình đào tạo chỉ phù hợp với một giai đoạn nhất định. Chương trình đào tạo các ngạch KTVNN hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế so với yêu cầu thực tiễn và cần được xây dựng lại. Việc nghiên cứu đề tài trên là cấp thiết, đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng của KTNN hiện nay.
 
Đề tài nghiên cứu gồm 4 chương: Thực trạng chương trình đào tạo và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng KTVNN của KTNN; Chương trình đào tạo của cơ quan KTNN tối cao một số nước và những vấn đề rút ra cho KTNN Việt Nam; Xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho KTVNN; Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng KTVNN.
 
Theo Hội đồng nghiệm thu, đây là công trình nghiên cứu rất có ý nghĩa với KTNN hiện nay, đáp ứng được các yêu cầu chính về nội dung và hình thức của đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ. Đề tài được kết cấu thành 4 chương là phù hợp với mục tiêu và nội dung nghiên cứu; các thông tin khảo sát và thu thập có độ tin cậy cao. Đề tài đã tổng hợp, phân tích, đánh giá được thực trạng chương trình đào tạo, bồi dưỡng KTVNN và thực trạng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng KTVNN. Mô tả khá cụ thể chương trình đào tạo, bồi dưỡng của 3 SAI: Hàn Quốc, Philippines, Malaysia; từ đó rút ra 6 vấn đề cho việc nghiên cứu, xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng của KTNN. Xác định được phương hướng, nguyên tắc xây dựng chương trình và xây dựng chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng KTVNN. Trên cơ sở đó, đề tài đã đề xuất 6 giải pháp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và 12 giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng KTVNN; đề xuất các điều kiện thực hiện các giải pháp.
 
Tuy nhiên, Hội đồng nghiệm thu cũng cho rằng, không nên chia việc đào tạo KTVNN thành 4 chương trình (trợ lý kiểm toán viên, kiểm toán viên, kiểm toán viên chính, kiểm toán viên cao cấp) vì theo Luật KTNN không tồn tại ngạch “trợ lý kiểm toán”. Do vậy, phần đào tạo “trợ lý kiểm toán” chỉ là giai đoạn 1 của đào tạo ngạch kiểm toán viên. Đồng thời, việc nghiên cứu các chương trình đào tạo của 3 SAI tại Chương II chưa thật điển hình, phù hợp với KTNN Việt Nam. Ban chủ nhiệm nên nghiên cứu thêm chương trình đào tạo của Singapore. Hơn nữa, đề tài cũng chưa nghiên cứu về cách thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng từ các SAI này. Trong tên Chương III, nên thay cụm từ “xây dựng chương trình” thành “hoàn thiện chương trình” để phù hợp hơn với nội dung của đề tài.
 
Phát biểu kết luận, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, cho rằng đề tài được thực hiện công phu, thể hiện sự nghiêm túc của Ban chủ nhiệm đề tài. Để đề tài hoàn thiện hơn, Ban chủ nhiệm đề tài cần tập trung vào hai nội dung chính: Thứ nhất là các đề xuất hoàn thiện nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng; trình bày rõ được thực trạng theo diễn biến từng giai đoạn, cũng như lí giải được cơ sở đề ra cách hoàn thiện đó; ban hành quy trình khung, đề cương chi tiết cập nhật. Thứ hai là các đề xuất hoàn thiện tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, từ khâu hoàn thiện việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của ngành đến việc tổ chức thực hiện. Sắp xếp lại các nội dung giải pháp cho hợp lý hơn. Bên cạnh đó, Ban chủ nhiệm đề tài cần nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các thành viên hội đồng, chỉnh sửa, hoàn thiện đề tài và nộp về Hội đồng khoa học KTNN đúng thời gian quy định.
 
Đề tài xếp loại Khá./.
 
Ngọc Bích