Nhận thức rõ vai trò quan trọng mang tính tiền đề này, Kiểm toán nhà nước Việt Nam (KTNN) luôn chú trọng việc xây dựng và từng bước hoàn thiện Hệ thống chuẩn mực kiểm toán của KTNN theo hướng tuân thủ Hệ thống các chuẩn mực kiểm toán của các Cơ quan Kiểm toán Tối cao (ISSAIs) do Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) ban hành. Nhân dịp kỷ niệm 22 năm ngày thành lập Kiểm toán nhà nước (11/7/1994-11/7/2016), Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Quyết định số 02/2016/QĐ-KTNN ngày 15/7/2016 ban hành Hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước (CMKTNN) gồm 39 chuẩn mực kiểm toán nhà nước và Danh mục thuật ngữ sử dụng trong Hệ thống CMKTNN. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2016 và thay thế các Quyết định số 06/2010/QĐ-KTNN ngày 09/11/2010 của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc ban hành Hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước, Quyết định số 01/2014/QĐ-KTNN ngày 07/5/2014 của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc ban hành chuẩn mực kiểm toán nhà nước số 30 - Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp, Quyết định số 02/2014/QĐ-KTNN ngày 14/7/2014 của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc ban hành chuẩn mực kiểm toán nhà nước số 100 - Các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, Quyết định số 03/2014/QĐ-KTNN ngày 15/7/2014 của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc ban hành chuẩn mực kiểm toán nhà nước số 40 - Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Quyết định số 04/2014/QĐ-KTNN ngày 31/7/2014 của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc ban hành chuẩn mực kiểm toán nhà nước số 200 - Các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán tài chính.
Kiểm toán nhà nước Việt Nam được thành lập ngày 11/7/1994, cho đến nay được 22 năm, trong khi đó nhiều Cơ quan Kiểm toán Tối cao (SAI) trong khu vực và trên thế giới đã có lịch sử phát triển hàng trăm năm. Việc học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu và kế thừa các kiến thức nghề nghiệp của các SAI đi trước, nhất là các kỹ năng nghề nghiệp đã được đúc kết thành các chuẩn mực và hướng dẫn của INTOSAI là thực sự rất cần thiết đối với KTNN Việt Nam bởi ba lý do:
Khi hệ thống các ISSAI được chính thức thông qua tại Đại hội lần thứ XX của INTOSAI tại Johannesburg, Nam Phi năm 2010, và ban hành thành “Tuyên bố Nam Phi về ISSAIs”, INTOSAI đã kêu gọi tất cả các thành viên của INTOSAI sử dụng hệ thống cơ cấu ISSAI như là một khung chung để tham khảo. Việc nghiên cứu và đồng hóa các ISSAI này thành các văn bản áp dụng vào thực tiễn kiểm toán của các SAI là rất cần thiết để phát triển nghề nghiệp theo những chuẩn mực chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh kiểm toán nhà nước và nhằm hướng tới việc hỗ trợ các SAI phát triển đồng đều về chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời, việc xây dựng và ban hành ISSAI cũng có ý nghĩa to lớn là để thực thi các chuẩn mực kiểm toán quốc tế của INTOSAI vào thực tiễn kiểm toán của các SAI trên toàn thế giới. Với tư cách là thành viên của INTOSAI từ tháng 7 năm 1996, KTNN Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế phát triển chung của các SAI trên thế giới. Chính vì vậy, sau khi tham gia Đại hội INTOSAI lần thứ XX tại Johannesburg, Nam phi năm 2010, KTNN Việt Nam đã ký Bản cam kết thực hiện Chương trình Sáng kiến thực hiện ISSAI (Chương trình 3i) với IDI và ASOSAI tại Phnom-Pênh, Căm-pu-chia ngày 01/03/2013.
Đối với KTNN, việc áp dụng các ISSAI là cơ hội, điều kiện thuận lợi để chuẩn hóa và nâng cao chất lượng các hoạt động của KTNN nói chung và hoạt động kiểm toán nói riêng; góp phần giúp KTNN thực hiện những mục tiêu và nội dung quan trọng nhất trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020. Việc áp dụng ISSAIs sẽ nâng cao tính độc lập, tính hiệu lực và hiệu quả trong hoạt động kiểm toán của KTNN, tăng cường năng lực chuyên môn, tính chuyên nghiệp, vị thế, uy tín và hình ảnh của KTNN ở tầm quốc gia cũng như trong cộng đồng INTOSAI. Bằng cách đó, KTNN sẽ rút ngắn khoảng cách phát triển, tiết kiệm thời gian và các nguồn lực nhằm đạt được trình độ chuyên môn nghề nghiệp kiểm toán nhà nước của các nước phát triển.
Hiện nay, INTOSAI đã xây dựng và tiến hành thử nghiệm khuôn khổ đo lường hoạt động của các cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI). Theo IDI-INTOSAI, khuôn khổ đo lường hoạt động của SAI (PMF) cung cấp cho các SAI một khuôn khổ đánh giá tự nguyện hoạt động của mình trên cơ sở so sánh với các hướng dẫn, quy định hiện hành của INTOSAI. Việc thực hiện PMF sẽ giúp các SAI nâng cao năng lực thông qua việc sử dụng các biện pháp đo lường, quản lý hoạt động và xác định các cơ hội nhằm nâng cao và cải thiện hoạt động của mình. ISSAI là một trong những nền tảng quan trọng nhất để xây dựng nên PMF, chính vì vậy, việc thực hiện toàn diện và hiệu quả khuôn khổ ISSAI trên mọi cấp độ trong tương lai sẽ là cơ sở để KTNN Việt Nam áp dụng tốt PMF.
Nhận thức được sự cần thiết phải nghiên cứu để xây dựng được một Hệ thống chuẩn mực KTNN một cách đồng bộ và bài bản theo hướng tuân thủ các yêu cầu của ISSAI, thông lệ quốc tế, đồng thời phù hợp với khuôn khổ pháp lý và thực tiễn hoạt của KTNN, nhằm thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017, KTNN đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực KTNN vào tháng 8/2013 và Tổ soạn thảo Hệ thống chuẩn mực KTNN vào tháng 9/2013.
Việc xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực của KTNN theo hướng tuân thủ ISSAI thực hiện theo các nguyên tắc sau:
Thứ nhất, dựa vào các quy định của Hệ thống chuẩn mực kiểm toán quốc tế của các cơ quan Kiểm toán tối cao (ISSAI), tham khảo hệ thống chuẩn mực kiểm toán độc lập và kết quả đánh giá của Nhóm đánh giá việc tuân thủ ISSAI của KTNN, việc xây dựng và ban hành Hệ thống chuẩn mực KTNN thực hiện theo hướng: tiếp thu có chọn lọc các chuẩn mực kiểm toán quốc tế phù hợp với pháp luật Việt Nam, cơ chế quản lý của Việt Nam, điều kiện và môi trường hoạt động của KTNN Việt Nam, hiện tại và tương lai. Những nội dung quy định trong ISSAI nhưng không phù hợp với pháp luật Việt Nam, cơ chế quản lý của Việt Nam và thực tiễn KTNN Việt Nam thì không đưa vào chuẩn mực; đối với những nội dung cần thiết và phù hợp với cơ chế quản lý và thực tiễn của KTNN Việt Nam nhưng không có trong các quy định của ISSAI thì cần nghiên cứu để đưa vào những nội dung quy định cụ thể trong các chuẩn mực.
Thứ hai, việc xây dựng và ban hành phải tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tuân thủ Luật và các quy định của Việt Nam trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.
Thứ ba, Hệ thống chuẩn mực KTNN phải đảm bảo các yêu cầu: đầy đủ, toàn diện, rõ ràng, dễ hiểu và dễ thực hiện.
Thứ tư, xây dựng chuẩn mực KTNN theo các cấp độ và theo 3 loại hình kiểm toán, bao gồm: Kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động ở cấp độ 4.
Thứ năm, chuẩn mực KTNN được ký hiệu gồm phần chữ và phần số; trong đó, phần chữ ký hiệu là CMKTNN, phần số giữ nguyên như ISSAI nhằm đảm bảo dễ dàng tham chiếu với ISSAI có nội dung tương ứng (ví dụ: CMKTNN 1500 là chuẩn mực về bằng chứng kiểm toán trong kiểm toán tài chính, tương ứng với ISSAI 1500 cũng là chuẩn mực về bằng chứng kiểm toán).
Thứ sáu, phương pháp xây dựng chuẩn mực KTNN dựa trên cơ sở nghiên cứu ISSAI, Hệ thống chuẩn mực KTNN hiện hành và Hệ thống chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam (VSA) do Bộ Tài chính ban hành (áp dụng cho các công ty kiểm toán độc lập) . Các bước tổ chức thực hiện xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực KTNN gồm: Thành lập Tổ Soạn thảo, chia Nhóm trong Tổ Soạn thảo; hiệu đính nội dung dịch các chuẩn mực quốc tế đảm bảo chính xác, chuẩn; thống nhất thuật ngữ trong các chuẩn mực; soạn thảo nội dung các chuẩn mực; tổ chức Hội thảo lấy ý kiến; thẩm định…; mời chuyên gia, một số cơ quan Kiểm toán độc lập có kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực hiện ISSAI; đồng thời tham khảo kết quả làm việc của các chuyên gia thuộc dự án “Hiện đại hoá phương pháp và thông lệ kiểm toán của KTNN”, kết quả đánh giá ISSAI của Nhóm Đánh giá tuân thủ ISSAI của KTNN (tình trạng tuân thủ ISSAI của hệ thống chuẩn mực KTNN, các đề xuất hoàn thiện hệ thống hệ thống chuẩn mực KTNN theo ISSAI…)…
INTOSAI chính thức hệ thống hóa, hình thành và xây dựng hệ thống ISSAIs từ năm 2007. Hệ thống này phản ánh nguyện vọng của INTOSAI muốn cung cấp cho các thành viên của mình và các bên có liên quan một hệ thống các chuẩn mực và hướng dẫn kiểm toán chất lượng cao chuyên nghiệp, theo 4 cấp độ: Cấp độ 1: Các nguyên tắc nền tảng; Cấp độ 2: Các điều kiện tiên quyết để SAI thực hiện chức năng của mình; Cấp độ 3: Các nguyên tắc kiểm toán cơ bản; Cấp độ 4: Các hướng dẫn kiểm toán. Đồng thời, Hệ thống các ISSAI hình thành theo một thứ tự cấp bậc được đánh số, chính thức có 4 cấp độ. Cấp độ 1 đánh 1 chữ số, cấp độ 2 đánh 2 chữ số, cấp độ 3 đánh 3 chữ số, cấp độ 4 đánh 4 chữ số. Cụ thể như sau:
* Cấp độ 1: Các nguyên tắc nền tảng (ISSAI 1)
ISSAI 1: Tuyên bố Lima ( thông qua năm 1977).
* Cấp độ 2: Các điều kiện tiên quyết để thực hiện chức năng của SAI (ISSAI 10-99)
ISSAI 10: Tuyên bố Mehico về Tính độc lập của SAI (thông qua năm 2007); ISSAI 11: Các Hướng dẫn và Thông lệ tốt liên quan đến Tính độc lập của SAI (thông qua năm 2007); ISSAI 12: Giá trị và lợi ích của các SAI (thông qua năm 2013); ISSAI 20: Các nguyên tắc Minh bạch và trách nhiệm giải trình (thông qua năm 2010); ISSAI 21: Các nguyên tắc Minh bạch và trách nhiệm giải trình - Các nguyên tắc và thông lệ tốt (thông qua năm 2010); ISSAI 30: Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp (thông qua năm 1998);
ISSAI 40: Kiểm soát chất lượng đối với các SAI (thông qua năm 2010).
* Cấp độ 3: Các nguyên tắc kiểm toán cơ bản (ISSAI 100-999)
Các ISSAI ở cấp độ 3 mới được thông qua năm 2013 như sau: ISSAI 100: Các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán khu vực công; ISSAI 200: Các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán tài chính; ISSAI 300: Các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán hoạt động; ISSAI 400: Các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán tuân thủ.
* Cấp độ 4: Các hướng dẫn kiểm toán (ISSAI 1000-5999)
Các hướng dẫn kiểm toán cấp độ 4 chia thành Các hướng dẫn kiểm toán chung và Các hướng dẫn về các chủ đề đặc biệt.
Các hướng dẫn kiểm toán chung được chia thành 3 loại hình kiểm toán, cụ thể như sau:
Các hướng dẫn về kiểm toán tài chính (ISSAI 1000-2999):
Hiện nay có 38 chuẩn mực hướng dẫn về kiểm toán tài chính. Các ISSAI cấp độ 4 về kiểm toán tài chính được INTOSAI xây dựng trên nền tảng chuẩn mực kiểm toán quốc tế (ISA) do Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC) ban hành và bổ sung thêm phần Chú giải thực hành để cho phù hợp với lĩnh vực công. Việc đánh số ISSAI được đánh số tương ứng với từng ISA, chỉ bổ sung thêm số 1 ở đằng trước của số ISA.
Các hướng dẫn về kiểm toán hoạt động (ISSAI 3000-3999):
Hiện nay có hai chuẩn mực hướng dẫn về kiểm toán hoạt động, gồm ISSAI 3000: Các hướng dẫn thực hiện kiểm toán hoạt động (thông qua năm 2004); ISSAI 3100: Các hướng dẫn kiểm toán hoạt động: Các nguyên tắc chính (thông qua năm 2010).
Các hướng dẫn về kiểm toán tuân thủ (ISSAI 4000-4999)
Hiện nay, các hướng dẫn về kiểm toán tuân thủ có ba chuẩn mực sau:
ISSAI 4000: Giới thiệu chung về hướng dẫn kiểm toán tuân thủ (thông qua 2010); ISSAI 4100: Các hướng dẫn kiểm toán tuân thủ đối với các cuộc kiểm toán thực hiện tách biệt với cuộc kiểm toán báo cáo tài chính (thông qua 2010); ISSAI 4200: Các hướng dẫn kiểm toán tuân thủ liên quan đến cuộc kiểm toán báo cáo tài chính (thông qua 2010). Ngoài ra, ISSAIs còn có các hướng dẫn kiểm toán về các chủ đề đặc biệt (ISSAI 5000-5999)
Hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước (CMKTNN) ban hành lần này gồm 39 chuẩn mực kiểm toán nhà nước và Danh mục thuật ngữ sử dụng trong Hệ thống CMKTNN có số hiệu và tên gọi cụ thể như sau:
1. CMKTNN 30 - Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
2. CMKTNN 40 - Kiểm soát chất lượng kiểm toán.
3. CMKTNN 100 - Các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.
4. CMKTNN 200 - Các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán tài chính.
5. CMKTNN 300 - Các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán hoạt động.
6. CMKTNN 400 - Các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán tuân thủ.
7. CMKTNN 1200 - Trách nhiệm của kiểm toán viên nhà nước khi thực hiện cuộc kiểm toán tài chính theo chuẩn mực kiểm toán nhà nước.
8. CMKTNN 1220 - Kiểm soát chất lượng đối với cuộc kiểm toán tài chính.
9. CMKTNN 1230 - Tài liệu, hồ sơ kiểm toán của cuộc kiểm toán tài chính.
10. CMKTNN 1240 - Trách nhiệm của kiểm toán viên nhà nước liên quan đến gian lận trong cuộc kiểm toán tài chính.
11. CMKTNN 1250 - Đánh giá tính tuân thủ pháp luật và các quy định trong kiểm toán tài chính.
12. CMKTNN 1260 - Trao đổi các vấn đề với đơn vị được kiểm toán trong kiểm toán tài chính.
13. CMKTNN 1300 - Lập kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán tài chính.
14. CMKTNN 1315 - Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường hoạt động của đơn vị trong kiểm toán tài chính.
15. CMKTNN 1320 - Xác định và vận dụng trọng yếu kiểm toán trong kiểm toán tài chính.
16. CMKTNN 1330 - Biện pháp xử lý rủi ro kiểm toán trong kiểm toán tài chính.
17. CMKTNN 1402 - Các yếu tố cần xem xét khi kiểm toán đơn vị có sử dụng dịch vụ bên ngoài trong kiểm toán tài chính.
18. CMKTNN 1450 - Đánh giá các sai sót phát hiện trong quá trình kiểm toán tài chính.
19. CMKTNN 1500 - Bằng chứng kiểm toán trong kiểm toán tài chính.
20. CMKTNN 1505 - Xác nhận từ bên ngoài đối với cuộc kiểm toán tài chính.
21. CMKTNN 1510 - Kiểm toán số dư đầu kỳ trong kiểm toán tài chính.
22. CMKTNN 1520 - Thủ tục phân tích trong kiểm toán tài chính.
23. CMKTNN 1530 - Lấy mẫu kiểm toán trong kiểm toán tài chính.
24. CMKTNN 1540 - Kiểm toán các ước tính kế toán trong kiểm toán tài chính.
25. CMKTNN 1550 - Các bên liên quan trong kiểm toán tài chính.
26. CMKTNN 1560 - Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán.
27. CMKTNN 1570 - Kiểm toán hoạt động liên tục của đơn vị trong kiểm toán tài chính.
28. CMKTNN 1580 - Giải trình bằng văn bản trong kiểm toán tài chính.
29. CMKTNN 1600 - Lưu ý khi kiểm toán báo cáo tài chính tập đoàn.
30. CMKTNN 1610 - Sử dụng công việc của kiểm toán viên nội bộ trong kiểm toán tài chính.
31. CMKTNN 1620 - Sử dụng công việc của chuyên gia trong kiểm toán tài chính.
32. CMKTNN 1700 - Hình thành ý kiến kiểm toán và báo cáo kiểm toán trong kiểm toán tài chính.
33. CMKTNN 1705 - Ý kiến kiểm toán không phải ý kiến chấp nhận toàn phần trong báo cáo kiểm toán tài chính.
34. CMKTNN 1706 - Đoạn “Vấn đề cấn nhấn mạnh” và “Vấn đề khác” trong báo cáo kiểm toán tài chính.
35. CMKTNN 1710 - Thông tin so sánh - Dữ liệu tương ứng và báo cáo tài chính so sánh, trách nhiệm của kiểm toán viên nhà nước liên quan đến các thông tin khác trong kiểm toán tài chính.
36. CMKTNN 1800 - Lưu ý khi kiểm toán báo cáo tài chính được lập theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính cho mục đích đặc biệt.
37. CMKTNN 1805 - Lưu ý khi kiểm toán báo cáo tài chính riêng lẻ và khi kiểm toán các yếu tố, tài khoản hoặc khoản mục cụ thể của báo cáo tài chính.
38. CMKTNN 3000 - Hướng dẫn kiểm toán hoạt động.
39. CMKTNN 4000 - Hướng dẫn kiểm toán tuân thủ.
40. Danh mục thuật ngữ sử dụng trong hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước
Như vậy, KTNN đã ban hành: 2 CMKTNN cấp độ 2; 4 CMKTNN cấp độ 3; 33 CMKTNN cấp độ 4 (gồm: 31 CMKTNN về kiểm toán tài chính, 01 CMKTNN về kiểm toán hoạt động, 01 CMKTNN về kiểm toán tuân thủ).
Việc đánh số và tên gọi CMKTNN nhìn chung đã đồng nhất với số và tên gọi của các ISSAI.
Ngoài ra, còn có một số khác biệt so với hệ thống ISSAI, một số ISSAI cấp độ 1 và cấp độ 2 KTNN không ban hành vì đã được cụ thể hóa và quy định trong Luật KTNN hiện hành. So với các ISSAI cấp độ 4 về kiểm toán tài chính, thì hệ thống CMKTNN ít hơn một số chuẩn mực do nội dung những chuẩn mực này không phù hợp với chức năng nhiệm vụ của KTNN, thì KTNN không quy định hoặc có nội dung đã được quy định gộp vào các chuẩn mực liền trước vì có cùng chủ đề giống nhau để tiện tra cứu. So với các ISSAI cấp độ 4 về kiểm toán hoạt động, trong quá trình soạn thảo đã gộp các nội dung của ISSAI 3000 và ISSAI 3100 vào một chuẩn mực là CMKTNN 3000- Hướng dẫn kiểm toán hoạt động để tiện tra cứu và áp dụng vào thực tiễn kiểm toán. Tương tự như vậy, về kiểm toán tuân thủ đã gộp các nội dung của ISSAI 4000, ISSAI 4100 and ISSAI 4200 vào một chuẩn mực là CMKTNN 4000 - Hướng dẫn kiểm toán tuân thủ.
Sau khoảng thời gian gần 3 năm nghiên cứu và soạn thảo, qua nhiều lần tổ chức hội thảo lấy ý kiến, sau khi gửi lấy ý kiến các đơn vị trong và ngoài ngành, các chuyên gia, giảng viên các trường đại học, các bộ ngành có liên quan và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội,…, KTNN đã hoàn thiện và ban hành Hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước gồm 39 chuẩn mực kiểm toán nhà nước và Danh mục thuật ngữ sử dụng trong hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước.Việc ban hành Hệ thống CMKTNN được xây dựng và cập nhật theo hướng tuân thủ các yêu cầu của ISSAI của INTOSAI theo các cấp độ và theo ba loại hình kiểm toán là một sự kiện quan trọng, đánh dấu mốc phát triển và hiện đại hóa chuyên môn nghiệp vụ của KTNN theo hướng chuyên nghiệp nhằm thực hiện theo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Luật KTNN năm 2015 và Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 và từng bước hội nhập quốc tế./.
Thạc sĩ Đào Thị Thu Vĩnh
TÀI LIỆU THAM KHẢO
TÀI LIỆU TIẾNG VIỆT
1. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/11/2013.
2. Luật Kiểm toán nhà nước số 81/2015/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 24/6/2015.
3. Kiểm toán nhà nước (2010), Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2020.
4. Kiểm toán nhà nước (2010), Hội thảo giá trị và lợi ích của Kiểm toán nhà nước Việt Nam, Hà Nội.
5. Kiểm toán nhà nước (2013), Kết quả đánh giá tuân thủ ISSAI của Kiểm toán nhà nước
6. Kiểm toán nhà nước (2013), Kế hoạch chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước giai đoạn 2013-2017.
7. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (2010), Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020.
8. Các văn bản của Kiểm toán nhà nước.
TIẾNG NƯỚC NGOÀI
9. IDI, INTOSAI (2008), Strategic Planning, A Handbook for Supreme Audit Institutions.
10. IDI-INTOSAI (2012), iCAT financial audit, A mapping tool for ISSAI Implementation
11. IDI-INTOSAI (2012), iCAT compliance audit, A mapping tool for ISSAI Implementation.
12. IDI-INTOSAI (2012), iCAT performance audit, A mapping tool for ISSAI Implementation.
TRANG WEB
13. Trang web về các Chuẩn mực kiểm toán quốc tế của INTOSAI: www.issai.org