Tham dự Hội nghị có Phó Tổng Kiểm toán nhà nước: Nguyễn Quang Thành, Cao Tấn Khổng, Đoàn Xuân Tiên, Vũ Văn Họa; Các thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc KTNN.
Triển khai đồng bộ và có hiệu quả 08 mục đích chiến lược của Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013 - 2017
Hội nghị đã nghe Chánh Văn phòng KTNN Nguyễn Ngọc Sùng trình bày báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017.
Chánh Văn phòng KTNN Nguyễn Ngọc Sùng trình bày báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017
Báo cáo đánh giá, ba năm qua, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, toàn Ngành đã nỗ lực triển khai đồng bộ và có hiệu quả 08 mục đích chiến lược của Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013 – 2017. Từng đơn vị đã bám sát và đưa các hoạt động, tiểu hoạt động thực hiện Chiến lược vào chương trình công tác hàng năm. Kết quả là, địa vị pháp lý của KTNN và Tổng Kiểm toán nhà nước được hiến định, Luật KTNN được sửa đổi; Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ từng bước hoàn thiện, chuyên nghiệp hơn; Mô hình cấp phòng tại các KTNN chuyên ngành, khu vực được kiện toàn theo hướng chuyên sâu; Hệ thống chuẩn mực KTNN theo chuẩn quốc tế đã và đang gấp rút được hoàn thiện; Đề án tổng thể phát triển CNTT của KTNN giai đoạn 2015-2020 được ban hành và triển khai; Công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán, kiểm soát hoạt động kiểm toán được đổi mới toàn diện.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, việc thực hiện một số hoạt động của Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013 - 2017 chưa hoàn thành theo tiến độ hoặc không đảm bảo các chỉ số đo lường chính như: Việc phát triển hoạt động kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu và trong môi trường công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế, có khoảng cách xa so với yêu cầu; Hạ tầng CNTT còn thiếu, chưa đồng bộ; Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật KTNN (sửa đổi) và hệ thống chuẩn mực KTNN chậm được ban hành; Số lượng cán bộ, công chức, KTV chưa được bổ sung, tuyển dụng tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao và theo chỉ tiêu Chiến lược đề ra; Trình độ chuyên môn không đồng đều...
Những tồn tại, hạn chế trên do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân khách quan là do Luật KTNN (sửa đổi) ban hành chậm hơn so với dự kiến; KTNN chưa được giao bổ sung chỉ tiêu biên chế do Đảng và Nhà nước thực hiện chủ trương tinh, giản biên chế; Kinh phí NSNN đầu tư cho KTNN hàng năm còn thiếu so với yêu cầu. Nguyên nhân chủ quan là: Quy chế làm việc của Ban chỉ đạo thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 mới được ban hành năm 2015; Chế độ họp, báo cáo định kỳ của Ban chỉ đạo chưa được duy trì và thực hiện tốt; Vai trò, trách nhiệm của các đơn vị chủ trì trong việc triển khai, kiểm tra, đôn đốc còn mờ nhạt; Một số đơn vị, nhất là các KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực chưa thật sự quan tâm đến việc triển khai thực hiện Chiến lược.
Nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai đối với từng mục đích chiến lược trong năm 2016-2017 và định hướng đến năm 2020
Nâng cao địa vị pháp lý và hiệu lực hoạt động của KTNN: Tập trung xây dựng và hoàn thiện các văn bản thi hành Luật KTNN (sửa đổi). Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trọng tâm là truyền thông Luật KTNN (sửa đổi). Tiếp tục đề xuất sửa đổi, bổ sung các nội dung trong các luật liên quan đến KTNN nhằm tạo sự đầy đủ, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Phát triển hệ thống tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực đội ngũ về số lượng, cơ cấu, chất lượng, tính chuyên nghiệp hóa: Tiếp tục rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực. Hoàn thành và triển khai thực hiện Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức. Xây dựng và hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ đảm bảo chất lượng, tiến độ và đồng bộ; Xây dựng Đề án tổ chức và biên chế của KTNN đến năm 2020 và Đề án tinh giản biên chế đến năm 2020 trình Bộ Chính trị và UBTVQH phê duyệt; Xây dựng và thực hiện Đề án tuyển dụng công chức, viên chức, Đề án và kế hoạch điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác giai đoạn 2016 – 2020; Ban hành các chương trình và tài liệu đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn các ngạch KTVNN và bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán các lĩnh vực; Tổng kết rà soát hàng năm để hoàn thiện, cập nhật phù hợp với thực tế hoạt động chuyên môn của Ngành.
Tăng cường năng lực của KTNN Việt Nam trong việc áp dụng thực hiện chuẩn mực kiểm toán quốc tế: Hoàn thành việc xây dựng và ban hành toàn bộ Hệ thống chuẩn mực KTNN trong tháng 7/2016 với 40 chuẩn mực KTNN và tổ chức đào tạo, tập huấn, áp dụng các CMKTNN đã ban hành.
Tăng cường năng lực của KTNN trong việc xây dựng kế hoạch kiểm toán: Tiếp tục bổ sung nhân sự cho bộ phận chuyên trách về công tác kế hoạch kiểm toán tại Vụ Tổng hợp và các KTNN chuyên ngành, khu vực; Xây dựng hoàn thiện các quy định, quy trình xây dựng KHKT phù hợp với chuẩn mực KTNN và thông lệ quốc tế; Hoàn thiện phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu các đầu mối được kiểm toán. Tổ chức xây dựng các loại KHKT theo phương pháp dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán.
Nâng cao chất lượng hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán: Tổ chức kiểm soát toàn diện tất cả các cuộc kiểm toán trên cơ sở Quy chế KSCLKT (sửa đổi); Tăng cường hình thức kiểm soát đột xuất, kiểm soát đối với các cuộc kiểm toán quan trọng; Đẩy mạnh việc kiểm soát thông qua soát xét bằng chứng kiểm toán.
Tăng cường giá trị và lợi ích trong việc đánh giá tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản công: Tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo kiến thức căn bản và chuyên sâu về kiểm toán hoạt động; Nâng tỷ trọng và số lượng các cuộc kiểm toán hoạt động độc lập một cách hợp lý trong KHKT hàng năm.
Phát triển hoạt động kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu: Tiếp tục xây dựng các quy trình, tài liệu hướng dẫn và mở rộng số cuộc kiểm toán áp dụng phương pháp dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong KHKT hàng năm và phấn đấu đến năm 2018, 100% các cuộc kiểm toán áp dụng.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của KTNN: Tập trung triển khai Đề án Tổng thể phát triển CNTT của KTNN giai đoạn 2015-2020, trọng tâm là triển khai Dự án “Xây dựng hệ thống thông tin KTNN”; tiếp tục đầu tư trang thiết bị tin học nhằm bảm bảo đến năm 2017, 95% KTV có máy tính xách tay. Bổ sung cán bộ chuyên trách CNTT, nhất là cán bộ có trình độ cao cho Trung tâm Tin học; triển khai hoạt động của Phòng Kiểm toán công nghệ thông tin; thành lập nhóm kiểm toán CNTT khoảng 2-3 cán bộ tại các KTNN chuyên ngành, khu vực.
Kế hoạch hành động và hợp tác quốc tế đến năm 2020: Tập trung thực hiện các hoạt động của Kế hoạch hành động thực hiện vai trò Chủ tịch và thành viên Ban Điều hành ASOSAI giai đoạn 2015-2024 của KTNN, công tác chuẩn bị cho Đại hội ASOSAI năm 2018; triển khai hiệu quả các chương trình, dự án trong khuôn khổ hợp tác với WB, ADB, USAID, EU-SECO, KOICA và CCAF.
Giải pháp triển khai nhiệm vụ
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo một số KTNN khu vực, chuyên ngành và đơn vị tham mưu đã thảo luận, góp ý hoàn thiện Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017, trong đó nhấn mạnh tới một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và đề xuất một số giải pháp triển khai trong năm 2016 - 2017 và định hướng đến năm 2020. Các ý kiến thảo luận tập trung vào các nội dung: Rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực, trong đó nhấn mạnh tới nội dung tuyển dụng, điều động, luân chuyển cán bộ; Tăng cường năng lực trong việc xây dựng kế hoạch kiểm toán nhất là xây dựng kế hoạch kiểm toán chi tiết; Nâng cao chất lượng hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán tránh chồng chéo, trùng lắp và nâng cao hiệu quả của việc ghi Nhật ký kiểm toán.
Ông Mai Vinh, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đã tham gia góp ý và làm rõ hơn một số nội dung trong báo cáo, thống nhất với nhiều đánh giá trong Hội nghị: “Con người giữ vai trò trung tâm, quyết định về chất lượng của hoạt động kiểm toán”. Vì vậy, các đơn vị cần phải rất chú trọng trong công tác nâng cao năng lực, phẩm chất và đạo đức công vụ, nhất là với đội ngũ kiểm toán viên; Nghiêm túc trong công tác đánh giá cán bộ; Quyết liệt trong công tác điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác; Rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị để bố trí nhân lực, phân bổ biên chế cho phù hợp, hiệu quả.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Quang Thành và Đoàn Xuân Tiên cho rằng cần phải củng cố lại công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán. Các đơn vị khi xây dựng kế hoạch cần dựa trên nguồn lực hiện có để đảm bảo triển khai có hiệu quả, nhưng cũng phải phủ hết chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Về kế hoạch kiểm toán chi tiết, các đơn vị phải linh hoạt, chủ động dựa trên các nguyên tắc mà mẫu kế hoạch đã đưa ra. Cũng theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên, công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán cần phân cấp trách nhiệm, kết hợp kiểm toán trong và kiểm toán ngoài và chú trọng tới công tác “tự kiểm soát” của đơn vị.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên phát biểu tại Hội nghị
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Cao Tấn Khổng cho rằng cần phân cấp tối đa gắn với trách nhiệm cho các Kiểm toán trưởng, Vụ trưởng, nhưng cần thực hiện một đầu mối quản lý nhà nước. Công tác lưu trữ rất quan trọng đối với hoạt động của KTNN nhưng thời gian qua còn chưa được chú trọng. Vì vậy, trong thời gian tới KTNN cần tập trung nguồn lực cho công tác này.
Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa, sau một thời gian triển khai kiểm toán hoạt động, các đơn vị cần xem xét, đánh giá về hoạt động này để có định hướng, kế hoạch triển khai có hiệu quả loại hình kiểm toán này. Công tác ghi Nhật ký điện tử cần chấn chỉnh, rà soát để đảm bảo hiệu quả thực chất của công tác ghi Nhật ký kiểm toán.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc biểu dương những thành tích mà toàn Ngành đã đạt được trong việc thực hiện 8 mục đích chiến lược của Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017. “Các thành tích đạt được tuy mới một phần nhưng là những kết quả có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề, đột phá trong hoạt động toàn Ngành” - Tổng Kiêm toán nhà nước nhấn mạnh.
Về các nhiệm vụ trong giai đoạn tới, Tổng Kiểm toán nhà nước chỉ đạo trọng tâm 3 nhiệm vụ: Nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán; Nâng cao vị thế, uy tín và hình ảnh của KTNN; Củng cố hoàn thiện bộ máy, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của Ngành. “Cần lấy con người làm trung tâm của tất cả các hoạt động này. Cần xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, kiểm toán viên tâm sáng, tác phong chuyên nghiệp, năng lực chuyên môn vững vàng và có bản lĩnh nghề nghiệp” - Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.
Tổng Kiểm toán nhà nước chỉ đạo: Các đơn vị bám sát nội dung Kế hoạch chiến lược 2013-2017, khắc phục những tồn tại, những nội dung chưa hoàn thành; Đẩy mạnh kiểm toán hoạt động, kiểm toán trong môi trường CNTT, kiểm toán môi trường; Xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường năng lực cho các đơn vị; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ và phòng, chống tham nhũng; Tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra; Tăng cường phối hợp giữa các đơn vị trong Ngành và phối hợp giữa các đơn vị trong Ngành với các đơn vị ngoài Ngành; Tăng cường hội nhập quốc tế…
Tổng Kiểm toán nhà nước cũng yêu cầu bộ phận soạn thảo Báo cáo tiếp thu các ý kiến góp ý tại Hội nghị để bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện Báo cáo./.
Ngọc Bích