Công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ của KTNN năm 2017: Tập trung nghiên cứu các nhiệm vụ có tính thực tiễn

(kiemtoannn.gov.vn) – “Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cần phù hợp với định hướng phát triển của Kiểm toán nhà nước; các sản phẩm nghiên cứu có giá trị thực tiễn và tạo được sự lan tỏa trong Kiểm toán nhà nước nói riêng và xã hội nói chung” là định hướng chung được Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc đặt ra cho công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) của Kiểm toán nhà nước tại cuộc họp Hội đồng tư vấn về Kế hoạch KH&CN năm 2017.
 

 
Ưu tiên cho nghiên cứu có giá trị thực tiễn

Tại cuộc họp Hội đồng tư vấn về kế hoạch khoa học và công nghệ (KH&CN) năm 2017, trong phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: Việc xác định nhiệm vụ và xét chọn các cá nhân, tổ chức thực hiện đề tài nghiên cứu đưa vào kế hoạch KH&CN năm 2017 cần đáp ứng được các vấn đề: Nội dung nghiên cứu có phù hợp với định hướng hoạt động của KTNN trong tương lai? Sản phẩm nghiên cứu có giá trị thực tiễn và tạo được sự lan tỏa trong KTNN và xã hội? Ban đề tài có đủ năng lực nghiên cứu?

Đồng quan điểm với Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên - Chủ tịch Hội đồng khoa học KTNN cho rằng: Nhiệm vụ KH&CN cần tập trung ưu tiên nghiên cứu ứng dụng gắn với hoạt động kiểm toán. Vấn đề, nội dung nghiên cứu không được trùng lắp với những năm trước. Ban đề tài phải trả lời được 3 câu hỏi: Sản phẩm của đề tài, địa chỉ ứng dụng đề tài, thuyết minh được năng lực tổ chức nghiên cứu của Ban đề tài. “Nếu mỗi Ban đề tài trả lời được thỏa đáng được những vấn đề nêu trên, các công trình nghiên cứu sẽ có tính ứng dụng cao trong thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng trong hoạt động của Ngành” - Chủ tịch Hội đồng Khoa học KTNN nhấn mạnh.

Từ định hướng chung của Lãnh đạo KTNN đối với nhiệm vụ KH&CN của KTNN năm 2017 và giai đoạn tới, trong Hướng dẫn xây dựng nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN các cấp năm 2017, KTNN đã xác định định hướng nghiên cứu khoa học cơ bản tập trung vào các nhóm nội dung: Nhóm các nội dung nghiên cứu về đổi mới, sáng tạo hoặc nghiên cứu mới về phương thức tổ chức các loại hình, hoạt động kiểm toán của KTNN. Nhóm các nội dung nghiên cứu về đổi mới lập kế hoạch kiểm toán theo phương pháp hiện đại, dựa trên trọng yếu và rủi ro kiểm toán. Nhóm các nội dung nghiên cứu về nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn của đội ngũ kiểm toán viên và tăng cường hội nhập quốc tế của KTNN.

Ngoài một số nội dung nghiên cứu được đề cập ở trên, một số nội dung quan trọng khác cũng được đưa ra nhằm khuyến khích các đơn vị, cá nhân tiếp tục có những nghiên cứu sâu hơn như: Nghiên cứu về gia tăng giá trị và hiệu lực, hiệu quả các kết luận, kiến nghị kiểm toán nhằm nâng cao nhận thức của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử trong việc sử dụng kết quả kiểm toán của KTNN; Nâng cao vai trò và giá trị KTNN thông qua việc Quốc hội sử dụng kết quả KTNN trong thảo luận và quyết định kinh tế, quyết định ngân sách nhà nước; trong hoạt động giám sát tối cao và chất vấn tại nghị trường.

Trên cơ sở định hướng, hướng dẫn của Ngành, đã có 65 đề tài được đăng ký, trong đó có 16 đề tài cấp Bộ và 49 đề tài cấp cơ sở đưa vào kế hoạch năm 2017, tăng hơn năm trước trong các lĩnh vực nghiên cứu: Ngân sách nhà nước, Tài chính-Ngân hàng, Kiểm toán trong môi trường CNTT, Kiểm toán môi trường… Trên cơ sở 65 nhiệm vụ đăng ký, Vụ TCCB đã rà soát các đề tài và đề xuất với Hội đồng lựa chọn 8 đề tài nghiên cứu cấp Bộ vào kế hoạch KHCN năm 2017, chuyển 02 đề tài đăng ký cấp Bộ thành đề tài cấp Cơ sở và 17 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở.

Tại cuộc họp, các đề tài được lựa chọn theo ý kiến đề xuất của Vụ TCCB và nhiều đề tài còn lại tiếp tục được phân tích làm rõ tính cấp thiết và đảm bảo các tiêu chí, qua đó 100% thành viên Hội đồng tư vấn biểu quyết thông qua 7 đề tài nghiên cứu cấp Bộ đưa vào kế hoạch KHCN năm 2017, trong đó có 3 đề tài do Tổng Kiểm toán nhà nước đặt hàng. Các đề tài này tập trung ở một số nội dung: Kiểm toán môi trường; Kiểm toán hoạt động; Xây dựng cẩm nang hướng dẫn kiểm toán các dự án ODA; Kiểm toán dự toán và phân bổ nguồn lực NSNN; Kiểm toán đất đai, tài nguyên khoáng sản; Kiểm toán đánh giá chủ trương đầu tư các chương trình trọng điểm quốc gia…

Gắn khoa học với thực tiễn bằng cơ chế đặt hàng

Đặt hàng nhiệm vụ KHCN không phải là vấn đề mới trong công tác nghiên cứu khoa học của KTNN những năm trở lại đây. Đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ là giải pháp quan trọng gắn khoa học với thực tiễn, góp phần giải quyết tình trạng nhiều đề tài nghiên cứu đã được nghiệm thu nhưng thiếu tính ứng dụng.

Luật KHCN 2013 với việc xác định rõ cơ chế đặt hàng và trách nhiệm cụ thể của các cấp, các ngành, tổ chức khi đặt ra nhiệm vụ KHCN cũng như trách nhiệm của nhà khoa học khi nhận đặt hàng sẽ góp phần giải quyết không ít vướng mắc hiện nay. Theo đánh giá của Hội đồng KH của KTNN, cơ chế đặt hàng sẽ giảm thiểu tình trạng đề tài nghiên cứu cất ngăn kéo, giúp các nhà khoa học tìm được địa chỉ ứng dụng kết quả nghiên cứu của mình. Tuy nhiên, để cơ chế này đạt hiệu quả cao, việc đặt hàng chỉ nên thực hiện đối với các nhiệm vụ nghiên cứu có tính khả thi cao, khả năng thành công lớn đáp ứng được những đòi hỏi bức thiết của xã hội và phù hợp với định hướng phát triển của KTNN trong tương lai như lời khẳng định của Tổng Kiểm toán nhà nước.

         
Ông Nguyễn Minh Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp trao đổi về kế hoạch khoa học công nghệ năm 2017

Trong năm 2017, KTNN vẫn kết hợp phương thức đặt hàng bên cạnh việc đăng ký các đề tài nghiên cứu khoa học từ các đơn vị trực thuộc với định hướng xuyên suốt là những nội dung gắn với hoạt động thực tiễn của ngành, những vấn đề bức xúc mà xã hội quan tâm. Công tác nghiên cứu có nhiệm vụ xây dựng được quy trình, cẩm nang hướng dẫn phục vụ trực tiếp cho hoạt động chuyên môn của Ngành để trả lời được với Quốc hội với người dân những vấn đề đang được Quốc hội và xã hội quan tâm. Trên cơ sở định hướng nghiên cứu chung và một số vấn đề do các tập thể và cá nhân đề xuất, Tổng Kiểm toán nhà nước cũng đặt hàng một số nhiệm vụ nghiên cứu với các nội dung như: Nghiên cứu về mục tiêu, nội dung, phương pháp, phương thức tổ chức xây dựng và phân bổ dự toán ngân sách nhà nước trong kiểm toán ngân sách nhà nước; Mục tiêu, nội dung, phương pháp kiểm toán về đất đai, tài nguyên khoáng sản và việc đánh giá chủ trương, hiệu quả đầu tư của các dự án trọng điểm quốc gia.

Đối với các đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, chủ trương chung của lãnh đạo KTNN là tạo điều kiện tối đa cho các cá nhân, tập thể, khuyến khích phong trào nghiên cứu, qua đó tích lũy được kinh nghiệm, áp dụng được trong thực tế. Chính vì vậy, điểm mới trong việc xác định nhiệm vụ nghiên cứu cấp cơ sở năm 2017 là bên cạnh những đề tài được kinh phí KHCN cấp 100% thì cũng có những đề tài chỉ được hỗ trợ một phần kinh phí trong xét duyệt đề cương và nghiệm thu đề tài. Tổng Kiểm toán nhà nước giao Vụ TCCB và Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán tiếp thu, tổng hợp các ý kiến của Hội đồng Tư vấn, trao đổi với các Ban chủ nhiệm đề tài để thống nhất về tên gọi, định hướng nội dung nghiên cứu nhằm quyết định danh mục các nhiệm vụ cấp Bộ và cấp cơ sở, xây dựng dự toán kinh phí để hoàn thiện Kế hoạch Khoa học và Công nghệ năm 2017 của KTNN và gửi Bộ Khoa học và Công nghệ theo đúng quy định./.

Phương Vân