Trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng của Kiểm toán nhà nước (KTNN) luôn được chú trọng, tăng cường, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả đối với các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý ngân sách, tiền và tài sản nhà nước nói chung và hành vi tham nhũng nói riêng.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN chủ yếu phát huy hiệu quả phòng ngừa, việc phát hiện tham nhũng còn hạn chế: Số vụ việc có dấu hiệu tội phạm chuyển sang cơ quan điều tra còn ít, một số vụ việc KTNN chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra chưa đầy đủ căn cứ xử lý theo kết luận, kiến nghị của KTNN; Tinh thần, thái độ, trách nhiệm của Kiểm toán viên nhà nước còn nhiều hạn chế.
Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời thực hiện Thông báo số 11-TB/BCĐTW ngày 20/4/2016 Kết luận của Tổng Bí thư – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN trong thời gian tới, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu:
Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc KTNN: Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị về đạo đức nghề nghiệp, quy chế hoạt động, trách nhiệm công chức; về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; đặc biệt về vai trò và trách nhiệm của KTNN trong công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán theo Luật KTNN, Luật phòng, chống tham nhũng.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/BCSĐ ngày 14/10/2015 của Ban Cán sự Đảng KTNN về “Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần III Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của KTNN”.
Thủ trưởng các đơn vị thuộc KTNN cần chỉ đạo quyết liệt, chủ động cụ thể hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán: Tập trung kiểm toán các lĩnh vực, đối tượng kiểm toán tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng, lãng phí, bám sát kế hoạch kiểm toán đã được phê duyệt để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng kiểm toán. Tăng cường quản lý Kiểm toán viên nhà nước, duy trì chế độ báo cáo kết quả kiểm toán, kiên quyết xử lý những trường hợp cán bộ làm công tác kiểm toán vòi vĩnh, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho hoạt động đơn vị kiểm toán. Trường hợp ở đơn vị nếu có cán bộ vi phạm không phải do đơn vị đó tự phát hiện xử lý thì thủ trưởng đơn vị cũng phải chịu trách nhiệm. Trong công tác theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN cần chú trọng kết quả thực hiện kiến nghị xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể có liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán. Tranh thủ sự lãnh đạo của Ban thường vụ thành ủy, tỉnh ủy, thường trực HĐND và thủ trưởng các Bộ, ngành Trung ương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm toán tại địa phương, đơn vị và thực hiện kết luận kiểm toán.
Khi phát hiện những vụ việc có dấu hiệu tội phạm trong quá trình kiểm toán, Trưởng Đoàn kiểm toán phải kịp thời báo cáo thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán để đề xuất Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, quyết định chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, Ủy ban kiểm tra, Viện Kiểm sát nhân dân xem xét, xử lý theo quy định. Kết quả kiểm toán phải nêu rõ hành vi có dấu hiệu tội phạm, đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật gây ra và các thông tin có liên quan khác; đồng thời thu thập đầy đủ tài liệu, bằng chứng kiểm toán làm căn cứ chuyển hồ sơ.
Tổng Kiểm toán nhà nước giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Vụ tham mưu:
Vụ Tổng hợp có trách nhiệm chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc KTNN trong việc tham mưu Tổng Kiểm toán nhà nước trong việc thực hiện Chỉ thị và hàng quý có báo cáo định kỳ kết quả tổng hợp.
Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán nhằm đảm bảo chất lượng của báo cáo kiểm toán, tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của kết luận và kiến nghị kiểm toán; tham mưu Tổng Kiểm toán nhà nước hoàn thiện hệ thống chuẩn mực KTNN phù hợp với thực tiễn phát triển hoạt động kiểm toán của KTNN, đáp ứng chuẩn mực kiểm toán quốc tế.
Vụ Pháp chế tham mưu Tổng Kiểm toán nhà nước tổ chức xây dựng và ban hành kịp thời các quy định, quy trình, hướng dẫn triển khai thực hiện Luật KTNN năm 2015; phối hợp Thanh tra KTNN khẩn trương thực hiện rà soát Hướng dẫn số 165/HD-KTNN ngày 6/3/2008 của KTNN hướng dẫn kết luận về trách nhiệm và kiến nghị xử lý vi phạm theo kết quả kiểm toán để tham mưu Tổng Kiểm toán nhà nước sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Thanh tra KTNN tăng cường công tác thanh tra đối với hoạt động kiểm toán để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, phát hiện và xử lý các dấu hiệu, hành vi tham nhũng trong hoạt động kiểm toán.
Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu KTNN tiếp tục thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Ban cán sự Đảng KTNN với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương trong công tác phòng, chống tham nhũng. Tích cực phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa KTNN và Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm soát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Công an trong kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng./.
T.Vy