Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2016.
Kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế tiếp tục được ổn định
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, về thị trường, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 0,57% so với tháng trước và tăng 0,99% so với tháng 12/2015. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 3 tăng 1,69%; bình quân 3 tháng đầu năm tảng 1,25%. Lạm phát cơ bản bình quân 3 tháng đầu năm tăng 1,76% so với cùng kỳ năm trước. Về tiền tệ, tín dụng, tính đến ngày 20/3/2016, tổng phương tiện thanh toán ước tăng 3,08% so với tháng 12/2015; tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức túi dụng ước tăng 2,26%; tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 1,54%. Lãi suất huy động và cho vay tương đối ổn định. Về thu - chi ngân sách nhà nước: lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/3, tổng thu NSNN ước đạt 182,42 nghìn tỷ đồng, bằng 18% dự toán; tổng chi NSNN ước đạt 227,73 nghìn tỷ đồng, bằng 17,9% dự toán năm.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp
Về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, tốc độ tăng GDP Quý I/2016 ước đạt 5,46%, trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước giảm 1,23%; khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 6,72%; dịch vụ ước tăng 6,13%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 3 tăng 23,8% so với tháng trước và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung Quý I/2016, IIP tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: sản xuất, phân phối điện tăng 13,1%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 9,4%; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,9%; khai khoáng giảm 1,2%. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến khắc nghiệt: Rét đậm, rét hại kéo dài ở phía Bắc; khô hạn và xâm nhập mặn xảy ra nghiêm trọng ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; khô hạn và thiếu nước ngọt tại các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên gây thiệt hại về sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng đến đời sống người dân. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản Quý I/2016 ước giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: nông nghiệp giảm 2,5%; lâm nghiệp tăng 6,3%; thủy sản tăng 2,3%. Tính đến ngày 15/3/2016, cả nước đã gieo cấy hơn 3 triệu ha lúa đông xuân, bằng 98,8% so với cùng kỳ. Các tỉnh phía Nam đã thu hoạch được 1,1 triệu ha lúa đông xuân, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với khu vực dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong Quý I/2016 ước tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2015; nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 7,9%. Khách quốc tế đến nước ta tháng 3 ước đạt 820,5 nghìn lượt người tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước; tính chung Quý I/2016 ước đạt 2,5 triệu lượt khách, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước.
Về xuất nhập khẩu, trong Quý I/2016, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 37,88 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2015; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 37,11 tỷ USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2015; xuất siêu khoảng 776 triệu USD, bằng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Về đầu tư phát triển, tổng vốn đầu tư xã hội Quý I/2016 đạt khoảng 273,6 nghìn tỷ đồng, bằng 32,2% GDP và tăng 10,7% so vói cùng kỳ năm trước; trong đó: vốn đầu tư thuộc NSNN ước tăng 9,2% so cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước; vốn ODA và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài giải ngân ước tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động phát triển doanh nghiệp trong Quý I/2016 có 23.767 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 186.013 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp tăng 24,8%, số vốn đăng ký tăng 67,2%. Vốn đăng ký bình quân 01 doanh nghiệp đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 34,5% so với cùng kỳ. Có 9.376 doanh nghiệp trước đây gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động nay quay lại hoạt động, tăng 8,3% so với Quý IV/2015 và tăng 84,1% so với cùng kỳ năm trước.
Về sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tính đến ngày 25/2/2016, cả nước đã thực hiện cổ phần hóa được 20 doanh nghiệp; đã thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa của 66 doanh nghiệp, xác định giá trị doanh nghiệp của 79 doanh nghiệp, công bố giá trị doanh nghiệp của 31 doanh nghiệp; đã thoái vốn với giá trị sổ sách 141,9 tỷ đồng, thu về 460,6 tỷ đồng.
Các lĩnh vực giáo dục đào tạo, an sinh xã hội, y tế, văn hóa và các lĩnh vực xã hội khác đều được quan tâm thực hiện tốt.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, tình hình kinh tế xã hội Quý I/2016 đã đạt được một số kết quả tích cực, như: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp tạo điều kiện để thực hiện cải cách về giá sản phẩm, dịch vụ công theo cơ chế thị trường. Tăng trưởng khu vực dịch vụ cao hơn cùng kỳ; đã cỏ xuất siêu bằng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tổng đầu tư toàn xã hội và thu hút vốn nước ngoài đạt khá cao. Hoạt động phát triển doanh nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tốt. Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, đời sống của người dân, đặc biệt là người có công, hộ nghèo, vùng bị thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn,... được quan tâm; an ninh chính trị được giữ vững; công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường.
Tuy nhiên, tình hình Quý I, cũng cho thấy nền kinh tế nước ta đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ tăng khu vực công nghiệp chậm lại và thấp hơn nhiều so với Quý I/2016. Riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm (tăng trưởng âm) 1,23% do thiên tai, rét hại, băng giá, hạn hán, xâm nhập mặn. Tốc độ tăng xuất khẩu thấp hơn so với cùng kỳ năm trước; đặc biệt là sự giảm sút nhập khẩu thiết bị máy móc, nguyên vật liệu,... sẽ tác động xấu đến hoạt động đầu tư và sản xuất trong nước. Nếu tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục khó khăn như hiện nay; sản lượng dầu thô chỉ khai thác khoảng 14,02 triệu tấn như kế hoạch đề ra; công nghiệp chế biến, chế tạo phấn đấu đạt 11% thì tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) cả năm chỉ đạt khoảng 5,45%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,7%. Sản xuât và đời sống nhân dân ở các vùng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn còn nhiều khó khăn.
Các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến và đạt được kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 0,52%, 3 tháng tăng 0,99%. Tăng trưởng đạt khá (GDP quý I tăng 5,46%), khu vực dịch vụ tăng cao nhất 5 năm qua. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I tăng 6,3%. Xuất siêu gần 776 triệu USD. Tổng mức đầu tư toàn xã hội và thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt khá cao. Hoạt động phát triển doanh nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tốt. Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, đời sống của người dân, đặc biệt là người có công, hộ nghèo, người dân vùng bị thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn… được quan tâm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường.
Kinh tế-xã hội chuyển biến tích cực nhưng còn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức
Tuy nhiên, tình hình quý I năm 2016 cũng cho thấy nền kinh tế nước ta đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Hạn hán, xâm nhập mặn làm cho tăng trưởng khu vực nông nghiệp giảm so với cùng kỳ, tác động đến tăng trưởng chung, đồng thời làm cho đời sống của một bộ phận người dân gặp nhiều khó khăn. Các yếu tố gây bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn lớn, nhất là biến động của tỉ giá, lãi suất, cân đối ngân sách Nhà nước....
Cũng tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã trình bày về một số vấn đề nổi lên hiện nay như tình hình sản xuất nông nghiệp, nhất là tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở các địa phương; công tác điều giá xăng dầu, trong đó có bất cập về thuế xăng dầu; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ mua nhà ở xã hội...
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhất mạnh, tình hình kinh tế-xã hội chuyển biến tích cực nhưng còn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Thủ tướng nêu rõ, cần tiếp tục phát huy mặt tích cực, thuận lợi, ra sức khắc phục hạn chế, yếu kém, hoàn thành cao nhất các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra. Chủ động, tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp tại các vùng đang chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi, công trình phục vụ chống xâm nhập mặn. Về lâu dài cần nghiên cứu các giải pháp sử dụng nước có hiệu quả, hạn chế thất thoát nước; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn.
Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thực hiện kế hoạch thu chi, cân đối ngân sách Nhà nước; trong đó chú trọng chống thất thu, triệt để tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước. Tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng chống buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, gian lận thương mại, trốn thuế, chuyển giá.
Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Chú trọng công tác xây dựng pháp luật, cải cách hành chính. Tập trung xây dựng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành pháp luật.
Các Bộ ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP. Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử.
Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, triển khai có hiệu quả các chương trình giảm nghèo bền vững, hỗ trợ hộ cận nghèo, xây dựng nông thôn mới. Quan tâm thực hiện tốt các chính sách người có công, các đối tượng chính sách xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường. Chú trọng phòng chống dịch bệnh lây lan, trong đó có dịch do virus Zika và bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm và các điều kiện lao động.
Chủ động nắm tình hình đời sống nhân dân tại các vùng đang chịu thiệt hại bởi thiên tai để cứu trợ kịp thời, không để người dân bị đói, bị thiếu nước sinh hoạt, đồng thời, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bùng phát, lây lan.
Tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia; đẩy mạnh phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, nhất là ở các thành phố lớn, trong đó có TP. Hồ Chí Minh. Tăng cường kiểm tra phòng chống cháy nổ, an toàn lao động, nhất là tại các khu đông dân cư, khu công nghiệp, nhà xưởng. Tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn.
Tăng cường công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, tạo khí thế vui tươi, phấn khởi, thống nhất đồng lòng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và kế hoạch 5 năm 2016-2020.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng mong muốn nhân sự Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương được tập trung kiện toàn nhanh chóng để triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này. “Đây là vấn đề rất quan trọng. Cần đoàn kết, nhất trí, chung sức đồng lòng, quyết liệt hành động. Tinh thần phấn đấu cao nhất để đạt kế hoạch đề ra”, Thủ tướng nói.
Tại phiên họp, Chính phủ nghe và thảo luận về báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2015-2016; tình hình thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử; Báo cáo tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh trong quý I/2016, nhiệm vụ quý II/2016; dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật./.
Khánh Vy