Tham dự Hội nghị, các học viên được cung cấp những nội dung cơ bản của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015, mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc sửa đổi và những điểm mới trong Luật do ông Lê Huy Trọng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế trình bày.
Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 được Quốc hội thông qua vào ngày 24 /6/2015, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII. Luật đã được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố ngày 08/7/2015 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016.
Luật gồm 9 chương, 73 điều, tăng 1 chương, giảm 3 điều, trong đó bổ sung 11 điều mới và bỏ 14 điều của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2005, cụ thể quy định về: Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của KTNN; Kiểm toán viên nhà nước và cộng tác viên KTNN; Hoạt động kiểm toán; Quyền, nghĩa vụ đơn vị được kiểm toán; Đảm bảo hoạt động của KTNN; Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với hoạt động kiểm toán nhà nước; Khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong hoạt động kiểm toán nhà nước và điều khoản thi hành.
Trao đổi tại Hội nghị, đã có nhiều lượt ý kiến của công chức xoay quanh các vấn đề liên quan đến điểm mới của Luật Kiểm toán nhà nước 2015 về: Đối tượng kiểm toán của KTNN; Giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán; Về kiểm toán viên nhà nước; Thời hạn kiểm toán; Công khai kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện kết luận kiến nghị kiểm toán; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán của KTNN và giải thích từ ngữ.
Theo ông Lê Huy Trọng, có thể nói việc triển khai thi hành Hiến pháp mới đã đặt ra yêu cầu sửa đổi bổ sung toàn diện Luật Kiểm toán nhà nước nhằm nâng cao tính độc lập trong tổ chức và hoạt động của KTNN; quy định cụ thể địa vị pháp lý; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của KTNN; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán. Vụ trưởng nhấn mạnh: Kế thừa những nội dung quy định về tiêu chuẩn của KTV NN tại Luật Kiểm toán nhà nước năm 2005, trong Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 có quy đinh về các ngạch KTV NN gồm: KTV, KTV chính, KTV cao cấp, hủy bỏ ngạch KTV dự bị. Do vậy, vai trò của KTV được nâng lên một bước và chuyên môn hóa hơn phù hợp với các ngạch của Luật Cán bộ, công chức. Luật nhấn mạnh nội dung: Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm các ngạch Kiểm toán viên nhà nước. Đây là điểm mới trong quy định về thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm Kiểm toán viên nhà nước.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Huỳnh Tịnh, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực IX chỉ rõ: “Việc triển khai thi hành Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 kịp thời, chất lượng, có ý nghĩa quan trọng phát huy tốt vai trò của Luật trong xã hội, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán. Tôi hy vọng toàn thể công chức, người lao động của KTNN khu vực IX phải nghiêm túc quán triệt, nghiên cứu để đáp ứng đầy đủ, kịp thời các yêu cầu của xã hội đối với hoạt động kiểm toán, xứng tầm, xứng tâm với địa vị pháp lý của KTNN đã được Hiến định.”
Thay mặt KTNN khu vực IX, Kiểm toán trưởng Nguyễn Huỳnh Tịnh đã gửi lời cảm ơn đến Vụ trưởng Vụ Pháp chế Lê Huy Trọng, đồng thời bày tỏ mong muốn trong thời gian tới đơn vị tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ và trao đổi các vấn đề có liên quan đến Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 giữa Vụ Pháp chế với KTNN khu vực IX ./.
Trúc Chi