Theo Ban chủ nhiệm Đề tài, từ năm 2010 đến năm 2014, KTNN đã kiến nghị kiểm toán xử lý tài chính lên đến 99.496 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ hơn 200 văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, ngành và địa phương không phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật, nhiều kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân…Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy các kiến nghị xử lý tài chính chỉ được đơn vị được kiểm toán thực hiện đạt xấp xỉ 70%. Tình hình này do nhiều nguyên nhân: Công tác thực hiện kiến nghị của các đơn vị được kiểm toán chưa triệt để; công tác tổ chức kiểm tra, tổng hợp, quản lý và theo dõi các loại kiến nghị trên của các KTNN chuyên ngành, khu vực và Vụ Tổng hợp hiện đang còn nhiều bất cập, nhất là đối với các kiến nghị tồn đọng qua nhiều năm. Hiện tại, các đơn vị chỉ chú trọng đến việc thực hiện kiến nghị kiểm toán của năm trước liền kề và tập trung chủ yếu vào kiến nghị xử lý về tài chính.
Thực tế này đòi hỏi cần nghiên cứu để đưa ra các giải pháp tổ chức quản lý, theo dõi việc thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN. Đây là vấn đề thật sự cấp thiết, nhằm đảm bảo việc theo dõi, quản lý tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN được tổ chức một cách chặt chẽ, có hệ thống từ các đơn vị tham mưu đến các KTNN chuyên ngành, khu vực; cung cấp thông tin tin cậy cho công tác đôn đốc thực hiện kiến nghị hợp lý của KTNN; góp phần nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán, sử dụng có hiệu quả ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.
Đề tài “Giải pháp tổ chức quản lý, theo dõi việc thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN” được thực hiện với các mục tiêu: Nghiên cứu các quy định chung có liên quan đến tổ chức, theo dõi việc thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN, đánh giá những tồn tại, thiếu sót của các quy định trong tổ chức, quản lý việc thực hiện kiến nghị kiểm toán; Nghiên cứu, đánh giá thực trạng tổ chức, quản lý, theo dõi chi tiết các kiến nghị kiểm toán của KTNN, đồng thời phân tích xác định nguyên nhân của những hạn chế; Đề xuất định hướng, giải pháp khắc phục các hạn chế về quy định của KTNN đối với công tác tổ chức quản lý, theo dõi việc thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN được hiệu quả, xây dựng hướng dẫn cho các KTNN chuyên ngành, khu vực về tổ chức, quản lý, theo dõi việc thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN.
Về kết cấu của Đề tài, ngoài phần mở đầu và kết luận, đề tài được kết cấu thành 02 chương: Những vấn đề lý luận, thực trạng về công tác quản lý, theo dõi việc thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN; Các giải pháp tổ chức quản lý, theo dõi việc thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN.
Theo đánh giá của Hội đồng nghiệm thu, việc nghiên cứu đề tài “Giải pháp tổ chức quản lý, theo dõi việc thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN” có ý nghĩa lớn về lý luận và thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán nói chung và nâng cao hiệu quả việc thực hiện kiến nghị của KTNN nói riêng.
Đề tài đã đánh giá thực trạng công tác quản lý, theo dõi việc thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN khá đầy đủ, bao quát, thể hiện sự công phu trong tổng hợp, phân tích, đánh giá của Ban chủ nhiệm đề tài đối với vấn đề nghiên cứu. Đề tài cũng đã đề xuất các giải pháp tương đối toàn diện, trong đó tập trung vào việc hoàn thiện công tác theo dõi như: Sửa đổi hệ thống mẫu biểu, hồ sơ; triển khai phần mềm theo dõi thực hiện kiến nghị; đổi mới công tác xây dựng kế hoạch kiểm tra; nâng cao chất lượng kiểm tra thực hiện kiến nghị… Các giải pháp được đề xuất có giá trị ứng dụng cao, có thể sớm được triển khai vào quá trình quản lý theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán.
Để đề tài được hoàn thiện hơn, Hội đồng nghiệm thu đề xuất, Ban chủ nhiệm đề tài nên bổ sung trong phần giải pháp thực hiện: Quy trình thực hiện việc quản lý, theo dõi việc thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN; Lồng ghép việc quản lý, theo dõi việc thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN với các hoạt động khác trong chu trình kiểm toán đối với các đơn vị. Ban chủ nhiệm đề tài cũng nên lồng ghép các kiến nghị thành các giải pháp và bổ sung danh mục tài liệu tham khảo của Đề tài.
Đề tài được đánh giá xếp loại xuất sắc./.
Ngọc Bích