Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế - xã hội

(kiemtoannn.gov.vn) – Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã dành 2 ngày - 2 và 3/11 để thảo luận kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2016.


Quốc hội đánh giá cao nỗ lực điều hành của Chính phủ trong thời gian qua và nhiều ý kiến đồng tình với báo cáo tích cực của Chính phủ, tuy nhiên các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế trên nhiều lĩnh vực như: Đà phục hồi kinh tế chưa vững chắc; khu vực nông nghiệp gặp nhiều khó khăn; chính sách cải thiện môi trường đầu tư còn chậm triển khai; số lượng doanh nghiệp giải thể lớn; nợ xấu chưa được giải quyết triệt để...
 
Qua đó các đại biểu cho rằng, Chính Phủ cần nâng cao quản lý hơn nữa nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu tổng quát của Nghị quyết Quốc hội - hoàn thành cơ bản cơ cấu lại nền kinh tế để phát triển nhanh và bền vững, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Thừa nhận nền kinh tế đang trên đà phục hồi, song các đại biểu cho rằng chất lượng tăng trưởng thấp do nền kinh tế duy trì mô hình cũ quá lâu và đang thiếu các động lực mới để phát triển. Trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu, Việt Nam bị đánh giá thấp về thể chế, sự phát triển của thị trường tài chính, khoa học công nghệ... Năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp còn hạn chế.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, tỉnh Sóc Trăng đánh giá, trong 5 năm qua, nợ công của Việt Nam tăng từ hơn 40% lên hơn 63% GDP, thuộc nhóm những nước có nguy cơ vỡ nợ công, trong khi tăng trưởng bình quân của nền kinh tế chỉ đạt trung bình chưa tới 6%. Chỉ số ICOR cho thấy tính thiếu hiệu quả của việc sử dụng vốn tiếp tục ở mức cao, trong khi tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp Việt Nam trong tổng kim ngạch xuất khẩu giảm từ 50% năm 2011 xuống còn hơn 30% năm 2015. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cũng thụt lùi từ mức 26% trong 5 năm trước xuống mức âm trong 9 tháng đầu năm nay. Vì vậy, “Chưa thể nói kinh tế đã ổn định và phát triển” ông Kiên nói.
 
Liên quan đến tái cơ cấu kinh tế, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa, TP. Hồ Chí Minh nhận xét, kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước còn chậm, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực Nhà nước giao. Tái cơ cấu đầu tư dù đã phân bổ và quản lý nguồn lực, ngân sách Nhà nước được bố trí tập trung nhưng vẫn còn tình trạng ứng trước vốn để đầu tư, dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn cao.
 
Đánh giá về hệ thống ngân hàng, đại biểu Thân Văn Khoa, tỉnh Bắc Giang cho rằng thanh khoản thời gian qua đã được cải thiện, song việc giải quyết nợ xấu chưa triệt để, phần lớn mới được gom tại VAMC chứ chưa xử lý tận gốc. "Nguyên nhân cụ thể đã được chỉ ra từ nhiều năm qua, nhưng chưa có giải pháp quyết liệt, chưa xác định được trách nhiệm cụ thể nên hạn chế còn kéo dài" - ông Khoa  bình luận.
 
Các Đại biểu QH cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân chính cản trở phát triển đó chính là yếu tố con người. Cụ thể, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chức năng chồng chéo, cùng với đó thủ tục còn phiền hà, kỷ cương, kỷ luật còn lỏng lẻo. “Hạn chế này đã tồn tại từ lâu, song chưa khắc phục được. Trong năm 2016 và những năm tiếp theo, cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy cần phải được coi như nhiệm vụ hàng đầu”, đại biểu Nguyễn Tấn Tuân, tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh. Đại biểu Lê Nam, tỉnh Thanh Hóa phân tích, nếu không có các giải pháp mang tính đột phá, thì mục tiêu tinh giản bộ máy chắc chắn không thể thực hiện được vì với các giải pháp hiện nay sẽ không biết tinh giản ai.
 
Việc chuẩn bị các điều kiện để hội nhập quốc tế, thực hiện các Hiệp định thương mại tự do là chủ đề được các đại biểu tập trung thảo luận. Một số đại biểu lo ngại về sự thờ ờ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng Asean và TPP. Đại biểu Trần Khắc Tâm Đoàn, tỉnh Sóc Trăng cho rằng nếu không tận dụng được cơ hội thì cuối cùng chúng ta vẫn làm thuê trên đất nước mình. Giải pháp đột phá là cần đầu tư vào con người.
 
Một số ý kiến cũng cho rằng, sẽ rất khó khăn cho nền nông nghiệp nước ta khi Việt Nam tham gia TPP nhưng ngành nông nghiệp vẫn thực sự  chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong việc hình thành  các mô hình tổ chức liên kết sản xuất nông nghiệp phù hợp. Sản xuất nông nghiệp vẫn quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa ứng dụng khoa học công nghệ mới và nguồn nhân lực để bảo đảm phát triển bền vững, làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân.
 
Để cạnh tranh với các nước trong giai đoạn hội nhập sâu rộng như hiện nay, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, tỉnh Bình Định cho rằng ngành nông nghiệp cần phải định hướng được thị trường đầu ra, đảm bảo được số lượng và chất lượng ổn định cũng như năng lực quản lý và năng lực tài chính, vượt qua các rủi ro của thị trường để tồn tại trong dài hạn. Đây là việc mà nông dân không thể tự làm được, cần phải có doanh nghiệp kết hợp cùng thực hiện. Do đó, đại biểu đề nghị cần có thêm những chính sách hỗ trợ để giúp đỡ và đảm bảo liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp ngày càng bền vững.
 
Ngoài các nội dung trên,  các đại biểu QH cũng đã tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng khác như: Hiệu quả đầu tư, giải pháp sử dung hiệu quả nguồn vốn ODA để giảm gánh nặng nợ công; Giải pháp xử lý nợ xấu, quản lý hiệu quả thu, chi ngân sách nhà nước; Xuất, nhập khẩu và cán cân thương mại; Công tác quản lý giá; Vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý chất bảo vệ thực vật; Chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; Công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát thiên tai, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên; Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai; Về mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016…
 
Theo Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại Quốc hội trong phiên khai mạc, tăng trưởng GDP năm 2015 ước đạt trên 6,5%, cao nhất trong 5 năm qua, vượt kế hoạch đề ra (6,2%). Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng; GDP năm 2015 đạt khoảng 204 tỉ USD, bình quân đầu người 2.228 USD.

Sản xuất công nghiệp phục hồi và tăng mạnh trong những năm cuối của kế hoạch 5 năm, trong đó năm 2015 tăng khoảng 10%, riêng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,6%. Khu vực nông nghiệp phát triển khá ổn định, giá trị sản xuất tăng 3,85%/năm. Tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP tăng từ 79,42% năm 2010 lên 82,5% năm 2015. Tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm từ 48,4% xuống 45%.

Trong 14 chỉ tiêu nhiệm vụ của năm 2015, ước tính có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch./. 

Ngọc Bích