Đến dự phiên khai mạc có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt, Huỳnh Đảm.
Tại phiên khai mạc, trình bày về Báo cáo về “Tình hình kinh tế- xã hội năm 2015 và 5 năm 2011- 2015; phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016- 2020 và năm 2016”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, tăng trưởng năm 2015 ước đạt trên 6,5%, cao nhất trong 5 năm qua; bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt khoảng 5,9%/năm. GDP năm 2015 đạt khoảng 204 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người là 2.228 USD. Số doanh nghiệp đang hoạt động là 525.000, gấp hơn 1,5 lần so với cuối năm 2010.
Về mục tiêu của giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng đưa ra dự kiến, năm 2016 GDP bình quân đầu người khoảng 2.450 USD, năm 2020 là 3.750 USD; Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85%; Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 40%...
Báo cáo Quốc hội về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thủ tướng Chính phủ cho biết, đây là Hiệp định toàn diện tiêu chuẩn cao với sự tham gia của 12 nước, quy mô chiếm 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu. Việt Nam đã chủ động tham gia đàm phán Hiệp định này ngay từ đầu với tư cách là quan sát viên đặc biệt, và trở thành thành viên chính thức từ tháng 11/2010. Sau 5 năm, các nước đã kết thúc quá trình đàm phán vào ngày 5/10/2015. Trong quá trình đàm phán, Chính phủ nhiều lần báo cáo và thực thi theo Nghị quyết và chỉ đạo của Bộ Chính trị, bảo đảm lợi ích quốc gia. Các nước tôn trọng thể chế chính trị và dành cho Việt Nam lộ trình hội nhập. Theo thỏa thuận, các Bên sẽ tiếp tục rà soát văn bản thủ tục để ký cuối 2015 hoặc đầu năm 2016. Sau đó, các nước sẽ phê chuẩn để Hiệp định có hiệu lực vào giữa 2017 hoặc đầu 2018.
Sau phần báo cáo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về “Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và khái quát kết quả 5 năm 2011-2015; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016”.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày “Báo cáo kết quả thực hiện dự toán NSNN năm 2015; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016”; “Báo cáo cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ, phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế”.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày “Báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011- 2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016- 2020”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày các Báo cáo thẩm tra: Kết quả thực hiện dự toán NSNN năm 2015; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016; Đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011- 2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016- 2020; Phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; Cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ, việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế./.
Theo dự kiến chương trình, Kỳ họp sẽ kéo dài hơn một tháng và bế mạc vào ngày 28/11/2015. Quốc hội sẽ thảo luận, xem xét thông qua 18 Luật, 14 Nghị quyết và cho ý kiến về 8 dự án Luật. Quốc hội cũng dành thời gian cho công tác giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước như: Thảo luận, xem xét kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, NSNN 2015; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016…Phiên chất dự kiến vấn kéo dài 2,5 ngày với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ và tất cả các thành viên Chính phủ. |
Ngọc Bích