Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thành lập Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán trực thuộc Kiểm toán nhà nước

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 15/10/2015, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã ký ban hành Nghị quyết số 1051/NQ-UBTVQH13 về việc thành lập Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán trực thuộc Kiểm toán nhà nước (KTNN).


Theo đó, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán được thành lập trên cơ sở Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng cán bộ trực thuộc KTNN; là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc KTNN, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.
 
Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán có chức năng đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, người lao động thuộc KTNN và nghiên cứu khoa học; thực hiện các dịch vụ về đào tạo, bồi dưỡng cho các tổ chức và cá nhân ngoài KTNN có nhu cầu.
 
Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu tổ chức của Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán do Tổng Kiểm toán nhà nước quy định./.
 
Ngày 25/9/2015, báo cáo trước UBTVQH, Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Hữu Vạn nhấn mạnh việc thành lập Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán trên cơ sở Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng cán bộ KTNN là rất cần thiết. Hiện nay, mô hình hoạt động của Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng cán bộ của KTNN bộc lộ nhiều điểm không còn phù hợp, khó có thể đáp ứng được yêu cầu về nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực của ngành.

Tổng Kiểm toán Nhà nước khẳng định, vai trò và vị trí của KTNN đã được hiến định trong Hiến pháp 2013 và Luật KTNN cũng đã được sửa đổi, bổ sung năm 2015 đồng nghĩa với yêu cầu của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và xã hội đặt ra đối với chất lượng hoạt động kiểm toán của KTNN ngày càng cao hơn. Chính vì vậy, KTNN phải nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, không chỉ đào tạo những kiến thức chuyên môn nền tảng, đào tạo theo ngạch bậc cho kiểm toán viên nhà nước mà còn phải bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu theo từng lĩnh vực kiểm toán để xây dựng và phát triển đội ngũ kiểm toán viên nhà nước đủ về số lượng, tốt về chất lượng, có tính chuyên nghiệp cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển KTNN trong giai đoạn mới. Ngoài ra, việc thành lập trường sẽ góp phần đảm bảo sự liên kết của các khâu nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng trong các chuỗi hoạt động để nâng cao chất lượng của hoạt động kiểm toán, đồng thời đáp ứng yêu cầu về tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học kiểm toán. Bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng trong ngành, Trường cũng sẽ đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cho tổ chức, cá nhân ngoài KTNN. 

M. Thúy