CCAF hỗ trợ KTNN bổ sung kiến thức và kỹ năng về kiểm toán hoạt động

Trong khuôn khổ chương trình làm việc của Quỹ kiểm toán toàn diện Canada (CCAF) với Kiểm toán nhà nước (KTNN), CCAF đã tổ chức khóa học 3 ngày về kiểm toán hoạt động (KTHĐ), diễn ra vào trung tuần tháng 9/2015 tại Hà Nội cho 27 công chức thuộc các phòng: Kiểm toán hoạt động, nghiệp vụ thuộc Vụ Tổng hợp; Các đơn vị khác thuộc KTNN. Mục đích của khóa học là bổ sung một số kiến thức và kỹ năng về KTHĐ trên cơ sở kiến thức căn bản đã được CCAF giới thiệu vào tháng 12/2013 cho KTNN.


Hai giảng viên của khóa học - ông Bill Rafuse và ông Hoa Quach là cộng tác viên có kinh nghiệm về KTHĐ của CCAF.
    
Khóa học tập trung vào 03 chuyên đề, gồm: Lập kế hoạch kiểm toán trên cơ sở đánh giá rủi ro; Lập báo cáo kiểm toán có chất lượng cao; Kiểm soát chất lượng và đảm bảo chất lượng.
    
Chuyên đề Lập kế hoạch kiểm toán trên cơ sở đánh giá rủi ro giới thiệu cho các học viên về các kiến thức, kỹ năng cần thiết để lập kế hoạch và xác định phạm vi của cuộc KTHĐ trên cơ sở đánh giá rủi ro. Việc đánh giá rủi ro được bắt đầu ngay từ khâu lựa chọn chủ đề kiểm toán, nhằm xác định sự cần thiết để thực hiện cuộc kiểm toán, có định hướng ban đầu về các phân tích và kiến nghị cần đưa ra để cải thiện hoạt động được kiểm toán. Trong giai đoạn lập kế hoạch của cuộc kiểm toán, đánh giá rủi ro cần được thực hiện sau khi thu thập được các thông tin cơ bản về chủ đề  kiểm toán làm cơ sở để xác định nội dung kiểm toán, mục tiêu kiểm toán và tiêu chí kiểm toán.

Để đánh giá rủi ro, kiểm toán viên cần xem xét hai yếu tố chính là khả năng xảy ra và mức độ ảnh hưởng của các rủi ro. Các giảng viên đã giúp học viên thực hành với “Bảng theo dõi rủi ro lập kế hoạch kiểm toán” - một mẫu biểu trong hệ thống mẫu biểu được sử dụng tại Cơ quan kiểm toán Canada. Khi xác định mục tiêu và phạm vi kiểm toán, các giảng viên nhấn mạnh sự cần thiết phải xác định được rủi ro cao nhất nằm ở đâu, cuộc kiểm toán có thể gia tăng giá trị nhiều nhất ở đâu?

Bên cạnh việc đánh giá rủi ro liên quan đến hoạt động của đơn vị được kiểm toán, trong quá trình lập kế hoạch kiểm toán, kiểm toán viên cần chủ động quản lý rủi ro kiểm toán để tránh đưa ra các phát hiện, kết luận và kiến nghị không chính xác hoặc không đầy đủ; tránh cung cấp các thông tin không hợp lý hoặc không làm gia tăng giá trị.

Chuyên đề Lập báo cáo kiểm toán có chất lượng cao giúp học viên áp dụng các kiến thức và kỹ năng cần thiết để lập báo cáo kiểm toán có chất lượng và giá trị cao. Để đưa ra được báo cáo kiểm toán đảm bảo chất lượng và giá trị cao, các giảng viên nhấn mạnh các yêu cầu chính về kết cấu báo cáo kiểm toán, trình bày nội dung, ngữ điệu và việc rà soát, biên tập báo cáo kiểm toán. Học viên đã được hướng dẫn thảo luận về yêu cầu đối với các nội dung tối thiểu của một báo cáo KTHĐ tại Chuẩn mực kiểm toán quốc tế (ISSAI) 3000, gồm: Chủ đề kiểm toán; mục tiêu kiểm toán; các câu hỏi kiểm toán; các tiêu chí và nguồn tiêu chí; phương pháp kiểm toán; thời kỳ kiểm toán; các nguồn dữ liệu; giới hạn kiểm toán; các phát hiện kiểm toán; các kết luận và kiến nghị kiểm toán.

Các giảng viên cũng nhấn mạnh việc trình bày kết quả kiểm toán bao gồm phát hiện kiểm toán và đánh giá về nguyên nhân – tác động/ảnh hưởng trong trường hợp các tiêu chí kiểm toán không đạt hoặc chỉ đạt một phần. Việc phân tích và xác định nguyên nhân cốt lõi giúp kiểm toán viên có sự nhìn nhận vấn đề sâu sắc, từ đó đưa ra được các kiến nghị nhất quán, chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể và mang tính xây dựng; nêu rõ các hành động mà nhà quản lý cần thực hiện để khắc phục; sửa chữa các sai sót được phát hiện từ cuộc kiểm toán; hướng đến các giải pháp lâu dài, các kế hoạch hành động đảm bảo các sai sót không tiếp tục lặp lại, mang lại lợi ích cho nhà quản lý và gia tăng thêm giá trị cho đơn vị được kiểm toán.

Báo cáo kiểm toán cần  được trình bày với ngữ điệu cân bằng, trong đó cần bao gồm cả ý kiến phản hồi của đơn vị kiểm toán đối với các kiến nghị kiểm toán và xác nhận về kế hoạch hành động để thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Chuyên đề Kiểm soát chất lượng và đảm bảo chất lượng giúp học viên hiểu được tầm quan trọng của việc thực hiện nghiêm ngặt các hoạt động kiểm soát chất lượng và đảm bảo chất lượng đối với chất lượng của các báo cáo kiểm toán. Các giảng viên đã tập trung giới thiệu các yêu cầu của hệ thống kiểm soát chất lượng của một cơ quan kiểm toán tối cao (SAI), vai trò của kiểm soát viên độc lập (EQCR) và kiểm soát chéo/kiểm soát từ các cơ quan bên ngoài. Thông qua bài tập nhóm, các học viên đã hiểu rõ hơn về 06 yếu tố trong hệ thống kiểm soát chất lượng của SAI theo ISSAI 40 - Kiểm soát chất lượng đối với các SAI, đó là: Trách nhiệm của người đứng đầu về chất lượng trong phạm vi SAI; các yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp có liên quan, yêu cầu chấp nhận và tiếp tục kiểm toán, nhân lực, thực hiện kiểm toán và các nhiệm vụ khác, giám sát; trách nhiệm của kiểm soát viên độc lập, trách nhiệm giám sát và soát xét trong đoàn kiểm toán và việc lưu trữ các tài liệu liên quan trong hồ sơ kiểm toán; kiểm tra hồ sơ kiểm toán sau khi cuộc kiểm toán đã hoàn thành bởi một đơn vị của SAI nhằm đảm bảo chất lượng kiểm toán và tuân thủ các chuẩn mực nghề nghiệp; kiểm soát chéo bởi một cơ quan độc lập hoặc một SAI khác nhằm đưa ra ý kiến độc lập về hệ thống kiểm soát chất lượng và việc tuân thủ các chuẩn mực.

Cùng với việc giới thiệu các kiến thức trên, các bài tập tình huống về các cuộc KTHĐ đã thực hiện tại Cơ quan kiểm toán Alberta và KTNN đã được các giảng viên hướng dẫn để các học viên thảo luận sôi nổi, qua đó giúp học viên hiểu sâu sắc hơn về các khái niệm, kỹ thuật KTHĐ và giải đáp nhiều thắc mắc của các học viên.

Một số học viên bày tỏ mong muốn được tìm hiểu sâu hơn về các kỹ năng thực hành trong giai đoạn thực hiện kiểm toán như: Kỹ năng phỏng vấn, chọn mẫu kiểm toán, phân tích nguyên nhân – tác động… Bà Caroline  – Giám đốc Chương trình quốc tế của CCAF và các giảng viên dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ KTNN trong việc đào tạo chuyên sâu hơn về KTHĐ trong thời gian tới./.

Hán Thị Bích Hồng - Phòng KTHĐ

Vụ Tổng hợp - KTNN