Chú trọng xây dựng 'Đề án vị trí việc làm' và 'Đề án tinh giản biên chế'

Chiều ngày 18/9/2015, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức Hội nghị vị trí việc làm và tinh giản biên chế tại Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng cán bộ - Chi nhánh Đào tạo Cửa Lò (Nghệ An).


Tham dự Hội nghị có Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Hữu Vạn, các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước: Hoàng Hồng Lạc, Đoàn Xuân Tiên, Vũ Văn Họa và các lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của các đơn vị trực thuộc KTNN.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe chuyên gia đến từ Bộ Nội vụ - ông Trần Nghị, Trưởng phòng của Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước phổ biến các văn bản liên quan đến việc xây dựng đề án vị trí việc làm công chức, viên chức và cơ cấu ngạch công chức (Nghị định 36/2013/NĐ-CP, Thông tư 05/2013/TT-BNV của Bộ Nội vụ, Nghị định 41/2012/NĐ-CP, Thông tư 14/2012/TT-BNV); bà Đào Thị Hồng Minh - Trưởng phòng Quản lý biên chế, Vụ Tổ chức - Biên chế trình bày các văn bản liên quan đến việc xây dựng đề án tinh giản biên chế (Nghị quyết 39/NQ-TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị, Nghị định 108/2014/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 01/2015-TTLT-BNV-BTC của liên Bộ Nội vụ - Tài chính).



Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (KTNN) Đỗ Văn Tạo cho biết, được sự quan tâm chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước, vừa qua, Vụ Tổng hợp và KTNN khu vực I đã thí điểm triển khai xây dựng Đề án vị trí việc làm của đơn vị đúng theo các quy định của Bộ Nội vụ về Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức. Tuy nhiên, Đề án của các đơn vị đã đề xuất chỉ tiêu biên chế cao hơn so với chỉ tiêu biên chế được Tổng Kiểm toán nhà nước giao. Qua trao đổi với đại diện của Bộ Nội vụ, trước mắt, KTNN cần xây dựng đề án vị trí việc làm cơ bản ổn định biên chế, chứ không tăng. Do vậy, Vụ Tổ chức cán bộ mời chuyên gia của Bộ Nội vụ phổ biến các chính sách, quy định và các bước xây dựng đề án vị trí việc làm. Tiếp đó, trên cơ sở trao đổi, thảo luận của các đại biểu, Vụ Tổ chức cán bộ sẽ hoàn thiện văn bản Hướng dẫn xây dựng Đề án vị trí việc làm ổn định, thống nhất chung trong toàn ngành để gửi các đơn vị thực hiện.

Đối với nội dung xây dựng Đề án tinh giản biên chế, Vụ Tổ chức cán bộ đã có văn bản Hướng dẫn gửi các đơn vị. Tuy nhiên, qua kết quả tổng hợp của Vụ Tổ chức cán bộ, hầu hết các đơn vị đều không có đối tượng tinh giản biên chế, chỉ có 3-4 đơn vị đưa ra những con số tinh giản biên chế rất nhỏ so với yêu cầu bắt buộc các Bộ, ngành từ nay đến năm 2021 phải giảm 10% biên chế, chỉ tuyển dụng mới không quá 50% số biên chế đã tinh giản và không quá 50% số biên chế đã nghỉ hưu theo Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ chính trị.

Do đó, trên cơ sở báo cáo của chuyên gia Bộ Nội vụ về chính sách tinh giản biên chế, các đại biểu cùng đề xuất, thảo luận để làm rõ hơn các đối tượng cần tinh giản biên chế. Các ý kiến thảo luận tại Hội nghị được Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp, biên tập và trình Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt và ban hành để thực hiện trong toàn ngành.
Kết luận tại Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Hữu Vạn nhấn mạnh: Đề án vị trí việc làm và Đề án tinh giản biên chế là 2 nội dung lớn liên quan đến bộ máy tổ chức của KTNN. Trong đó, Đề án vị trí việc làm là cơ sở để chúng ta phân công, phân nhiệm lại cán bộ, xác định được công việc của từng cán bộ ở từng vị trí gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị rất rõ ràng. Dựa vào hướng dẫn 8 bước cần phải tiến hành, các đơn vị phải nghiên cứu kỹ và chủ động rà soát lại công việc của đơn vị, của từng cán bộ để xác định một cách cụ thể công việc của từng vị trí cho phù hợp. Việc xây dựng Đề án vị trí việc làm phải được tiến hành một cách khẩn trương, nghiêm túc. Ngành sẽ thành lập Hội đồng thẩm định Đề án vị trí việc làm của các đơn vị, dự kiến giao cho Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hoàng Hồng Lạc chủ trì Hội đồng.

Song song với đó, việc tinh giản biên chế cũng là một nội dung lớn của Đảng, Nhà nước. Đối với cơ quan KTNN, Theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 thì biên chế mà KTNN đã định hình năm 2015 khoảng 2.500 người. Đến thời điểm này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho phép KTNN có 1.974 biên chế là Kiểm toán viên, chưa kể khối hành chính, hợp đồng. Để đáp ứng quy mô công việc, KTNN là một trong 3 tổ chức được Bộ Chính trị cho phép tăng biên chế, cùng với Tòa án và Viện Kiểm sát. KTNN sẽ trình Bộ Chính trị về Đề án biên chế của KTNN do nhu cầu biên chế của KTNN nhiều hơn số hiện có. Tuy nhiên, muốn đề xuất tăng biên chế, chúng ta phải xây dựng Đề án vị trí việc làm rõ ràng, xây dựng Đề án biên chế một cách khoa học, hợp lý. Bên cạnh đó, dù có đề xuất tăng biên chế, cũng cần phải rà soát hiện trạng tinh giảm biên chế để thực hiện giảm 10% biên chế đến năm 2021.

Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh, việc xây dựng Đề án tinh giản biên chế là công việc quan trọng và cấp thiết, nên bên cạnh công tác chuyên môn, các đơn vị cần quan tâm thực hiện nội dung này. Vụ Tổ chức cán bộ được giao làm đầu mối cần phải thường xuyên đôn đốc các đơn vị khẩn trương hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra.

Nhân dịp này, Tổng Kiểm toán nhà nước bày tỏ sự tin tưởng cơ quan KTNN sẽ tổ chức thực hiện tốt việc xây dựng các đề án dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia Bộ Nội vụ./.

HỒNG THOAN