CCAF và KTNN tổ chức đào tạo về kiểm toán hoạt động

(kiemtoannn.gov.vn) - Trong khuôn khổ Chương trình làm việc với Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam, từ ngày 09-11/9/2015, tại Hà Nội, Quỹ kiểm toán toàn diện Canada (CCAF) và KTNN phối hợp tổ chức khóa đào tạo về kiểm toán hoạt động.


Khóa đào tạo dành cho 28 cán bộ, kiểm toán viên, công chức thuộc phòng Kiểm toán hoạt động (Vụ Tổng hợp) và các đơn vị thuộc KTNN Việt Nam. Giảng viên của khóa đào tạo là bà Caroline Jorgense - Giám đốc Chương trình quốc tế của CCAF, ông Bill Rafuse - Chuyên gia cao cấp của CCAF, ông Hoa Quách - Trưởng nhóm kiểm toán của Cơ quan tổng kiểm toán Alberta.
 
Chương trình đào tạo tập trung vào 3 nội dung: Lập kế hoạch kiểm toán dựa trên rủi ro; Lập báo cáo kiểm toán có chất lượng; Kiểm soát chất lượng và đảm bảo chất lượng. Các nội dung đào tạo này được xây dựng dựa trên các chuẩn mực kiểm toán: ISSAI 100 - Các nguyên tắc căn bản trong kiểm toán khu vực công; ISSAI 300 - Các nguyên tắc căn bản trong kiểm toán hoạt động; ISSAI 3000 - Chuẩn mực kiểm toán hoạt động; ISSAI 3100 - Hướng dẫn về các khái niệm trung tâm trong kiểm toán hoạt động; ISSAI 3200 - Hướng dẫn về Quy trình kiểm toán hoạt động và ISSAI 40 - Kiểm soát chất lượng đối với các cơ quan kiểm toán tối cao.
 
Nội dung lập kế hoạch kiểm toán dựa trên rủi ro nhằm giúp người học tiếp thu và áp dụng các kiến thức và kỹ năng cần có để lập kế hoạch một cuộc kiểm toán hoạt động dựa trên rủi ro. Học viên được hướng dẫn cách lựa chọn cuộc kiểm toán; các yếu tố có rủi ro cao; tìm hiểu đơn vị được kiểm toán; đánh giá rủi ro và tính trọng yếu; xác định các lĩnh vực để kiểm toán; phạm vi kiểm toán; khung thời gian kiểm toán; các mục tiêu kiểm toán; các tiêu chí kiểm toán; các thủ tục kiểm toán…
 
Nội dung lập báo cáo kiểm toán có chất lượng với mục tiêu trang bị cho học viện các kiến thức và kỹ năng cần có để lập một báo cáo kiểm toán có chất lượng và giá trị cao. Theo đó, các giảng viên đã hướng dẫn cách trình bày cơ sở báo cáo; mục tiêu, phạm vi, tiêu chí của cuộc kiểm toán; các phát hiện, quan sát kiểm toán; phân tích nguyên nhân – hệ quả; trình bày bằng chứng; báo cáo kết quả lấy mẫu; các kết luận kiểm toán; các kiến nghị.
 

Với mục tiêu giúp người học hiểu được tầm quan trọng và giá trị của các hoạt động kiểm soát chất lượng và bảo đảm chất lượng, được thực hiện tốt và nghiêm ngặt trong quá trình lập các báo cáo kiểm toán hoạt động, các chuyên gia đã tập trung vào các nội dung: Các chuẩn mực kiểm toán về kiểm soát chất lượng; các yêu cầu về hệ thống kiểm soát chất lượng; đánh giá kiểm soát chất lượng thực hiện; giám sát và kiểm tra hồ sơ; đánh giá bên ngoài, đánh giá chéo; các kế hoạch cải thiện chất lượng./.

Ngọc Bích