Chuyên gia quốc tế của WB tìm hiểu vai trò của hoạt động kiểm toán nhà nước đối với công tác quản lý, sử dụng tài sản công

(kiemtoannn.gov.vn) - Trong khuôn khổ Thỏa thuận “Hỗ trợ kỹ thuật đánh giá 05 năm triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (TSNN) để định hướng xây dựng Luật Quản lý, sử dụng TSNN (sửa đổi)” do Bộ Ngoại giao - Thương mại Australia ủy nhiệm cho Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ cho Việt Nam, ngày 9/9/2015, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN), chuyên gia tư vấn quốc tế Dag Detter của WB đã có buổi làm việc với một số đơn vị chức năng của KTNN để tìm hiểu vai trò của hoạt động kiểm toán nhà nước đối với công tác quản lý, sử dụng tài sản công ở Việt Nam hiện nay.


Cùng dự buổi làm việc có Cán bộ Cục Quản lý công sản – Bộ Tài chính và đại diện Văn phòng WB tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Ông Vũ Ngọc Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp đã giới thiệu khái quát với chuyên gia về KTNN và hoạt động của KTNN; đồng thời, trả lời các câu hỏi của chuyên gia liên quan đến quy trình thực hiện kiểm toán tài sản công và đối tượng, phạm vi kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài sản công theo Luật KTNN (sửa đổi) năm 2015. Ông Tuấn cũng chia sẻ với chuyên gia thông tin về một số kết quả chủ yếu từ các cuộc kiểm toán năm 2014 cho niên độ ngân sách năm 2013 do KTNN thực hiện.

Chuyên gia Dag Detter cho rằng những thông tin do KTNN cung cấp góp phần giúp chuyên gia WB xây dựng báo cáo đánh giá 05 năm triển khai Luật Quản lý, sử dụng TSNN, từ đó có những kiến nghị, đề xuất phù hợp để sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng TSNN.

Về phía Bộ Tài chính, đại diện Cục Quản lý công sản cho biết, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước với mục tiêu tăng cường công tác quản lý nhằm ngăn chặn lãng phí, chống thất thoát đồng thời phát huy có hiệu quả nguồn lực quan trọng từ tài sản nhà nước. Thực hiện mục tiêu đó, việc triển khai thi hành Luật với sự tích cực và chủ động của các Bộ, ngành và địa phương, trong thời gian qua công tác quản lý, sử dụng TSNN đã dần đi vào nề nếp. Công tác quản lý TSNN từ chỗ thụ động với công tác lập và chấp hành ngân sách đến nay đã chủ động gắn với công tác lập và chấp hành ngân sách nhưng vẫn mang tính độc lập riêng, đảm bảo phù hợp với quá trình đầu tư xây dựng mới, mua sắm, sử dụng và xử lý tài sản; từng bước thực hiện phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm quản lý TSNN giữa các cấp, các ngành; thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý, sử dụng TSNN vẫn còn một số hạn chế đó là hệ thống pháp luật về quản lý đối với một số lĩnh vực tài sản còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, tính pháp lý chưa cao, chưa nắm được đầy đủ, kịp thời TSNN của cả nước cũng như của Bộ, ngành, địa phương. Tình trạng đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng TSNN sai mục đích, tiêu chuẩn định mức, chế độ gây ra lãng phí vẫn còn xảy ra làm giảm sút nguồn nội lực quốc gia… Để khắc phục những hạn chế trên, hiện nay, Bộ Tài chính đang triển khai đánh giá 05 năm triển khai Luật Quản lý, sử dụng TSNN để định hướng xây dựng Luật Quản lý, sử dụng TSNN (sửa đổi) trong thời gian tới.

Theo chương trình Văn phòng WB tại Việt Nam, chuyên gia sẽ có các buổi làm việc, khảo sát tại một số cơ quan của Quốc hội và Chính phủ./.

Hà Linh