Kiểm toán nhà nước khu vực I đồng hành cùng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới

(kiemtoannn.gov.vn) - Kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) là một trong những hoạt động kiểm toán quan trọng trong định hướng công tác của Kiểm toán nhà nước (KTNN) trong 5 năm trở lại đây. Cũng như các chương trình MTQG khác, việc KTNN đề ra nhiệm vụ kiểm toán Chương trình MTQG về nông thôn mới theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực của Chương trình, từ đó có kiến nghị với Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan để thực hiện Chương trình có hiệu quả là cần thiết và đáp ứng được yêu cầu, mong mỏi của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Năm 2013, KTNN khu vực I là đơn vị đầu tiên được Tổng KTNN giao nhiệm vụ thực hiện kiểm toán Chương trình MTQG về nông thôn mới trên địa bàn Hà Nội và Bắc Ninh đã mang lại những kết quả ban đầu, tạo tiền đề để KTNN triển khai kiểm toán toàn diện chương trình.


Chương trình MTQG về nông thôn mới - Từ chủ trương lớn
 
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 về “Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn” là chủ trương có ý nghĩa to lớn cả về chính trị, kinh tế, xã hội. Việc thực hiện thắng lợi chủ trương này tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nền kinh tế của đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, một lực lượng xã hội đông đảo chiếm khoảng 70% tổng dân số, làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn trên cả nước.
 
Mục tiêu chung của Chương trình là “Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
 
Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới tập trung ở 11 nội dung chính (theo 19 tiêu chí – Bộ Tiêu chí quốc gia tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009) là: Quy hoạch xây dựng nông thôn mới; Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; Chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; Giảm nghèo và an sinh xã hội; Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn; Phát triển giáo dục - đào tạo ở nông thôn; Phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe cư dân nông thôn; Xây dựng đời sống văn hóa, thông tin và truyền thông nông thôn; Cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Nâng cao chất lượng tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn; Giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn.
 
Với nhiều nội dung có tính chất tổng thể, Chương trình được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, gồm: Vốn ngân sách (Trung ương và địa phương) khoảng 40%; Nguồn vốn tín dụng, khoảng 30%; Vốn đầu tư của doanh nghiệp, khoảng 20%; Các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân trong xã; vốn huy động từ cộng đồng, khoảng 10% và các nguồn vốn hợp pháp khác.
 
Sau hơn 4 năm triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn Việt Nam đã có những thay đổi nhanh chóng, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Chương trình vẫn còn một số những bất cập trong công tác quản lý và việc sử dụng đồng vốn tại một số địa phương chưa thật sự hiệu quả; kết quả xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, còn khoảng cách giữa các địa phương và các vùng miền.
 
Đến những kết quả kiểm toán ban đầu
 
Nhận thức được ý nghĩa quan trọng và đặc thù của Chương trình là: Kinh phí đầu tư cho Chương trình lớn, thời gian thực hiện Chương trình dài, nội dung Chương trình mang tính chất tổng thể, toàn diện cho phát triển nông thôn và được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện với quyết tâm chính trị cao, người dân đồng tình ủng hộ. Từ năm 2013, Tổng KTNN giao KTNN khu vực I tổ chức kiểm toán quá trình quản lý, điều hành, thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh.
 
Là đơn vị đầu tiên trong Ngành triển khai kiểm toán Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới nên các đoàn kiểm toán của KTNN khu vực I đã gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện như: Việc điều hành Chương trình cần có sự phối kết hợp của nhiều Bộ, cơ quan trung ương với các địa phương, nên phạm vi kiểm toán liên quan đến rất nhiều đơn vị; Nguồn vốn của Chương trình đa dạng, trong đó bao gồm cả việc lồng ghép với nhiều Chương trình mục tiêu khác trên địa bàn và huy động từ nhiều nguồn ngoài NSNN, nên việc phân định nguồn trong quá trình kiểm toán tốn nhiều thời gian và công sức; Các dự án thực hiện trong Chương trình gồm nhiều loại khác nhau và được đầu tư từ lĩnh vực chi đầu tư phát triển đến chi sự nghiệp, đòi hỏi phải linh hoạt trong hoạt động kiểm toán; Cơ chế chính sách để điều hành Chương trình ban hành chưa kịp thời, chưa đồng bộ khi thực hiện phải điều chỉnh bổ sung nhiều, do vậy việc tiến hành kiểm toán phức tạp hơn; Kinh phí đã sử dụng của Chương trình không được quyết toán riêng như các chương trình MTQG khác nên việc xác định số liệu để xác nhận đòi hỏi các Kiểm toán viên nhà nước phải hết sức thận trọng và tỉ mỉ trong công việc; Khi tổ chức kiểm toán Chương trình chưa được tổ chức kiểm toán riêng mà là một nội dung lồng ghép trong cuộc kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản nhà nước của các địa phương nên thời gian và nhân lực cho thực hiện kiểm toán Chương trình bị hạn chế...
 
Mặc dù còn nhiều khó khăn và chưa có tiền lệ để đúc rút kinh nghiệm nhưng với ý chí quyết tâm và nỗ lực của tập thể lãnh đạo và công chức KTNN khu vực I, năm 2013, kết quả kiểm toán việc thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh đã đạt được những kết quả nhất định. Qua kiểm toán, đã đánh giá được những mặt mà các địa phương đã làm được, cũng như một số những hạn chế bất cập trong quản lý điều hành Chương trình tại địa phương thực hiện kiểm toán, như: Bất cập của việc quy định tỉ lệ cơ cấu vốn cho Chương trình, hầu hết các xã xây dựng nông thôn mới đều gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu đặt ra của Chương trình. Bên cạnh đó, qua kết quả kiểm toán Chương trình tại hai địa phương, KTNN khu vực I đã đưa ra các kiến nghị về xử lý tài chính; Kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý, điều hành Chương trình đã giúp cho các địa phương, các bộ, cơ quan trung ương kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót, phát huy những mặt được, thế mạnh để hoàn thiện công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình, cụ thể như kiến nghị điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh đề án xây dựng nông thôn mới tại các xã; công tác tổng hợp, báo cáo về Chương trình; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền vận động nhằm huy động các nguồn lực ngoài NSNN để đầu tư cho Chương trình; các địa phương báo cáo với Chính phủ về những bất cập trong thực hiện Chương trình để kịp thời khắc phục…
 
Có thể nói, việc tổ chức kiểm toán Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới của KTNN khu vực I tuy còn những hạn chế nhất định, song kết quả kiểm toán Chương trình của KTNN khu vực I đã có những tác động tích cực đối với các địa phương thực hiện Chương trình được kiểm toán.
 
Từ định hướng chung của Ngành về việc kiểm toán, đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực của các chương trình MTQG, trong đó có Chương trình nông thôn mới tại các địa phương theo từng giai đoạn, cuộc kiểm toán Chương trình nông thôn mới tại thành phố Hà Nội và Bắc Ninh do KTNN khu vực I thực hiện được KTNN xác định là cuộc kiểm toán thí điểm, qua đó nhân rộng triển khai trong kế hoạch kiểm toán của KTNN những năm tiếp theo.
 
Trong kế hoạch kiểm toán năm 2015, Tổng KTNN đã chỉ đạo việc đưa kiểm toán Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới thành cuộc kiểm toán chuyên đề với sự tham gia của cả 13 KTNN khu vực. Tổng KTNN cũng đã giao KTNN chuyên ngành II chủ trì phối hợp với KTNN khu vực I xây dựng Đề cương kiểm toán Chương trình hướng dẫn cho các đơn vị trong Ngành. Với vai trò là đơn vị đầu tiên thực hiện kiểm toán Chương trình, bằng những kinh nghiệm có được qua quá trình tổ chức kiểm toán, KTNN khu vực I đã đóng vai trò nòng cốt trong việc biên soạn, xây dựng và hoàn thiện Đề cương để trình Tổng KTNN phê duyệt làm hướng dẫn thống nhất cho cuộc kiểm toán Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2014 của toàn Ngành.
 
Hiện nay, việc tổ chức kiểm toán và tổng hợp kết quả kiểm toán Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới năm 2015 đang trong giai đoạn thực hiện. Hiệu quả, chất lượng kiểm toán Chương trình còn phải tiếp tục tổng kết, đánh giá để rút ra các bài học trong các cuộc kiểm toán tiếp theo. Mặc dù vậy, có thể khẳng định rằng, từ những kết quả kiểm toán ban đầu được KTNN khu vực I thực hiện và cuộc kiểm toán chuyên đề huy động nhân lực toàn Ngành trong năm 2015 cho thấy chủ trương của KTNN trong việc tổ chức kiểm toán các chương trình MTQG quốc gia nói chung, các cuộc kiểm toán chuyên đề bám sát các vấn đề được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và xã hội quan tâm là hướng đi đúng đắn, phù hợp với vị trí, vai trò của KTNN nói chung, các đơn vị KTNN chuyên ngành, khu vực nói riêng./.
 

Huỳnh Hữu Thọ