Năm 2015 lạm phát khoảng 3%, tăng trưởng 6,2%
Theo nhận định của UBGSTCQG, tháng 8, lạm phát là 0,61 và lạm phát cơ bản là 2,41%; lạm phát bình quân 8 tháng đầu năm là 0,83% so với cùng kỳ năm trước và lạm phát cơ bản là 2,42%. Nhìn chung, cả lạm phát và lạm phát cơ bản hầu như giữ nguyên trong 6 tháng gần đây. Dựa trên kỳ vọng của thị trường, thông qua những thay đổi của lợi suất trái phiếu chính phủ, UBGSTCQG đánh giá hai lần điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong tháng 8 làm lạm phát có thể tăng thêm xấp xỉ 0,2 điểm %, là mức tăng không đáng kể. Do đó, UBGSTCQG giữ nguyên dự báo năm 2015 lạm phát cơ bản khoảng 3% và lạm phát (tổng thể) thấp hơn 3%.
Tâm điểm chú ý trong tháng 8/2015 là sự kiện phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) và phản ứng của Việt Nam. Trước việc NDT mất giá 2,9% trong tuần thứ 2 tháng 8, NHNN đã chủ động nới biên độ tỷ giá lên 2% ngay trong tuần và lên 3%, cùng với điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng 1%, trong tuần tiếp theo. Theo đó, tỷ giá thị trường chính thức cũng tăng 1,3% trong tuần thứ 2 và 1,7% trong tuần tiếp theo (tổng cộng là 3%).
8 tháng, tăng trưởng tín dụng đạt 8,3%
UBGSTCQGcho biết tính đến 10/8/2015, tổng tín dụng đối với nền kinh tế (cho vay doanh nghiệp, cá nhân, và trái phiếu doanh nghiệp) tăng 8,3% so với cuối năm 2014, cao hơn nhiều so với mức tăng 3,7% của 7 tháng đầu năm 2014. Theo UBGSTCQG, 8 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đã tốt hơn, khu vực doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn phần nào giúp khoản mục “lãi dự thu” của các ngân hàng thương mại cũng giảm nhẹ (-4,2%) so với cùng kỳ 2014. Hiện tại, khả năng thanh khoản của khu vực ngân hàng khá tốt, tỷ lệ LDR (cho vay/huy động) duy trì ở mức dưới 80%; với huy động và tín dụng ngoại tệ, LDR cũng ở mức dưới 85%. Những tỷ lệ này nằm trong giới hạn an toàn về thanh khoản.Mặc dù tăng trưởng tín dụng khá, tỷ lệ lãi biên tăng nhẹ, nhưng do trích lập dự phòng rủi ro tăng khiến khả năng sinh lời của khối ngân hàng thương mại giảm.
Về thị trường chứng khoán (TTCK), UBGSTCQG cho rằng sự suy giảm của thị trường chứng khoán do cả yếu tố nội tại và nguyên nhân đến từ bên ngoài nền kinh tế, cụ thể: TTCK Mỹ điều chỉnh mạnh;Chỉ số MSCI các thị trường chứng khoán mới nổi đã giảm. Giới đầu tư quốc tế đang lo ngại những biến động và rủi ro hệ thống có thể còn tiềm ẩn trong tương lai gần; Việc rút vốn tại các thị trường mới nổi có ảnh hưởng nhất định tới khả năng huy động vốn của các quỹ hoãn đổi danh mục (ETF) đầu tư vào TTCK Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng theo Ủy ban này, TTCK có cơ sở để phục hồi trở lại do các yếu tố cơ bản của nền kinh tế và thị trường chứng khoán vẫn ở mức độ tích cực: (i) Nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ được những cân đối lớn và thương mại, đầu tư và ít chịu tác động tiêu cực như các quốc gia mới nổi khác; (ii) Doanh thu lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2015. Mức giá trị nhiều cổ phiếu trở nên hấp dẫn với P/E bình quân thị trường về khoảng 10,6 lần; (iii) Các chính sách phát triển thị trường chứng khoán (thông tư 123/2015/BTC) đang được triển khai đúng tiến độ.
Việc phát hành TPCP trên thị trường sơ cấp vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo UBGSTCQG, với việc tỷ lệ trúng thầu xuống mức rất thấp trong các tuần gần đây, KBNN cần có những điều chỉnh để đẩy mạnh phát hành TPCP trong 4 tháng còn lại của năm.
Một số dự báo cuối năm và khuyến nghị
Trên cơ sở những diễn biến trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2015, trong những tháng cuối năm, Báo cáo đưa ra một số điểm cần lưu ý và khuyến nghị đối với việc điều hành kinh tế vĩ mô.
Thứ nhất, với mức độ điều chỉnh tỷ giá NDT vừa qua và nếu từ nay tới cuối năm NDT không bị phá giá mạnh hơn nữa (dự báo NDT dao động trong khoảng 6,3% - 6,5%) thì không trực tiếp ảnh hưởng nhiều đến thị trường tiền tệ, kinh tế Việt Nam. Vấn đề là sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc ra sao, số liệu thống kê của Trung Quốc và cam kết của Chính phủ Trung Quốc có minh bạch, chính xác để củng cố lòng tin của thị trường. “Do vậy, Việt Nam chưa nên có những điều chỉnh chính sách lớn và điều chỉnh kế hoạch kinh tế - xã hội. Cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến sức khỏe của kinh tế Trung Quốc cũng như chính sách kinh tế, chính sách tiền tệ của Trung Quốc để có phản ứng chính sách thích hợp. UBGSTCQG dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2015 vẫn đạt và vượt mục tiêu (6,2%) tiếp tục duy trì ổn định vĩ mô”.
Thứ hai, trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu, rộng và quy mô thị trường tài chính thế giới cao gấp 4-5 lần quy mô nền kinh tế thực, tâm lý thị trường đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nếu phần lớn các nhà kinh doanh, đầu tư có cùng cảm nhận và phản ứng cùng chiều thì sẽ tạo thành một lực cung - cầu rất lớn, có thể vượt ra ngoài sự kiểm soát của các Chính phủ.Vì vậy, theo UBGSTCQG, cùng với việc theo dõi sức khỏe của kinh tế thế giới cần theo dõi hàng ngày diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, hàng hóa thế giới. Mặt khác, các cơ quan hoạch định chính sách cần xây dựng sẵn các kịch bản ứng phó để tránh thụ động.
Thứ ba, thị trường tài chính tiền tệ của Việt Nam hiện đã có liên thông nhất định đến thị trường tài chính quốc tế và chịu ảnh hưởng tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường quốc tế.Chính vì vậy, công tác truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng để duy trì lòng tin của thị trường. UBGSTCQG khuyến nghị các cơ quan hoạch định chính sách cần tăng cường công tác truyền thông để định hướng thị trường theo mục tiêu chính sách. Các thông điệp chính sách cần rõ ràng nhưng cần linh hoạt để đảm bảo tính nhất quán trong thông tin và thống nhất, đồng bộ giữa thông điệp chính sách và hành động./.
Nguyễn Quân