Tham dự buổi khai giảng có ông Nguyễn Kiêm Phúc – Phó Trưởng ban Chỉ huy quân sự KTNN, Phó Chánh Văn phòng KTNN; ông Nguyễn Lương Thuyết – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; bà Lăng Trịnh Mai Hương – Phó giám đốc TTKH&BDCB; Thượng tá Trần Ngọc Sơn - Ủy viên Ban Thường vụ quận ủy, Chỉ huy trưởng BCH quân sự, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Giáo dục Quốc phòng và An ninh quận Cầu Giấy; Trung tá Lưu Mạnh Hùng – Giảng viên Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng cùng 64 học viên là công chức, viên chức và đảng viên đối tượng 4 của các đơn vị trực thuộc KTNN có trụ sở tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc lớp học, ông Nguyễn Kiêm Phúc – Phó Trưởng ban Chỉ huy quân sự KTNN cho biết, trước bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước có những diễn biến phức tạp, vấn đề bảo đảm an ninh quốc gia, an toàn lãnh thổ luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, coi trọng. Lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh đối tượng 4 được tổ chức nằm trong Kế hoạch Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh năm 2015 của KTNN, nhằm giúp cho công chức, viên chức, đảng viên nắm rõ chủ trương, đường lối của Đảng và công tác quản lý nhà nước đối với nhiệm vụ quốc phòng – an ninh, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ông Nguyễn Kiêm Phúc phát biểu khai giảng khóa học
Để khóa học có chất lượng và hiệu quả, ông Nguyễn Kiêm Phúc đề nghị Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh quận Cầu Giấy trong công tác tổ chức, quản lý, giảng dạy lớp học; Các học viên nghiêm túc chấp hành nội quy của lớp học, tích cực nghiên cứu, trao đổi và thảo luận trong thời gian học tập và thực hiện đầy đủ về chương trình học tập của giảng viên đề ra.
Được biết, từ ngày 26 – 28/8/2015, các học viên sẽ được nghiên cứu 6 chuyên đề chính và 4 chuyên đề bổ trợ. Cụ thể, 6 chuyên đề chính tập trung vào các nội dung: Chiến tranh nhân dân Việt Nam bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới; Phòng chống chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch đối với Cách mạng Việt Nam; Một số vấn đề kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường củng cố quốc phòng – an ninh; Quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo và biên giới quốc gia Việt Nam trong thời kỳ mới; Xây dựng, hoạt động của lực lượng tự vệ, dự bị động viên ở cơ quan đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; Một số vấn đề cơ bản bảo đảm an ninh chính trị, tư tưởng, văn hóa, kinh tế, xã hội trong tình hình mới.
4 chuyên đề bổ trợ gồm: Nội dung cơ bản của các Luật: Quốc phòng, An ninh quốc gia, Nghĩa vụ quân sự, Dân quân tự vệ và Pháp lệnh Dự bị động viên; Vũ khí công nghệ cao và cách phòng tránh đánh trả địch tiến công hỏa lực bằng vũ khí công nghệ cao; Một số vấn đề cơ bản về dân tộc, tôn giáo và đấu tranh chống địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam; Các trạng thái quốc phòng, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng./.
M. Thuý