(kiemtoannn.gov.vn) – Chiều ngày 22/7/2015, tại trụ sở Kiểm toán Nhà nước (KTNN), đồng chí Nguyễn Hữu Vạn - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã chủ trì Hội nghị Tổng kết công tác xây dựng Luật KTNN (sửa đổi).
Hội nghị có sự tham dự của đồng chí Đỗ Bình Dương – nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Tổng Kiểm toán Nhà nước; đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Tổng Kiểm toán Nhà nước; các đồng chí đại diện Lãnh đạo Ủy ban Tài chính và Ngân sách, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Ban soạn thảo; Tổ biên tập Luật KTNN (sửa đổi). Về phía KTNN có đại diện Lãnh đạo KTNN và Lãnh đạo các đơn vị có trụ sở tại Hà Nội.
Tổng kết, đánh giá công tác xây dựng Luật KTNN (sửa đổi), tại Hội nghị, đồng chí Cao Tấn Khổng - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước khẳng định: Luật KTNN (sửa đổi) được ban hành là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế, tài chính, là công cụ pháp lý của KTNN để tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; góp phần làm minh bạch và lành mạnh hoá nền tài chính quốc gia. Từ năm 2011, cùng với việc xây dựng đề án bổ sung địa vị pháp lý của KTNN trong Hiến pháp trình Quốc hội, KTNN đã đồng thời tiến hành tổng kết thi hành Luật KTNN năm 2005. Qua công tác tổng kết đã chỉ ra những tồn tại, bất cập của Luật KTNN, từ đó, đề xuất Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa dự án sửa đổi, bổ sung Luật KTNN vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII.
Thực hiện Nghị quyết số 20/2011/QH13 ngày 26/11/2011 của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã giao KTNN chủ trì xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN và thành lập Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN, gồm 10 thành viên do Tổng Kiểm toán Nhà nước làm Trưởng Ban và các thành viên gồm: Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Tài chính; Phó Viện trưởng, Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội; Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế KTNN. Giúp việc Ban soạn thảo là Tổ biên tập gồm 27 thành viên của các cơ quan, tổ chức, bộ, ngành ở trung ương và một số công chức có kinh nghiệm của KTNN.
Từ kết quả tổng kết thi hành Luật và quy định của Hiến pháp, với quan điểm kế thừa những quy định còn phù hợp, khắc phục hạn chế của Luật KTNN năm 2005, bám sát thực tiễn của Việt Nam và tham khảo luật KTNN các nước trên thế giới, KTNN đã rà soát từng chương, điều, khoản của Luật năm 2005. Trên cơ sở đó, xây dựng dự thảo Luật KTNN và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi từ công chức, viên chức, người lao động trong ngành đến các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương; HĐND, UBND và Đoàn đại biểu quốc hội các tỉnh, thành phố; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài ngành... Các ý kiến góp ý về Luật KTNN (sửa đổi) đã được KTNN nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa.
Sau khi hoàn thiện, Dự án Luật KTNN (sửa đổi) đã được gửi xin ý kiến của Chính phủ và trình Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội thẩm tra theo quy định. Tiếp thu ý kiến của Chính phủ, ý kiến của cơ quan thẩm tra, tháng 9/2014, KTNN đã hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIII.
Ngay sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII KTNN đã phối hợp với Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội; tổ chức khảo sát thực tế tại một số địa phương để hoàn thiện dự án Luật trình quốc hội thông qua. Ngày 24/6/2015, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIII đã biểu quyết thông qua dự án Luật KTNN (sửa đổi) với 434/438 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành đạt 99,1%.
Tổng KTNN Nguyễn Hữu Vạn trao tặng Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng dự án Luật
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn trân trọng cảm ơn các cơ quan Trung ương, Bộ, ngành, các tập thể, cá nhân, các đồng chí nguyên Lãnh đạo KTNN đã luôn quan tâm, theo sát việc xây dựng dự án Luật KTNN (sửa đổi). Đồng thời, biểu dương các thành viên trong Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xây dựng dự án Luật trình Quốc hội đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ. Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh: "Luật KTNN (sửa đổi) được thông qua vào ngày 24/6/2015 tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIII đã đặt dấu mốc quan trọng trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật nhà nước nói chung và lĩnh vực tài chính, ngân sách nói riêng. Đây là sự kiện trọng đại của KTNN tiếp theo sự kiện địa vị pháp lý của KTNN và Tổng Kiểm toán Nhà nước được Hiến định trong Hiến pháp năm 2013. Luật KTNN (sửa đổi) đã kịp thời cụ thể những quy định về KTNN trong Hiến pháp, đồng thời, khắc phục những tồn tại, bất cập của Luật KTNN hiện hành, tạo tiền đề cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực hoạt động KTNN".
Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, để Luật KTNN sớm đi vào cuộc sống, KTNN đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật, trong đó đã đặt ra nhiệm vụ cấp bách, cần khẩn trương triển khai, đó là: Thực hiện tốt việc phổ biến nội dung Luật, nhất là những nội dung được sửa đổi, nội dung mới đến toàn thể công chức, viên chức, kiểm toán viên, người lao động trong toàn ngành; Tăng cường các chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền về Luật KTNN (sửa đổi) trên Báo Kiểm toán, Trang thông tin điện tử của KTNN; Rà soát, ban hành hoặc trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành được giao trong Luật.
Tại Hội nghị, đại diện Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đã phát biểu tổng kết, đánh giá quá trình xây dựng dự án Luật KTNN (sửa đổi). Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn đã trao tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng dự án Luật. Tổng Kiểm toán Nhà nước bày tỏ mong muốn, thời gian tới KTNN tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan tổ chức cá nhân đối với việc triển khai thực hiện, đưa Luật KTNN vào thực tiễn cuộc sống./.
Hà Linh