Xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016

(kiemtoannn.gov.vn)- "Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tốc độ tăng trưởng hợp lý, kinh tế phát triển bền vững; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng…" là những nội dung chính của mục tiêu tổng quát được đề cập trong Chỉ thị về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế(GDP) trên 6,5%

Về định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, Chỉ thị nêu rõ, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) trên 6,5%.

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, khuyến khích nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu đối với những mặt hàng không thiết yếu; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020.
Đồng thời, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ các giải pháp, mục tiêu được nêu tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực: thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, bảo hiểm xã hội theo hướng tạo thuận lợi ở mức cao nhất cho người dân và doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trong đó tập trung vào cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện các biện pháp tăng cường bảo đảm ổn định các cân đối vĩ mô và kiểm soát lạm phát; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; chủ động thực hiện các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng hiệu quả…

Cùng với đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ; phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng. Tập trung giảm nghèo bền vững.Chủ động, tích cực phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực y tế.Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; thực hiện tốt chính sách dân tộc và tôn giáo.

Tăng cường quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, vi phạm pháp luật trong hoạt động công vụ; tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

Dự toán thu NSNN từ thuế, phí khoảng 19% GDP
Về nhiệm vụ xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, Chỉ thị nêu rõ, dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2016 phải được xây dựng tích cực và đúng chính sách, chế độ hiện hành; tính toán cụ thể các yếu tổ tăng, giảm thu do thực hiện các văn bản pháp luật về thuế mới sửa đổi, bổ sung và thực hiện lộ trình cắt giảm thuế theo các cam kết quốc tế. Đồng thời tăng cường kiểm tra thanh tra việc kê khai thuế thuế của các tổ chức, cá nhân nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ số thuế phải nộp; chỉ đạo quyết liệt chống thất thu, thu số thuế nợ đọng từ các năm trước, các khoản thu từ các dự án đầu tư đã hết thời gian ưu đãi, các khoản thu được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán…

Trên cơ sở đó, Chính phủ đặt mục tiêu huy động vào ngân sách nhà nước năm 2016 từ thuế, phí khoảng 18 - 19% GDP. Dự toán thu nội địa (không kể thu từ sử dụng đất) phấn đấu tăng bình quân tối thiểu từ 15% trở lên so với đánh giá ước thực hiện năm 2015 (loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách). Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu phấn đấu tăng bình quân tối thiểu 6-8% so với đánh giá ước thực hiện năm 2015. Mức tăng thu cụ thể tuỳ theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương.

Đối với dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2016, Chỉ thị nêu rõ, trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, các Bộ, ngành trung ương và địa phương cần quán triệt quan điểm triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; lập dự toán chi ngân sách nhà nước theo đúng các quy định của pháp luật về chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách nhà nước.
Cụ thể, Chính phủ chỉ đạo chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giữ tỷ trọng trên tổng chi ngân sách nhà nước ở mức hợp lý, phấn đấu bố trí tổng mức theo nguyên tắc: vay bù đắp bội chi từ nguồn vốn trong nước và vốn vay ODA cho đầu tư phát triển theo cam kết với các nhà tài trợ…

Việc bố trí vốn kế hoạch chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước phải thực hiện đúng quy định của Luật Đầu tư công, trong đó chỉ bố trí vốn cho các chương trình, dự án đã dự kiến đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020; ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ đầu tư theo hình thức đối tác công tư; đối ứng cho các dự án ODA; thanh toán trả nợ đọng xây dựng cơ bản và hoàn vốn đã ứng trước…

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương cần xây dựng dự toán chi thường xuyên các lĩnh vực theo đúng định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước và các chính sách, chế độ, định mức hiện hành; ưu tiên tăng chi cho quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; ưu tiên bố trí chi ngân sách cho một số lĩnh vực quan trọng theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội...

Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu, bố trí chi cho các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu (cả chi đầu tư và chi thường xuyên) theo quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền cho giai đoạn 2016-2020, khả năng cân đối ngân sách nhà nước và các nguyên tắc, tiêu chí định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020.

Đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, cần thực hiện dự toán NSNN năm 2016 theo đúng trình tự, quy định của Luật ngân sách nhà nước, Luật đầu tư công, Luật quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Các chương trình, dự án được bố trí vốn phải là các chương trình, dự án đã có điều ước quốc tế hoặc Hiệp định về vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã được ký kết với các nhà tài trợ nước ngoài.

Đối với dự án đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, Chỉ thị yêu cầu, trong năm 2016 cần bố trí đủ số trái phiếu Chính phủ còn lại cho các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong giai đoạn 2012-2015 và bổ sung trái phiếu Chính phủ cho giai đoạn 2014-2016. Đồng thời, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để bổ sung vốn cho các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ triển khai dở dang, chưa được bố trí đủ vốn.

Ngân sách trung ương và ngân sách địa phương các cấp bố trí dự phòng ngân sách theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước để chủ động đối phó với thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh và thực hiện những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh ngoài dự toán.

Tiến độ xây dựng kế hoạch
- Trước ngày 15/6/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT); Bộ Tài chính (TC) hướng dẫn Khung kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; kế hoạch đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ và xây dựng dự toán ngân sách nhà nước của các Bộ, ngành trung ương và địa phương;
- Trước ngày 30/6/2015, các Bộ, ngành trung ương và địa phương hướng dẫn cơ quan, đơn vị cấp dưới xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và lập kế hoạch đầu tư công năm 2016, dự toán ngân sách nhà nước 2016 theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các quy định tại Chỉ thị;
- Trước ngày 31/7/2015, các Bộ, ngành trung ương và địa phương hoàn chỉnh Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2016 gửi báo cáo đến Bộ KH&ĐT, Bộ TC;
- Trước ngày 31/8/2015, Bộ KH&ĐT báo cáo Chính phủ dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự kiến sơ bộ phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công, đồng thời gửi Bộ TC để tổng hợp chung trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2016; Bộ TC báo cáo Chính phủ dự toán ngân sách nhà nước năm 2016;
- Trước ngày 20/9/2015, Bộ KH&ĐT, Bộ TC căn cứ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ hoàn thiện dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, kế hoạch đầu tư công năm 2016, báo cáo Thủ thướng Chính phủ để hoàn chỉnh trình Quốc hội…

Phương Vân