Nghiệm thu đề tài NCKH cấp Bộ “Tổ chức kiểm toán lồng ghép trong hoạt động kiểm toán ngân sách địa phương”

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 11/5/2015, tại Trung Tâm Khoa học và Bồi dưỡng cán bộ (KH&BDCB) của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) – 80 Trần Thái Tông, Hà Nội, Hội đồng khoa học của KTNN đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Tổ chức kiểm toán lồng ghép trong hoạt động kiểm toán ngân sách địa phương” do TS Lê Đình Thăng, Giám đốc Trung tâm KH&BDCB làm chủ nhiệm. GS.TS Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước là Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.


Nội dung của Đề tài “Tổ chức kiểm toán lồng ghép trong hoạt động kiểm toán ngân sách địa phương” được thiết kế với kết cấu gồm 2 chương: Khái quát chung và thực trạng tổ chức kiểm toán Ngân sách địa phương (NSĐP), kiểm toán lồng ghép trong hoạt động kiểm toán NSĐP, kiểm toán lồng ghép trong hoạt động kiểm toán NSĐP của KTNN trong thời gian qua; Giải pháp hoàn thiện tổ chức kiểm toán lồng ghép trong kiểm toán NSĐP.

Theo Ban chủ nhiệm đề tài, hiện nay, kiểm toán NSĐP của KTNN được tổ chức theo 2 hình thức chủ yếu: Kiểm toán báo cáo quyết toán tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, bao gồm 03 cấp ngân sách; Kiểm toán báo cáo quyết toán tỉnh, TP trực thuộc Trung ương kết hợp với một số chuyên đề. Việc kiểm toán lồng ghép chuyên đề trong kiểm toán NSĐP đã khắc phục tình trạng chồng chéo giữa các đoàn kiểm toán, tiết kiệm thời gian, nhân lực, chi phí và góp phần quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, việc kiểm toán lồng ghép vẫn còn nhiều bất cập từ khâu lập kế hoạch kiểm toán đến thực hiện kiểm toán và lập báo cáo kiểm toán. 

Trên cơ sở hệ thống hóa những vấn đề lý luận và phân tích thực trạng tổ chức kiểm toán lồng ghép trong kiểm toán NSĐP của KTNN trong thời gian qua, Đề tài đã nghiên cứu, đề xuất các phương hướng, giải pháp và kiến nghị hoàn thiện công tác tổ chức kiểm toán lồng ghép trong hoạt động kiểm toán NSĐP, cụ thể gồm: 07 vấn đề về các định hướng trong tổ chức kiểm toán NSĐP; Các nhóm nhóm giải pháp về kiểm toán quyết toán NSĐP và kiểm toán chuyên đề lồng ghép trong kiểm toán NSĐP; Kiến nghị những biện pháp thực hiện và đề xuất các điều kiện tổ chức thực hiện.

Đánh giá về Đề tài, các thành viên Hội đồng nghiệm thu cho rằng, Đề tài đã xác định đối tượng, phạm vi nghiên cứu phù hợp; kết quả nghiên cứu của đề tài đã đạt được những mục tiêu đề ra. Đề tài đã sử dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu phù hợp với mục đích, phạm vi nghiên cứu của đề tài. Kết cấu của đề tài hợp lý, bố cục chặt chẽ, logic.

Về mặt lý luận, Đề tài đã hệ thống hóa một số vấn đề lý luận về NSNN, kiểm toán lồng ghép trong kiểm toán NSĐP, bao gồm: Khái niệm, nội dung, yêu cầu, nguyên tắc thực hiện kiểm toán lồng ghép. Những vấn đề nghiên cứu lý luận làm cơ sở, căn cứ để nghiên cứu của đề tài. Về mặt thực tiễn, Đề tài đã đánh giá thực trạng tổ chức kiểm toán NSĐP, thực trạng kiểm toán lồng ghép trong hoạt động kiểm toán NSĐP. Qua đó, đề tài đã trình bày được những ưu điểm, hạn chế trong kiểm toán lồng ghép và chỉ ra được những nguyên nhân của các hạn chế.

Thay mặt Hội đồng nghiệm thu, GS.TS Đoàn Xuân Tiên đánh giá, NSĐP là một trong những nhiệm vụ kiểm toán phức tạp nhất trong các nhiệm vụ kiểm toán của KTNN. Để đáp ứng yêu cầu của nhà nước về quản lý NSNN, đòi hỏi KTNN, trước hết là các KTNN khu vực cần xác định, lựa chọn những phương thức tổ chức kiểm toán thích hợp để vừa đạt được mục tiêu theo nhiệm vụ thường xuyên về kiểm toán NSĐP, vừa thực hiện được các mục tiêu kiểm toán các chương trình mục tiêu quốc gia một cách hiệu quả, tiết kiệm. Một trong những giải pháp đang được KTNN thực hiện trong thời gian qua đó là tổ chức các cuộc “kiểm toán lồng ghép”. Vì vậy, việc nghiên cứu đề tài “Tổ chức kiểm toán lồng ghép trong hoạt động kiểm toán Ngân sách địa phương” vừa có giá trị khoa học vừa có ý nghĩa về mặt thực tiễn, kết quả nghiên cứu áp dụng vào thực tiễn sẽ có tác động tích cực, thúc đẩy việc nâng cao chất lượng kiểm toán của KTNN.

GS.TS Đoàn Xuân Tiên yêu cầu Ban chủ nhiệm Đề tài tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng nghiệm thu để hoàn thiện nội dung Đề tài, đặc biệt là các nội dung liên quan tới  các nguyên tắc kiểm toán lồng ghép, xác định rõ phạm vi, giới hạn, nội dung của cuộc kiểm toán lồng ghép trong một cuộc kiểm toán NSĐP; cách thức tổ chức kiểm toán lồng ghép hiệu quả nhất.

Đề tài được đánh giá đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về nội dung và hình thức của một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và đủ điều kiện nghiệm thu. Đề tài đạt loại Khá./.

Ngọc Bích