Đề tài tập trung vào nghiên cứu việc quản lý và sử dụng hữu hiệu nguồn lực tài chính góp phần quyết định hiệu quả của một doanh nghiệp Nhà nước, nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, khắc phục những bất cập và hạn chế của doanh Nhà nước. Đề tài đã áp dụng phương pháp quy nạp, diễn giải trên cơ sở tổng hợp, hệ thống hóa và phân tích các nội dung, các tiêu chí đánh giá hiệu quả, mức độ bảo toàn vốn trong DNNN.
Đề tài đã hệ thống hóa các tiêu chí đánh giá mức độ bảo toàn vốn, hiệu quả kinh doanh và phát triển bền vững của doanh nghiệp khi thực hiện kiểm toán đối với các doanh nghiệp. Ở phần thực trạng, các tác giả cũng đã đi sâu phân tích, đánh giá thực trạng việc xác lập các tiêu chí đánh giá mức độ bảo toàn vốn, hiệu quả kinh doanh và phát triển bền vững của doanh nghiệp khi thực hiện kiểm toán đối với các doanh nghiệp tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty cà phê Việt Nam và Tổng công ty 319. Từ đó đưa ra những quan điểm, định hướng rõ ràng về việc hoàn thiện các tiêu chí đánh giá mức độ bảo toàn vốn, hiệu quả kinh doanh và phát triển bền vững của doanh nghiệp khi thực hiện kiểm toán đối với các doanh nghiệp, tập trung vào một số chỉ tiêu WACC, hệ số tổng lợi nhuận hoạt động, hệ số ROI, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, đánh giá rủi ro... Các quan điểm đưa ra của đề tài được phân tích thấu đáo, có cơ sở khoa học và có sức thuyết phục, đáp ứng được yêu cầu lý luận và giá trị về mặt thực tiễn.
Để đề tài hoàn thiện và có giá trị cao hơn, theo Hội đồng nghiệm thu, đề tài có thể xem xét để bổ sung, chỉnh sửa về đối tượng nghiên cứu và ứng dụng để kết quả nghiên cứu của đề tài có giá trị khai thác lâu dài.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao thành quả nghiên cứu của Ban chủ nhiệm đề tài, đáp ứng được nội dung, yêu cầu của một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Cơ sở, với số điểm bình quân 87,5/100, đề tài xếp loại xuất sắc./.
Ngọc Ánh