Kiểm toán Nhà nước ban hành Đề cương kiểm toán chuyên đề "Việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015"

Nhằm đảm bảo thống nhất trong việc tổ chức triển khai một trong các cuộc kiểm toán quan trọng thuộc Kế hoạch kiểm toán năm 2015 của KTNN, Đề cương kiểm toán chuyên đề "Việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015" đã được Tổng KTNN ký ban hành theo Quyết số 350/QĐ-KTNN ngày 31/3/2015.

Đề cương đã nêu rõ mục tiêu, quan điểm, định hướng và giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Theo đó, mục tiêu về cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng nhằm cơ cấu lại căn bản, triệt để và toàn diện hệ thống các tổ chức tín dụng để đến năm 2020 phát triển được hệ thống các tổ chức tín dụng đa năng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình có khả năng cạnh tranh lớn hơn và dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế về hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế. Trong giai đoạn 2011 - 2015, các tổ chức tín dụng tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động; cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động; nâng cao trật tự, kỷ cương và nguyên tắc thị trường trong hoạt động ngân hàng. Phấn đấu đến cuối năm 2015 hình thành được ít nhất 1 - 2 ngân hàng thương mại có quy mô và trình độ tương đương với các ngân hàng trong khu vực.

Trên cơ sở đó, KTNN đã xác định mục tiêu kiểm toán chuyên đề "Việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015" nhằm đánh giá vai trò, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện, giám sát thực hiện Đề án; đánh giá vai trò của Bộ Tài chính trong việc xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách, quy định về thuế, phí liên quan đến các giải pháp thực hiện và các tổ chức tín dụng thực hiện Đề án; đánh giá trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong việc xây dựng và thực hiện các phương án cơ cấu lại theo các giải pháp và định hướng của Đề án; đánh giá những kết quả đã đạt được, chưa đạt được, những khó khăn vướng mắc bất cập trong quá trình thực hiện Đề án, để đưa ra các kiến nghị với các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước khác có liên quan.

Đồng thời, để đạt được mục tiêu kiểm toán trên, Đề cương cũng xác định các nội dung kiểm toán chủ yếu khi triển khai kiểm toán, đó là tập trung đánh giá trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong việc triển khai thực hiện Đề án trong đó đi sâu đánh giá tình hình phân loại thống kê nợ xấu của các tổ chức tín dụng; sở hữu chéo; việc ban hành cơ chế chính sách của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính; công tác xây dựng và phê duyệt và triển khai phương án cơ cấu lại của các tổ chức tín dụng.

Tại Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính, kiểm toán sẽ tập trung đánh giá vai trò, trách nhiệm của hai cơ quan trong việc tổ chức thực hiện Đề án.

Tại các tổ chức tín dụng: đối với các Ngân hàng thương mại nhà nước, kiểm toán đánh giá sự phù hợp của Phương án cơ cấu lại Ngân hàng thương mại Nhà nước đối với các định hướng và giải pháp của Đề án. Đối với các Ngân hàng TMCP, công ty tài chính và cho thuê tài chính của Việt Nam, kiểm toán đánh giá sự phù hợp của Phương án cơ cấu lại của TCTD đối với các định hướng và giải pháp của Đề án; kiểm toán đánh giá việc tổ chức thực hiện Phương án cơ cấu lại đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Kiểm toán, đánh giá kết quả của Phương án cơ cấu lại tính đến hết năm 2014. Đối với Quỹ tín dụng nhân dân, kiểm toán đánh giá việc chuyển đổi Quỹ Tín dụng Nhân dân Trung ương sang hoạt động theo mô hình ngân hàng hợp tác xã.

Đề cương cũng xác định rõ các phương án tổ chức triển khai kiểm toán tại các ngân hàng và các tổ chức tín dụng đảm bảo cải cách hành chính và đảm bảo chất lượng kiểm toán./.

Thùy Linh