Đề cương kiểm toán xác định các Đoàn kiểm toán khi thực hiện kiểm toán phải đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành, việc phối hợp của các cơ quan trung ương, địa phương trong tổ chức thực hiện Chương trình, đánh giá tính hợp lý của việc phân bổ nguồn lực của Chương trình cho các nhiệm vụ theo thứ tự ưu tiên, tính tuân thủ pháp luật, tính đúng đắn, trung thực, hợp lý của số liệu tổng hợp quyết toán nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương bố trí trực tiếp cho Chương trình giai đoạn 2010-2014. Qua kết quả kiểm toán, các đoàn kiểm toán phải đề xuất các giải pháp chủ yếu khắc phục hạn chế trong quá trình quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện Chương trình, kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý tài chính-kế toán như: sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách liên quan đến Chương trình nhằm sử dụng nguồn vốn tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, một trong những mục tiêu quan trọng của cuộc kiểm toán là nhằm phát hiện kịp thời các hành vi tham nhũng, lãng phí và sai phạm trong quản lý, sử dụng kinh phí Chương trình, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các sai phạm, kiến nghị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Để thực hiện được mục tiêu trên, công tác kiểm toán cần tập trung vào các nội dung chủ yếu như: kiểm toán công tác chỉ đạo thực hiện Chương trình cụ thể là sự phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan trong xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện, việc xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm về mục tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp và nhu cầu kinh phí thực hiện Chương trình và việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Chương trình. Ngoài ra, các đoàn kiểm toán cần chú trọng kiểm toán việc xây dựng cơ chế, chính sách, hướng dẫn xây dựng các đề án, dự án để thực hiện các nội dung theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới đặc biệt là các đề án “Quy hoạch xây dựng nông thôn mới”, đề án “Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội”, đề án “Chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập”, đề án “Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn”, đề án “Cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn”. Trong quá trình kiểm toán, nếu cần thiết các Tổ kiểm toán sẽ thực hiện đối chiếu số liệu về nguồn vốn hỗ trợ, quyết toán thực hiện chương trình tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước và các Bộ, ngành liên quan.
Với mục tiêu trên, Kiểm toán Nhà nước dự kiến sẽ thực hiện kiểm toán tại Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (cơ quan thường trực Chương trình) và kiểm toán tại các Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh, các Sở, ngành chuyên môn được giao kinh phí liên quan đến các nội dung của cuộc kiểm toán, các huyện, thị xã thuộc tỉnh, Các Chủ đầu tư dự án (xã, Ban quản lý dự án....) các đơn vị quản lý và sử dụng vốn và kiểm toán chọn mẫu tại xã có Đề án xây dựng nông thôn mới.
Tổng KTNN giao KTNN chuyên ngành II chủ trì thành lập Đoàn kiểm toán thực hiện kiểm toán tại Bộ NN&PTNT và các Bộ, ngành liên quan, thực hiện đối chiếu số liệu tại Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và Kho bạc nhà nước và kiểm toán chi tiết tại một số địa phương. Đối với các KTNN Khu vực tại mỗi đoàn kiểm toán ngân sách tại các địa phương phải thành lập 01 Tổ kiểm toán riêng để thực hiện kiểm toán tổng hợp, chi tiết Chuyên đề này.
Đề cương, hồ sơ, mẫu biểu kiểm toán đối với cuộc kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2014 được ban hành và áp dụng thống nhất để giúp các kiểm toán viên thực hiện kiểm toán xác định rõ mục tiêu, nội dung, phương pháp kiểm toán, qua đó góp phần nâng cao được chất lượng cuộc kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2014./.