Hướng dẫn xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm toán tại các địa phương năm 2015

(kiemtoannn.gov.vn) - Nhằm hướng dẫn các Đoàn kiểm toán xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm toán tại các địa phương năm 2015, mới đây Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Công văn 284/KTNN – TH yêu cầu Kiểm toán trưởng, Trưởng đoàn kiểm toán thuộc Kiểm toán Nhà nước (KTNN) các khu vực quán triệt đến toàn thể công chức kiểm toán viên trong đơn vị một số chủ trương, qui định trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm toán.

Theo đó,  Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu, việc tổ chức kiểm toán ngân sách địa phương năm 2015 cần phải linh hoạt về thời gian, khoa học và hiệu quả để giảm thiểu ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương được kiểm toán. Tập trung kiểm toán để xác nhận tính đúng đắn, trung thực của Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương nhằm phục vụ cho việc phê chuẩn quyết toán ngân sách năm 2014 của Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Quốc hội. Đối với các cuộc kiểm toán chuyên đề toàn ngành, các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương năm 2014 của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải thực hiện thống nhất và toàn diện theo đề cương kiểm toán được Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành. KTNN các khu vực thực hiện nghiêm túc việc bố trí công chức kiểm toán tham gia, không tham gia hoạt động kiểm toán và xây dựng phương án tổ chức kiểm toán theo quy định tại Công văn số 77/KTNN-TH ngày 27/01/2015 và Công văn số 266/KTNN-TCCB ngày 11/3/2015 của Kiểm toán Nhà nước trên nguyên tắc “Lồng ghép về tổ chức hoạt động kiểm toán, không lồng ghép nội dung và báo cáo kiểm toán”.

Công văn 284 cũng đã quy định cụ thể về phạm vi kiểm toán  ngân sách địa phương năm 2014. Trước hết, tập trung kiểm toán tổng hợp tại 05 cơ quan quản lý tổng hợp ở địa phương (Cục Thuế, cơ quan Hải quan, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước) theo Đề cương kiểm toán được Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành để xác nhận tính đúng đắn, trung thực của Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương. Trong quá trình kiểm toán tại 05 cơ quan quản lý tổng hợp ở địa phương nếu phát sinh nhu cầu đối chiếu, xác nhận số liệu tại các đơn vị dự toán cấp tỉnh; các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; các đơn vị có nghĩa vụ với NSNN, giao Kiểm toán trưởng quyết định trên cơ sở đề nghị của Trưởng đoàn kiểm toán, báo cáo Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước phụ trách và chịu trách nhiệm trước Tổng Kiểm toán Nhà nước về quyết định của mình. Đối với hoạt động kiểm toán chi sự nghiệp khuyến nông, khuyến công, ngoài việc kiểm toán tổng hợp tại các cơ quan quản lý tổng hợp ở địa phương, các Đoàn kiểm toán căn cứ thông tin thu thập để đề xuất đơn vị, đầu mối dự kiến kiểm toán chi tiết phù hợp với trọng tâm và mục tiêu kiểm toán của Đoàn kiểm toán (Sở NN&PTNT, Sở Công thương; quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh…). Đối với hoạt động kiểm toán chi đầu tư xây dựng, ngoài việc kiểm toán tổng hợp chi đầu tư xây dựng tại các cơ quan tổng hợp theo Đề cương kiểm toán được Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành, các Đoàn kiểm toán căn cứ thông tin thu thập để lựa chọn các dự án đầu tư để tổ chức kiểm toán chi tiết phù hợp với trọng tâm và mục tiêu kiểm toán của Đoàn kiểm toán.
 
Công văn 284 cũng chỉ rõ, để thực hiện đầy đủ, toàn diện các nội dung kiểm toán theo Đề cương kiểm toán được Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành đối với hoạt động kiểm toán các chuyên đề toàn ngành, ngoài việc kiểm toán tổng hợp tại các cơ quan quản lý tổng hợp ở địa phương, các Đoàn kiểm toán căn cứ thông tin thu thập để đề xuất đơn vị, đầu mối dự kiến kiểm toán chi tiết phù hợp với trọng tâm và mục tiêu kiểm toán của Đoàn kiểm toán (đơn vị dự toán cấp tỉnh; các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh…).

Theo hướng dẫn tại Công văn 284, thời gian và nhân lực kiểm toán phải được xác định theo từng chủ đề kiểm toán phù hợp với mục tiêu, nội dung, phạm vi kiểm toán và giảm thiểu ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương được kiểm toán. Trong đó, đối với việc kiểm toán quyết toán ngân sách địa phương, thời gian kiểm toán trong khoảng thời gian từ 45 - 60 ngày, với lực lượng kiểm toán viên từ 15-20 người.  Ưu tiên bố trí kiểm toán ngân sách địa phương vào khoảng thời gian khi kết thúc kiểm toán địa phương đã có báo quyết toán ngân sách để có đủ căn cứ xác nhận tính đúng đắn, trung thực của Báo cáo quyết toán. Trường hợp kết thúc kiểm toán, UBND tỉnh, thành phố chưa có báo cáo quyết toán trình HĐND phê chuẩn, Đoàn KTNN lập dự thảo báo cáo kiểm toán, tổ chức thẩm định, xét duyệt và lấy ý kiến tham gia của đơn vị theo đúng quy định hiện hành nhưng chỉ phát hành báo cáo kiểm toán khi UBND tỉnh, thành phố đã có báo quyết toán ngân sách trình HĐND phê chuẩn./.