Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Giải pháp nâng cao chất lượng khảo sát và lập kế hoạch kiểm toán của KTNN”

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 24/12/2014, tại Hà Nội, Hội đồng khoa học KTNN tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Giải pháp nâng cao chất lượng khảo sát và lập kế hoạch kiểm toán của KTNN” do PGS.TS Lê Huy Trọng – Vụ trưởng Vụ Pháp chế làm chủ nhiệm. TS Vũ Văn Họa - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước là Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.


Theo Ban chủ nhiệm đề tài, lập kế hoạch kiểm toán là giai đoạn đầu tiên trong quy trình kiểm toán của KTNN, mang ý nghĩa định hướng cho các công việc tiếp theo và chuẩn bị các điều kiện cho cuộc kiểm toán được tiến hành. Kế hoạch kiểm toán phù hợp là tiền đề cho sự thành công và đem lại lợi ích cho hoạt động kiểm toán. Vì vậy, thực hiện đề tài “Giải pháp nâng cao chất lượng khảo sát và lập kế hoạch kiểm toán của KTNN” là cần thiết, quan trọng, có tính thời sự trên cả hai phương diện khoa học và thực tiễn.

Với việc sử dụng các phương pháp nghiên cứu truyền thống trong đó nhấn mạnh đến phương pháp tổng hợp, phân tích, đối chiếu kết hợp với khảo sát thực tế, đề tài đã tập trung nghiên cứu tổng quan về lý luận, đánh giá thực trạng khảo sát, lập kế hoạch kiểm toán của KTNN; đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khảo sát và lập kế hoạch kiểm toán của KTNN.

Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao ý nghĩa của vấn đề mà nhóm tác giả nghiên cứu cũng như những kết quả mà đề tài đã thực hiện. Tuy nhiên để đề tài có giá trị khoa học cao hơn, Hội đồng nghiệm thu đề nghị nhóm tác giả phân định rõ phạm vi nghiên cứu của đề tài để xây dựng kết cấu, nội dung đề tài cho phù hợp. Cụ thể, nếu phạm vi nghiên cứu của đề tài là khâu tổ chức khảo sát, thu thập thông tin để lập kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán, theo đó nội dung nghiên cứu, trình bày cần tập trung vào việc tổ chức thực hiện khảo sát, thu thập thông tin. Nếu phạm vi nghiên cứu bao gồm cả khâu khảo sát, thu thập thông tin và lập kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán, ngoài đối tượng nghiên cứu là quá trình tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, đề tài còn phải nghiên cứu các bước công việc khác trong quá trình lập kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán như đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu kiểm toán, xây dựng mục tiêu, nội dung, phạm vi, giới hạn kiểm toán và bố trí nhân sự của cuộc kiểm toán… Như vậy đề tài cần bổ sung kết quả nghiên cứu theo từng khâu trong quá trình lập kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán.

Cũng theo Hội đồng nghiệm thu, nội dung của các chương cần được trình bày tách bạch, rõ nét hơn; đề tài cần bổ sung nội dung “Kinh nghiệm của thế giới về khảo sát, lập kế hoạch kiểm toán”; nội dung của các giải pháp cần được đề cập sâu hơn, trong đó chú trọng vào những giải pháp mang tính tác nghiệp theo định hướng lập kế hoạch kiểm toán gắn với việc xác định trọng yếu và rủi ro kiểm toán.

Với những đánh giá và góp ý của Hội đồng nghiệm thu, để đảm bảo hiệu quả nghiên cứu của đề tài, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khảo sát, thu thập thông tin và lập kế hoạch kiểm toán, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban chủ nhiệm đề tài tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện báo cáo nghiên cứu.  

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại khá./.