Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Vương Đình Huệ - Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam tuy đã đạt một số kết quả bước đầu, nhưng việc xây dựng và triển khai Đề án gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh còn chậm. Kết quả về cơ cấu lại “tổng thể” và các “trọng tâm” của nền kinh tế Việt Nam hiện chưa đủ sức tạo ra chuyển biến rõ nét trong đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. "Mục tiêu của Tọa đàm cần tập trung, thảo luận, đề xuất các giải pháp lớn nhằm đẩy mạnh thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế" - ông Vương Đình Huệ nói.
Đánh giá về nguyên nhân của những khó khăn trong quá trình thực hiện tái cơ cấu kinh tế với 3 trọng tâm là đầu tư công, DNNN, các tổ chức tài chính và ngân hàng, ông Nguyễn Hữu Vạn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, trước hết là do chưa xác định được toàn diện mối quan hệ giữa tái cơ cấu ba lĩnh vực trọng tâm và tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, sự phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực ở trung ương và giữa trung ương với địa phương, sự triển khai của các chủ thế tái cơ cấu còn lúng túng và thiếu đồng bộ. Mặt khác, do quá trình tái cơ cấu DNNN và tái cơ cấu hệ thống các Tổ chức tín dụng chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chủ trì là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Kỷ luật, kỷ cương không nghiêm, tùy tiện trong các khâu chủ trương đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, phân bổ vốn đầu tư, giám sát, đánh giá hiệu quả đầu tư…trong đầu tư công cũng là lý do hạn chế hiệu quá của tái cơ cấu nền kinh tế.
Tham luận tại Tọa đàm, ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, để xác định được mô hình tăng trưởng nền kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới, cần phải căn cứ vào hàng loạt các yếu tố như: Chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam;Cơ cấu nền kinh tế; Mối quan hệ giữa tăng trưởng và tính bền vững của nền kinh tế; Mối quan hệ giữa phát triển sản xuất trong nước và huy động các nguồn lực từ bên ngoài; Thế chế vận hành của nền kinh tế. “Trên cơ sở đó, bên cạnh 03 lĩnh vực trọng tâm, cần bổ sung thêm những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm khác để tái cơ cấu thành công nền kinh tế Việt Nam” - ông Vũ Khoan phát biểu.
Đồng quan điểm với nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, tiến sỹ Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc tập trung vào 3 lĩnh vực trọng điểm tái cơ cấu mới chỉ là tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trước mắt, để ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện lấy lại đà tăng trưởng, thực hiện được bước đầu tái cơ cấu. Theo tiến sĩ Lưu Bích Hồ: “Cốt lõi của tái cơ cấu là cần đưa cơ cấu kinh tế chuyển sang một cấp độ mới với những yếu tố chiều sâu chiếm vị trí chi phối”.
Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, điểm mấu chốt để chuyển đổi mô hình kinh tế là cần phải “Chuyển đổi mạnh mẽ, nhất quán sang nền kinh tế thị trường. Cần xây dựng được thể chế và bộ máy nhà nước có năng lực nội sinh để tự đổi mới và có nội lực để nuôi dưỡng, nâng đỡ những đổi mới, sáng tạo của nền kinh tế”.
Trao đổi về lĩnh vực tái cơ cấu đầu tư công, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn cho rằng, cần ưu tiên đầu tư cho khoa học – công nghệ và phát triển nguồn nhân lực vì đây là yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành bại của quá trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, để sử dụng đầu tư công như một công cụ hữu hiệu của tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, đề nghị Quốc hội khẩn trương xây dựng và ban hành Luật quy hoạch để có căn cứ xây dựng các chương trình và kế hoạch đầu tư trung và dài hạn, đảm bảo kỷ cương và tính thống nhất trong quy hoạch và đầu tư.
Tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong ngành nông nghiệp cũng là nội dung được quan tâm tại buổi Tọa đàm. Theo tiến sỹ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn, có thể coi đổi mới thể chế nông nghiệp là giải pháp áp dụng được rộng rãi để phát triển mọi vùng, miền, ngành nghề, chứ không nhất thiết phải là những ngành có lợi thế đặc biệt. Trong giai đoạn hiện nay, cần nhắm vào 03 đối tượng chính là hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Theo Giáo sư, tiến sỹ Đỗ Hoài Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam: Cần ưu tiên phát triển khoa học công nghệ ứng dụng vào nông nghiệp, nông thôn. Cần coi nông nghiệp là tác nhân quan trọng để thực hiện tốt quá trình tái cấu trúc.
Phát biểu kết thúc Tọa đàm, ông Vương Đình Huệ - Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nói: “Những ý kiến quý báu của các đại biểu tham luận, trao đổi tại Tọa đàm sẽ giúp Ban Kinh tế Trung ương có thêm những cơ sở, luận cứ thực tiễn nhằm tham mưu cho Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư một số vấn đề lớn, chiến lược về đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế trong giai đoạn tới của Việt Nam”./.