Dự án có tổng kinh phí gần 2,5 triệu USD, do Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội chủ trì thực hiện với sự tham gia của Hội đồng Dân tộc, một số cơ quan của Quốc hội, Bộ Tài chính và Hội đồng nhân dân 30 tỉnh, thành phố trong cả nước. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 3/2013 đến tháng 12/2014.
Dự án sẽ giúp Ủy ban Tài chính-Ngân sách, Hội đồng dân tộc và Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện đầy đủ vai trò của mình trong việc quyết định phân bổ, giám sát ngân sách Nhà nước. Cụ thể, dự án sẽ cung cấp thông tin dữ liệu, kết quả nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến ngân sách, đặc biệt là tác động đến nhóm dân cư, nhằm giúp các đại biểu quốc hội và Ủy ban Tài chính-Ngân sách thực hiện hiệu quả chức năng ra quyết định và giám sát ngân sách.
Dự án cũng sẽ hỗ trợ Hội đồng Dân tộc trong công tác giám sát việc thực hiện các chính sách và chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số cũng như quá trình chi tiêu ngân sách của các bộ, ngành, chính quyền địa phương ở các vùng dân tộc, miền núi.
Thông qua dự án, Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố sẽ được chuẩn bị đầy đủ năng lực cần thiết để thực hiện hiệu quả thẩm quyền ngày càng tăng lên của mình. Dự án sẽ tổ chức tập huấn các đại biểu Hội đồng Nhân dân về các vấn đề cụ thể như phương pháp dự toán thu ngân sách, đánh giá các dự án hạ tầng cơ sở và phân tích các dự án đầu tư dựa trên các kỹ thuật phân tích kinh tế. Các khóa tập huấn sẽ chú trọng cung cấp kiến thức và kỹ năng đánh giá tác động của các dự án công đối với các tỉnh để các đại biểu có thể ra những quyết định đúng đắn vì sự phát triển bền vững của địa phương.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Đinh Văn Nhã, Dự án hợp tác quốc tế này là cơ hội tốt cho việc hoàn thiện năng lực thể chế và năng lực con người của các cơ quan dân cử dựa vào kinh nghiệm thực tiễn và kiến thức của các quốc gia trên thế giới.
Kể từ tháng 3/2013 đến nay, dự án đã triển khai 24 hội thảo, hội nghị, tọa đàm; 6 nghiên cứu; 10 khóa tập huấn, đào tạo trong nước và nước ngoài; 1 chuyến khảo sát học tập kinh nghiệm nước ngoài; Phát hành 3 đầu sách về: Phân tích chi tiêu công, Sổ tay quốc tế về quản lý tài chính công, Quản lý ngân sách địa phương được dịch từ các tác giả là những chuyên gia nổi tiếng nước ngoài, phát hành tới các đối tượng có liên quan các cấp. Được biết, tổng số người được hưởng lợi trực tiếp từ các hoạt động của dự án là 2,089 lượt người.
Dự án là bước tiếp nối thành công trong 10 năm qua giữa Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội và UNDP. Những nội dung của dự án cần đảm bảo phù hợp với những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước như Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, chiến lược tài chính đến năm 2020, chiến lược cải cách hệ thống thuế, chiến lược phát triển bền vững.
Hội thảo đã nghe các báo cáo tham luận của Vụ Tài chính Ngân sách (UB TCNS của Quốc hội), Vụ Dân tộc - Văn phòng Quốc hội, HĐND thành phố Hải Phòng, Hậu Giang về những kinh nghiệm và bài học từ việc tham gia các hoạt động của dự án; đánh giá tác động của dự án trong công tác nâng cao năng lực giám sát về lĩnh vực tài chính, ngân sách cho đại biểu Quốc hội, các cơ quan dân cử Việt Nam; Những kinh nghiệm và bài học có được từ các hoạt động nghiên cứu của dự án; Kế hoạch duy trì và phát triển các kết quả dự án.
Phát biểu tại Hội thảo, đại diện UNDP nêu rõ: Quốc hội cần đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong quá trình phân tích ngân sách, thông qua việc tham gia vào hoạch định dự toán ngân sách và đánh giá các ưu tiên phân bổ nguồn lực cũng như việc đánh giá tác động của các quyết định ngân sách đối với cuộc sống của người dân, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương.
Trong bối cảnh cải cách tài chính công hiện nay cần ưu tiên nâng cao năng lực của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân trong công tác giám sát ngân sách, tăng cường nhận thức của người dân, tính minh bạch liêm chính và trách nhiệm giải trình./.