KTNN hướng dẫn đánh giá công chức, viên chức và người lao động năm 2014

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 5/12/2014, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn đã ký và ban hành công văn số 1405/KTNN-TCCB, gửi các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước (KTNN) về việc: "Hướng dẫn đánh giá công chức, viên chức và người lao động năm 2014".


Theo đó, công chức (không bao gồm Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước), viên chức và người lao động hợp đồng theo Nghị định 68 trong các đơn vị trực thuộc KTNN là đối tượng thực hiện đánh giá công chức, viên chức và người lao động năm 2014.
 
Việc đánh giá phải đảm bảo dân chủ, khách quan, công bằng, minh bạch, toàn diện theo nguyên tắc tập trung dân chủ; đúng phẩm chất và năng lực của công chức, viên chức. Phát huy đầy đủ trách nhiệm của tập thể cấp uỷ, lãnh đạo đơn vị và cá nhân. Kết quả, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ của công chức, viên chức là thước đo chủ yếu trong đánh giá. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về kết quả nhận xét, đánh giá, phân loại đối với công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý. Công chức, viên chức phải chịu trách nhiệm về kết quả tự nhận xét, đánh giá, phân loại của mình.
 
Trách nhiệm và thẩm quyền đánh giá được quy định rõ:
 
Công chức, viên chức căn cứ chức trách, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tự nhận xét, đánh giá.
 
Thủ trưởng đơn vị đánh giá, phân loại và thông báo kết quả phân loại đối với công chức, viên chức từ cấp Phó Vụ trưởng và tương đương trở xuống thuộc đơn vị quản lý.
 
Tổng Kiểm toán Nhà nước đánh giá, phân loại và thông báo kết quả phân loại đối với công chức lãnh đạo là thủ trưởng các đơn vị trực thuộc (Vụ trưởng và tương đương, quyền Vụ trưởng, phụ trách Vụ).
 
Trên cơ sở các tiêu thức đánh giá, ghi tóm tắt ưu, nhược điểm nổi trội; đồng thời nêu rõ khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và chiều hướng, triển vọng phát triển.
 
Nội dung đánh giá công chức
 
Đối với công chức không là lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng và Trưởng (Phó) Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, nội dung đánh giá thực hiện theo Điều 56 Luật Cán bộ, công chức, theo tiêu chí:
 
Chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cần nêu rõ bản thân và gia đình trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương.
 
Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc: Lập trường chính trị tư tưởng của bản thân, quan hệ với đồng nghiệp và quần chúng nhân dân; giữ gìn đoàn kết nội bộ, uy tín của đồng nghiệp, cơ quan, đơn vị; Chấp hành nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị, nơi đến công tác; Việc chấp hành ngày, giờ làm việc; lối sống, sinh hoạt; việc chấp hành những quy định về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chống các biểu hiện tiêu cực khác.
 
Năng lực trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực thực tế của bản thân so với yêu cầu và vị trí công việc; năng lực phân tích, tổng hợp, đánh giá, lập báo cáo; những sáng kiến cải tiến, đề án, kế hoạch được áp dụng trong năm, các công trình nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu trong năm;  Ý thức và trách nhiệm trong học tập, bồi dưỡng; tham gia những lớp đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn nào; tự học về lĩnh vực gì; kết quả học tập, bồi dưỡng; đảm bảo sức khoẻ để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ.
 
Tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ: Nêu cụ thể kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao trong năm (những văn bản, kế hoạch, công trình nghiên cứu, tham gia các đề tài, đề án (tham gia hay chủ trì). Đánh giá cụ thể khối lượng công việc đã hoàn thành, chất lượng công việc, tiến độ giải quyết công việc so với yêu cầu (đúng hay chậm tiến độ), những hạn chế, lỗi, sai sót, vi phạm, khuyết điểm nếu có).
 
Đối với công chức làm nhiệm vụ kiểm toán hoặc tham gia hoạt động kiểm toán còn phải đánh giá số cuộc kiểm toán tham gia, việc thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của kiểm toán viên trong Đoàn (Tổ) kiểm toán của từng cuộc kiểm toán, Quy chế Tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán nhà nước và các quy định khác liên quan trong quá trình thực hiện kiểm toán; lấy kết quả thực hiện mức độ hoàn thành nhiệm vụ kiểm toán và bản đánh giá thành viên tham gia Đoàn kiểm toán (kết quả cụ thể, chất lượng kiểm toán, tiến độ thực hiện kiểm toán theo kế hoạch; những hạn chế, lỗi, sai sót, vi phạm, khuyết điểm nếu có ... trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm toán) làm cơ sở để đánh giá.
 
Tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ: Tinh thần trách nhiệm, chủ động trong công việc; Ý thức, thái độ hợp tác và phối hợp trong thực hiện công việc; giúp đỡ lẫn nhau giữa các đơn vị, bộ phận, cá nhân trong và ngoài đơn vị; Việc chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo, phân công của cấp trên.
 
Thái độ phục vụ nhân dân: Thái độ ứng xử trong mối quan hệ với cơ quan, đơn vị, tổ chức và công dân có liên quan (hoặc đơn vị kiểm toán).

Đối với công chức là lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng và Trưởng (Phó) Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, đánh giá theo các nội dung trên và bổ sung thêm các nội dung:
Năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ; Kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, bộ phận (khối lượng công việc đã hoàn thành, chất lượng công việc (chất lượng kiểm toán), tiến độ giải quyết công việc; trách nhiệm trong việc để xảy sai sót, vi phạm, khuyết điểm của công chức, viên chức trong đơn vị (nếu có); thực hiện chế độ thông tin báo cáo; Trách nhiệm của người đứng đầu, việc tổ chức triển khai thực hiện công việc và kế hoạch kiểm toán, phân công nhiệm vụ cho công chức, kiểm toán viên thuộc quyền quản lý; trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, bộ phận và của cá nhân; năng lực tập hợp, đoàn kết trong tập thể đơn vị.

Phân loại đánh giá công chức gồm: Công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ; Công chức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực; Công chức không hoàn thành nhiệm vụ.
 
Trình tự, thủ tục họp đánh giá phân loại công chức
 
Công chức lập bản tự nhận xét đánh giá, phân loại kết quả công tác năm 2014 theo nội dung đánh giá, tiêu chuẩn phân loại của hướng dẫn này và tự nhận xét ưu, nhược điểm trong công tác.
 
Đối với Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc (Vụ trưởng và tương đương, quyền Vụ trưởng, phụ trách Vụ): Do đại diện Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với thủ trưởng đơn vị tổ chức họp đánh giá công chức để lấy ý kiến góp ý nhận xét, đánh giá và tổng hợp ý kiến góp ý nhận xét, đánh giá; Thành phần họp đánh giá gồm Lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng, đại diện cấp ủy đảng, công đoàn, đoàn thanh niên của đơn vị.
 
Đối với Phó Vụ trưởng và tương đương: Thủ trưởng đơn vị chủ trì, phối hợp với cấp ủy đơn vị tổ chức họp đánh giá công chức để lấy ý kiến góp ý nhận xét, đánh giá, tổng hợp và thông qua ý kiến góp ý nhận xét, đánh giá; Thành phần họp đánh giá gồm Lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng, đại diện cấp ủy đảng, công đoàn, đoàn thanh niên của đơn vị.
 
Đối với Trưởng phòng và tương đương: Lãnh đạo đơn vị được phân công phụ trách phòng, ban chủ trì tổ chức họp kiểm điểm đánh giá đối với các công chức thuộc phòng, ban phụ trách; Thành phần cuộc họp gồm Lãnh đạo đơn vị được phân công phụ trách phòng, ban; toàn thể công chức thuộc phòng, ban.
 
Đối với Phó trưởng phòng và tương đương trở xuống thuộc đơn vị quản lý: Trưởng phòng, ban chủ trì tổ chức họp kiểm điểm đánh giá đối với các công chức thuộc phòng, ban phụ trách; Thành phần cuộc họp gồm Lãnh đạo đơn vị được phân công phụ trách phòng, ban và toàn thể công chức thuộc phòng, ban.
 
Cuộc họp đánh giá công chức gồm: Cử thư ký ghi biên bản cuộc họp; Cá nhân đọc bản tự nhận xét, đánh giá công chức năm 2014; Công chức thuộc thành phần dự họp tham gia góp ý, nhận xét; Dự kiến phân loại; thông qua kết quả tại cuộc họp.
 
Thủ tục đánh giá và phân loại công chức
 
Đối với Thủ Trưởng các đơn vị trực thuộc (Vụ trưởng và tương đương, quyền Vụ trưởng, phụ trách Vụ): Căn cứ bản tự nhận xét đánh giá của cá nhân; căn cứ biên bản cuộc họp và các ý kiến tham gia góp ý, Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp, báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước trước khi xin ý kiến nhận xét, đánh giá của Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước phụ trách đơn vị. Tổng Kiểm toán Nhà nước nhận xét, đánh giá và phân loại đối với thủ trưởng đơn vị trực thuộc (Vụ trưởng và tương đương, quyền Vụ trưởng, phụ trách Vụ), sau khi tham khảo ý kiến nhận xét, đánh giá của Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước phụ trách đơn vị và ghi ý kiến nhận xét đánh giá, thông báo kết quả nhận xét, đánh giá, phân loại công chức.
 
Đối với Phó Vụ trưởng và tương đương: Căn cứ bản tự nhận xét đánh giá của cá nhân; căn cứ biên bản cuộc họp và các ý kiến tham gia góp ý, Thủ Trưởng đơn vị nhận xét, đánh giá và phân loại.

Đối với Trưởng phòng và tương đương, Phó Trưởng phòng và tương đương, các công chức thuộc phòng, ban quản lý: Căn cứ bản tự nhận xét đánh giá của cá nhân và biên bản tổng hợp ý kiến nhận xét, đánh giá công chức; phòng, ban có công chức được đánh giá tổng hợp ý kiến nhận xét đánh giá công chức thuộc phòng, ban tại cuộc họp kiểm điểm bằng văn bản, báo cáo Thủ Trưởng đơn vị. Thủ Trưởng đơn vị sau khi tham khảo ý kiến nhận xét đánh giá của Lãnh đạo đơn vị phụ trách phòng, ban có công chức được đánh giá, sau đó ghi ý kiến nhận xét, đánh giá và kết quả phân loại công chức vào “Phiếu đánh giá công chức năm 2014” và thông báo kết quả nhận xét, đánh giá, phân loại công chức.

Nội dung đánh giá viên chức
 
Đối với viên chức không là viên chức quản lý, đánh giá theo quy định tại Khoản 1 Điều 41 Luật Viên chức.
 
Kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết: Nêu cụ thể kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao trong năm (đánh giá cụ thể khối lượng công việc đã hoàn thành, chất lượng công việc, tiến độ giải quyết công việc so với yêu cầu, những hạn chế, lỗi, sai sót, vi phạm, khuyết điểm nếu có); Việc thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp; Việc chấp hành các quy định của cơ quan, đơn vị; Tác phong, thái độ khi làm việc; ý thức tham gia các hoạt động chung của đơn vị; Lối sống, sinh hoạt; tác phong và tinh thần đoàn kết nội bộ, xây dựng tập thể đơn vị; Việc chấp hành những quy định về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chống các biểu hiện tiêu cực khác.
 
Tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, tinh thần hợp tác với đồng nghiệp và việc thực hiện nội quy, quy tắc ứng xử của viên chức: Tinh thần trách nhiệm, chủ động trong công việc; Ý thức, thái độ hợp tác và phối hợp với đồng nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ; Ý thức chấp hành sự phân công của cấp trên.

Việc thực hiện các nghĩa vụ khác của viên chức: Việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước, nêu rõ đối với bản thân và gia đình, bản thân có thực hiện tốt những điều viên chức không được làm; Tinh thần, thái độ và kết quả học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ: nói cụ thể những khóa, lớp tham gia học đào tạo và bồi dưỡng; việc quán triệt và cụ thể hóa đường lối, chủ trương và nghị quyết của Đảng vào công việc, lĩnh vực thực hiện.
 
Đối với viên chức quản lý: Ngoài các nội dung nêu trên còn được đánh giá về năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ; Kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, bộ phận (khối lượng công việc đã hoàn thành, chất lượng công việc, tiến độ giải quyết công việc); trách nhiệm trong việc để xảy sai sót, vi phạm, khuyết điểm của viên chức trong đơn vị (nếu có); thực hiện chế độ thông tin báo cáo; Trách nhiệm trong việc tổ chức triển khai thực hiện công việc thuộc quyền quản lý; việc kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện nhiệm vụ của phòng, ban, bộ phận và của cá nhân; Năng lực tập hợp, đoàn kết trong tập thể đơn vị.
 
Phân loại đánh giá viên chức gồm: Viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ; Viên chức hoàn thành nhiệm vụ; Viên chức không hoàn thành nhiệm vụ.
 
Trình tự, thủ tục đánh giá, phân loại viên chức

Viên chức lập bản tự nhận xét đánh giá, phân loại kết quả công tác năm 2014 theo nội dung đánh giá, tiêu chuẩn phân loại của hướng dẫn này và tự nhận xét ưu, nhược điểm trong công tác. Việc tổ chức họp; trình tự và thủ tục đánh giá viên chức như đối với công chức. Kết quả đánh giá hàng năm được thông báo đến từng viên chức ngay sau khi có ý kiến đánh giá, phân loại của thủ trưởng đơn vị. Viên chức có quyền được trình bày hoặc bảo lưu ý kiến đánh giá chưa đúng về bản thân, nhưng phải chấp hành ý kiến kết luận của người thẩm quyền. Trường hợp có khiếu nại về kết quả đánh giá, phân loại thì thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm xem xét, xử lý theo quy định.

Tại công văn này, Tổng Kiểm toán Nhà nước giao Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với thủ trưởng các đơn vị trực thuộc tổ chức đánh giá, lấy ý kiến phân loại đánh giá năm 2014 đối với thủ trưởng các đơn vị trực thuộc; tổng hợp ý kiến nhận xét, đánh giá, xin ý kiến lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước và tổng hợp trình Tổng Kiểm toán Nhà nước, hoàn thành xong trước ngày 10/01/2015.
 
Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc có trách nhiệm phổ biến Hướng dẫn này đến toàn thể công chức, viên chức thuộc đơn vị; Đăng ký với Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, qua Vụ Tổ chức cán bộ về thời gian tổ chức đánh giá đối với thủ trưởng đơn vị trực thuộc, trước ngày 10/12/2014;
 
Trực tiếp tổ chức thực hiện việc nhận xét, đánh giá, phân loại đối với lãnh đạo là Phó vụ trưởng và tương đương, lãnh đạo cấp phòng và tương đương trở xuống thuộc đơn vị; việc tổ chức nhận xét, đánh giá được tiến hành vào dịp bình xét thi đua và tổng kết công tác năm của đơn vị.  
 
Báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước qua Vụ Tổ chức cán bộ, trước ngày 10/01/2015 kết quả nhận xét đánh giá, phân loại công chức thuộc đơn vị quản lý.

Các đơn vị tham mưu thuộc bộ máy điều hành và các đơn vị Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành: gửi “Phiếu đánh giá của công chức” về Vụ Tổ chức cán bộ lưu hồ sơ. Các đơn vị Kiểm toán Nhà nước khu vực và các đơn vị sự nghiệp gửi “Phiếu đánh giá của công chức” của lãnh đạo cấp vụ về Vụ Tổ chức cán bộ lưu hồ sơ; lưu “Phiếu đánh giá của công chức” và  “Phiếu đánh giá của viên chức” đối với lãnh đạo cấp phòng và tương đương trở xuống thuộc đơn vị quản lý theo quy định về phân cấp./.