Tọa đàm về hoàn thiện Luật KTNN (sửa đổi)

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 2/12/2014, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức tọa đàm tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật KTNN (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. Tham dự buổi tọa đàm có các thành viên trong thường trực Tổ biên tập; đại diện một số đơn vị chức năng của KTNN và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự thảo Luật.


Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận xung quanh các quy định liên quan đến: Đối tượng kiểm toán của KTNN; Các đơn vị được kiểm toán; Giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán; Việc xử lý các hệ quả liên quan đến báo cáo kiểm toán và việc sử dụng báo cáo kiểm toán của các cơ quan nhà nước; Các hành vi bị cấm; Tiêu chuẩn của lãnh đạo KTNN; Nhiệm kỳ của Tổng KTNN; Quyền hạn, trách nhiệm của trưởng, phó đoàn, tổ trưởng, tổ phó và kiểm toán viên nhà nước; Kế hoạch kiểm toán năm trình ra Quốc hội và sự phối hợp giữa KTNN với các cơ quan nhà nước có cùng chức năng thanh tra, kiểm tra về tài chính, tài sản công…

Qua rà soát toàn bộ dự thảo Luật và xem xét, nghiên cứu ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, tổ biên tập đã thống nhất chỉnh sửa, bổ sung nhiều điều, khoản trong dự thảo Luật theo hướng phù hợp hơn với thực tiễn và đảm bảo tính khả thi cao trong quá trình thực thi Luật. Đối với các quy định liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, mục đích và đối tượng kiểm toán của KTNN, các đại biểu cho rằng cần tiếp thu, thiết kế lại nội dung theo hướng ngắn gọn song vẫn đảm bảo đầy đủ và bao quát. Các đại biểu cũng đề nghị cân nhắc bỏ quy định về địa vị pháp lý của KTNN vì đã được quy định cụ thể, rõ ràng trong Hiến pháp; bỏ quy định về áp dụng điều ước quốc tế.

Trong những quy định chung của Luật, nội dung được các đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận đó là quy định về giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán. Đây được xem là một trong những vấn đề lớn của dự thảo Luật và cũng là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Thống nhất tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, cùng với việc khẳng định “Báo cáo kiểm toán có giá trị bắt buộc thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan…”, các đại biểu đã thảo luận, phân tích và đề xuất thiết kế lại nội dung quy định về giá trị của báo cáo kiểm toán theo hướng: Đổi tên điều 8 thành “Báo cáo kiểm toán”; quy định rõ giá trị của từng loại báo cáo kiểm toán; bổ sung quy định “KTNN chịu trách nhiệm về tính đúng đắn, trung thực của báo cáo kiểm toán” nhằm nâng cao trách nhiệm của KTNN đối với báo cáo kiểm toán, đồng thời quy định cụ thể, đầy đủ hơn về giá trị của báo cáo kiểm toán đối với Chính phủ, UBND, HĐND các cấp.

Về nhiệm kỳ của Tổng KTNN, một số đại biểu cho rằng nếu nhiệm kỳ của Tổng KTNN theo nhiệm kỳ của Quốc hội thì sẽ thuận lợi cho Quốc hội trong việc bầu và phê chuẩn các chức danh thuộc thẩm quyền của mình, đồng thời đảm bảo sự thống nhất với các chức danh khác trong bộ máy nhà nước. Tuy nhiên một số ý kiến đồng tình với phương án nhiệm kỳ của Tổng KTNN là 7 năm theo Luật KTNN hiện hành.

Cũng tại buổi tọa đàm, các đại biểu cho rằng việc quy định thời hạn tối đa cho một cuộc kiểm toán là không phù hợp với thực tế hoạt động KTNN. Tổ biên tập đề nghị không quy định thời hạn kiểm toán trong dự thảo Luật. Trong quá trình thực hiện, tùy quy mô cuộc kiểm toán, thời hạn mỗi cuộc kiểm toán sẽ do Tổng KTNN quyết định khi ban hành quyết định kiểm toán của cuộc kiểm toán. Đối với quy định về đơn vị được kiểm toán, các đại biểu nhận thấy đây là vấn đề lớn do đó cần được tiếp tục nghiên cứu thêm trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của đại biểu Quốc hội.

Giải trình quan điểm của các đại biểu Quốc hội về căn cứ pháp luật để thực hiện quyền khiếu nại của đơn vị được kiểm toán trong trường hợp không đồng tình với kết luận, kiến nghị của KTNN, cơ quan soạn thảo cho rằng, KTNN đã nghiên cứu, thiết kế quy định riêng việc “kiến nghị và giải quyết kiến nghị” tại điều 78 để giải quyết những kiến nghị của đơn vị được kiểm toán. Theo đó, cấp giải quyết cao nhất là Tổng KTNN. Giải quyết kiến nghị của đơn vị được kiểm toán về những kết luận, kiến nghị trong báo cáo kiểm toán, bản chất là một dạng giải quyết khiếu nại. Do đặc thù hoạt động KTNN nên Tổng KTNN là người quyết định cuối cùng. Điều này phù hợp với quy định: báo cáo kiểm toán có giá trị bắt buộc thực hiện, báo cáo kiểm toán không phải là quyết định hành chính nên quy trình và thủ tục giải quyết cũng có đặc thù so với giải quyết khiếu nại thông thường. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Tổ biên tập dự thảo Luật và đại diện cơ quan thẩm tra đã thống nhất sẽ thiết kế, hoàn chỉnh lại quy định này theo hướng cụ thể, rõ ràng hơn.

Trên cơ sở kết quả của buổi tọa đàm, ban soạn thảo dự án Luật và cơ quan thẩm tra sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, giải trình để hoàn thiện thêm dự thảo Luật. Dự kiến, dự thảo Luật KTNN sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 33 sắp tới./.

Hà Linh