(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 26 tháng 11 năm 2014, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ tọa phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp. Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn dự phiên họp.
Các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi).
Đa số các đại biểu tán thành về việc cần thiết cần ban hành dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi) theo tinh thần Hiến pháp năm 2013: "Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công".
8 đại biểu Quốc hội: Trần Văn Minh (Quảng Ninh), Vũ Xuân Trường (Nam Định), Thân Đức Nam (Đà Nẵng), Phạm Văn Cường (Lào Cai), Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), Bùi Đức Thụ (Lai Châu), Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa), Lê Nam (Thanh Hóa) đã tham gia thảo luận trực tiếp tại hội trường về dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi). Các đại biểu lưu ý: Dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi) cần quy định rõ hơn về địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước; giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước trong việc tham gia vào quá trình quản lý ngân sách Nhà nước; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán; quy định kiểm toán công tác quản lý thu ngân sách tại cơ quan thuế để bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào Ngân sách Nhà nước, chống trốn lậu thuế. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện đơn vị có nghĩa vụ nộp thuế sai phạm sẽ kiểm toán làm rõ; khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với kết luận của Kiểm toán Nhà nước; giá trị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước đối với kết luận của từng cuộc kiểm toán...
Cho ý kiến đối với quy định về đoàn kiểm toán, một số các đại biểu đề nghị cân nhắc các nội dung về tiêu chuẩn, quyền hạn, trách nhiệm của Tổ trưởng Tổ kiểm toán. Đồng thời, dự án Luật cần quy định rõ thời hạn tối đa đối với một cuộc kiểm toán, bảo đảm minh bạch, tạo thuận lợi, chủ động cho các đơn vị được kiểm toán, tránh kéo dài gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm toán. Trường hợp đặc biệt do Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định theo từng loại hình kiểm toán.
Kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận: Tại phiên thảo luận về dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi) sáng nay, đại đa số các đại biểu đều nhất trí cần thiết phải ban hành Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi) để cụ thể hóa Điều 118 của Hiến pháp. Kiểm toán Nhà nước cần làm rõ hơn và nghiên cứu bổ sung Dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi) về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước trong việc thực hiện kết luận của các báo cáo kiểm toán; Tiêu chuẩn của Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước; Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước có theo nhiệm kỳ của Quốc hội hay dài hơn?; Quyền hạn của Trưởng, Phó Đoàn, Tổ Trưởng, Tổ Phó, Kiểm toán viên; Kế hoạch kiểm toán hành năm trình ra Quốc hội; Sự phối hợp với các cơ quan nhà nước có chức năng thanh tra, kiểm tra tài chính và tài sản công và Kiểm toán Nhà nước để tránh trùng lắp, chồng chéo; Thời hạn kiểm toán cần minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho đơn vị được kiểm toán, cần quy định thời gian tối đa cho thời hạn kiểm toán; Bổ sung căn cứ pháp lý cho hoạt động kiểm toán; Cần quy định rõ việc công khai báo cáo kiểm toán; Chức năng ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Kiểm toán Nhà nước. "Tôi đề nghị Kiểm toán Nhà nước tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi) trên cơ sở những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, phù hợp với thực tiễn hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, với thông lệ quốc tế, bảo đảm tính độc lập trong tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước theo điều 118 - Hiến pháp 2013" - Phó Chủ tịch Quốc hội nói./.
Tường Vy