(kiemtoannn.gov.vn) - Trong khuôn khổ chương trình cải cách kinh tế vĩ mô do Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ Chính phủ Việt Nam, ngày 14/11/2014, tại trụ sở Kiểm toán Nhà nước (KTNN), ông Michael Jobst chuyên gia quốc tế của Hợp phần II “Nền tài chính công” đã có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng của KTNN để tìm hiểu vai trò của KTNN trong hoạt động quản lý ngân sách nhà nước; trao đổi các nội dung về việc quy định chế định này trong dự thảo Luật NSNN (sửa đổi).
Tại buổi làm việc, ông Vũ Ngọc Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp cho biết, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 6 đã quy định về địa vị pháp lý, tính độc lập của KTNN, Tổng KTNN tại Điều 118 và một số điều liên quan (Điều 70, Điều 74, Điều 77, Điều 80, Điều 84). Trên cơ sở quy định của Hiến pháp về KTNN cùng với việc sửa đổi, bổ sung Luật KTNN, việc sửa đổi, bổ sung những nội dung về KTNN trong Luật NSNN (sửa đổi) sẽ bảo đảm sự đồng bộ và thống nhất giữa Luật KTNN với Luật NSNN, tạo cơ sở pháp lý phát huy đầy đủ vai trò của KTNN trong quản lý, sử dụng NSNN, góp phần minh bạch và lành mạnh nền tài chính quốc gia.
Theo ông Tuấn, hiện nay, KTNN có vai trò quan trọng trong việc giúp Quốc hội quyết định dự toán NSNN phù hợp với tình hình thực tế của đất nước, bảo đảm tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. Công tác kiểm toán dự toán, dự án chính là hình thức kiểm toán trước (tiền kiểm) của KTNN, đảm bảo các nguồn lực được động viên và phân bổ vào những mục tiêu mà quốc gia theo đuổi cũng như tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả của các khoản chi NSNN; tránh được những sai sót và gian lận ngay từ khi lập và phân bổ dự toán, dự án. Đồng thời, KTNN thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN các cấp, các tổ chức, đơn vị có liên quan và cung cấp kết quả kiểm toán giúp Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét phê chuẩn quyết toán NSNN. Đây là hình thức kiểm toán sau (hậu kiểm) của KTNN, không chỉ kiểm tra, xác nhận tính đúng đắn của báo cáo quyết toán NSNN; tính tuân thủ pháp luật trong quản lý, điều hành NSNN mà còn xem xét, đánh giá các khía cạnh về tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý và sử dụng NSNN.
Với việc công khai kết quả kiểm toán, KTNN cung cấp cho công chúng những thông tin quan trọng, giúp cho người dân biết rõ tình hình thu chi, quản lý, sử dụng NSNN, tài sản và công quỹ quốc gia, tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát với tư cách là chủ thể của quyền lực nhà nước. KTNN kiến nghị với Quốc hội, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các luật và cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế, tài chính cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của đất nước trong từng thời kỳ. KTNN cung cấp cho các cơ quan quản lý các thông tin về những yếu kém, bất cập trong quản lý NSNN; những tổ chức, đơn vị vi phạm chính sách, chế độ quản lý NSNN để các cơ quan quản lý đề ra các biện pháp quản lý thích hợp nhằm quản lý NSNN tốt hơn. Đối với những khoản trốn lậu thuế, các khoản chi sai chế độ mà KTNN đã phát hiện, các cơ quan quản lý có biện pháp thu hồi cho NSNN, duy trì trật tự, kỷ cương trong quản lý NSNN.
Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật NSNN (sửa đổi), ông Đặng Văn Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế đề nghị dự thảo có một điều riêng quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN trong lĩnh vực NSNN; quy định rõ phạm vi kiểm toán, không chỉ giới hạn ở các cấp ngân sách mà còn ở các tổ chức, đơn vị sử dụng NSNN; quy định việc kiểm toán sau khi quyết toán đã phê chuẩn; làm rõ căn cứ và trình tự thủ tục của việc kiểm toán sau khi quyết toán đã phê chuẩn. Về gửi báo cáo quyết toán NSNN, để thuận lợi cho công tác kiểm toán các cấp ngân sách, các cơ quan, đơn vị và tổ chức sử dụng NSNN được nhanh chóng, hiệu quả, cần có quy định về việc gửi báo cáo quyết toán cho cơ quan KTNN.
Đánh giá cao phần chia sẻ thông tin của KTNN Việt Nam tại buổi làm việc, ông Michael Jobst bày tỏ sự đồng tình với những ý kiến, quan điểm của KTNN Việt Nam về việc sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến KTNN trong Luật NSNN (sửa đổi). Chuyên gia khẳng định, những thông tin được trao đổi tại buổi làm việc với KTNN sẽ là cơ sở quan trọng cho việc tư vấn xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách về lĩnh vực quản lý ngân sách nhà nước tại Việt Nam, góp phần thực hiện thành công “Hợp phần II” của chương trình cải cách kinh tế vĩ mô Việt Nam do Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ Chính phủ Việt Nam./.