Đối với việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường và thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội); chính sách khuyến khích để mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Về chế độ hưu trí và cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội (tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng; điều chỉnh mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội). Do tuổi nghỉ hưu của nam, nữ chênh lệch 5 năm nên cần phải bảo đảm bình đẳng giới khi điều chỉnh chính sách này thông qua việc xây dựng lộ trình nâng số năm đóng bảo hiểm xã hội của nam giới từ 15 năm lên 20 năm để đạt 45% mức bình quân tiền lương tháng tính lương hưu (cụ thể: năm 2018 là 16 năm; năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm; năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm).
Về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Bảo hiểm xã hội; giao thẩm quyền thanh tra việc đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội, Nhiều ý kiến đại biểu tán thành với việc giao chức năng thanh tra cho tổ chức bảo hiểm xã hội với quan điểm đây là cơ quan nhà nước được giao trách nhiệm đối với trụ cột an sinh xã hội chủ yếu, quản lý quỹ tài chính rất lớn liên quan đến an sinh xã hội của hàng chục triệu người lao động, không phải là đơn vị sự nghiệp chuyên môn thuần túy mà là một tổ chức tài chính, được Nhà nước giao chức năng quản lý, sử dụng, đầu tư sinh lời đối với quỹ bảo hiểm xã hội và tổ chức cung cấp dịch vụ công.
Việc bổ sung chức năng thanh tra đóng bảo hiểm xã hội sẽ tạo điều kiện để nâng cao trách nhiệm của tổ chức bảo hiểm xã hội, khắc phục mạnh mẽ hơn những tồn tại hiện nay đối với việc chấp hành pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo vệ tốt hơn quyền lợi người lao động.
Quy định về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội và hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội, các đại biểu tán thành phương án quy định chi phí quản lý bảo hiểm xã hội hàng năm được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ; mức cụ thể do Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định 3 năm một lần đồng thời, hàng năm Chính phủ phải báo cáo Quốc hội tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hộiđể bảo đảm chi phí quản lý bảo hiểm xã hội được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch.
Nhiều nội dung khác liên quan về: Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và một số nội dung liên quan đến kỹ thuật lập pháp... đã được các đại biểu đề cập đến trong phiên họp.
Ngày 24 tháng 10 năm 2014), Buổi sáng, Quốc hội làm việc tại Hội trường. Dưới sự điều hành phiên họp của phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội nghe: Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi). Các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi).
Buổi chiều, Quốc hội làm việc tại Hội trường, dưới sự điều hành phiên họp của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội nghe: Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi)./.
Khánh Vy