(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 7/10/2014, tại Phiên họp mở rộng, Ủy ban Tài chính và Ngân sách (TC-NS) của Quốc hội đã thảo luận, tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi). Tham dự họp có Lãnh đạo Ủy ban TC-NS, Lãnh đạo KTNN và đại diện Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp, Bộ Tài chính cùng một số cơ quan hữu quan.
Trình bày tóm tắt Tờ trình Dự án Luật KTNN (sửa đổi), Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Cao Tấn Khổng cho biết: Dự thảo Luật KTNN (sửa đổi) lần này đã được hoàn thiện một bước trên cơ sở tiếp thu nghiêm túc các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực Ủy ban TC-NS. Nhiều quy định đã được cụ thể hóa hoặc bổ sung nhằm đảm bảo tính đầy đủ, toàn diện. Tuy nhiên, đối chiếu với yêu cầu đặt ra thì một số quy định vẫn cần tiếp tục hoàn thiện.
Đánh giá chung về Dự thảo Luật, các ý kiến trong Ủy ban TC-NS đồng tình về quan điểm và nguyên tắc sửa đổi đã được thể hiện trong dự án Luật, song đề nghị thể hiện rõ hơn một số nguyên tắc như: Bảo đảm nâng cao tính độc lập trong tổ chức và hoạt động của KTNN theo tinh thần Hiến pháp 2013; Quy định rõ: địa vị pháp lý của KTNN, giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán, thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết các kiến nghị của các đơn vị được kiểm toán; Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của KTNN trong việc tham gia vào quá trình quản lý ngân sách nhà nước; Quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán của KTNN; Đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của KTNN, đồng thời cũng cần làm rõ cơ chế kiểm soát quyền lực của Quôc hội đối với hoạt động của KTNN.
Một số ý kiến cho rằng, một số quy định trong dự thảo Luật chưa thống nhất với Luật Khiếu nại, dự thảo Luật NSNN (sửa đổi): Quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại chưa bao quát, cụ thể, thống nhất với Luật Khiếu nại. Nếu coi đây là lĩnh vực đặc thù thì cần quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, giải quyết kiến nghị của các đơn vị được kiểm toán theo từng cấp. Bên cạnh đó, giữa các điều khoản còn thiếu thống nhất, ví dụ nội dung quy định tại khoản 8 điều 13 (nhiệm vụ và trách nhiệm báo cáo công tác trước Quốc hội) chưa thống nhất với khoản 2 điều 16 của dự thảo Luật. Do đó, Ủy ban TC-NS đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật, bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất.
Cũng theo báo cáo thẩm tra, nhiều điều khoản trong dự thảo Luật chưa bảo đảm tính cụ thể, nhiều nội dung giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định, nhiều vấn đề phải được điều chỉnh bằng Luật song lại giao cho Tổng Kiểm toán Nhà nước quy định cụ thể ví dụ như việc xây dựng và ban hành, các chế tài xử lý vi phạm chưa rõ ràng, cụ thể. Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, cụ thể hóa các nội dung nêu trên để bảo đảm tính minh bạch, tạo thuận lợi trong thực thi Luật KTNN.
Chủ trì phiên họp thẩm tra Dự án Luật, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban TC-NS của Quốc hội Bùi Đặng Dũng yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ 4 nhóm vấn đề: Phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật KTNN (sửa đổi); Nội dung của Dự thảo Luật và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau; Sự phù hợp của nội dung sửa đổi Luật với đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Hiến pháp, pháp luật và tính thống nhất của Dự thảo Luật đối với hệ thống pháp luật; Tính khả thi của những điều luật đặc biệt là những vấn đề sửa đổi.
Góp ý cho Dự thảo Luật KTNN, các đại biểu đều cơ bản tán thành với nội dung tờ trình và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban TC-NS. Nhiều đại biểu nhận định, Ban soạn thảo đã cố gắng cụ thể hóa các quy định về KTNN phù hợp với tinh thần của Hiến pháp 2013. Trong đó có việc bổ sung khái niệm “Tài chính, tài sản công” vào đối tượng kiểm toán của KTNN là cần thiết, thể hiện sự nhất quán, thống nhất với Hiến pháp.
Trong khuôn khổ của cuộc họp, các đại biểu tiếp tục thảo luận tham gia ý kiến về các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau như: kiểm toán các đối tượng có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế; kiểm toán các doanh nghiệp quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước; giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán; quy định hành vi bị cấm, thời hạn của cuộc kiểm toán, trách nhiệm của đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán…
Kết luận cuộc họp, đại diện Thường trực Uỷ ban TC-NS của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Bùi Đặng Dũng đánh giá cao sự chuẩn bị công phu Dự án Luật của KTNN và khẳng định hồ sơ Dự án Luật KTNN cơ bản đáp ứng đủ điều kiện, thủ tục để trình Quốc hội.
Tổng KTNN Nguyễn Hữu Vạn cảm ơn các ý kiến tham gia góp ý của Ủy ban TC-NS và đại diện một số cơ quan hữu quan tại buổi làm việc, đồng thời khẳng định những ý kiến đó là vô cùng quý báu, có giá trị đối với quá trình xây dựng và ban hành Luật KTNN sửa đổi. Sau cuộc họp này, Tổng KTNN yêu cầu thường trực Ban soạn thảo, tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến và rà soát lại hồ sơ Dự án Luật trước khi trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám./.