Tham dự Hội thảo có ông Ngô Tự Nam – Phó Trưởng Ban Công tác Đại biểu của Quốc hội; TS Hà Huy Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia; PGS.TS Trần Văn Tá – Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam cùng hơn 150 đại biểu, bao gồm đại diện của Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Công tác Đại biểu của quốc hội, Ủỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện lãnh đạo HĐND, UBND thành phố Hà Nội; các đơn vị trực thuộc KTNN cũng như các chuyên gia đến từ các tập đoàn kinh tế, hiệp hội nghề nghiệp, các Viện, các trường đại học, các tổ chức quốc tế và các công ty kiểm toán độc lập...
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cảm ơn Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã phối hợp giúp đỡ KTNN tổ chức Hội thảo. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết sau 20 năm hoạt động, KTNN ngày càng đóng vai trò là một chế định quan trọng trong bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong tiến trình phát triển và hội nhập sâu rộng của đất nước. Kết quả kiểm toán của KTNN được sử dụng ngày càng nhiều hơn trong quản lý, điều hành, giám sát, phê chuẩn, quyết định những vấn đề tài chính - ngân sách và hoàn thiện chính sách và môi trường pháp luật của các cơ quan lập pháp và hành pháp, là một kênh thông tin quan trọng phục vụ cho quản trị Quốc gia. Để đáp ứng với sự phát triển trong giai đoạn mới và địa vị pháp lý trong Hiến pháp, Kiểm toán Nhà nước đã xây dựng Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 và đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 12 phê duyệt ngày 19 tháng 4 năm 2010. Với mục tiêu và giá trị cốt lõi để xây dựng và phát triển KTNN được xác định là “ Minh bạch - Chất lượng - Hiệu quả và không ngừng gia tăng giá trị”. Việc thực hiện Chiến lược nhằm hiện thực hóa mục tiêu trên và sẽ góp phần tăng cường hơn nữa tính chuyên nghiệp, hiệu quả và nâng cao hiệu lực hoạt động và uy tín của KTNN, phù hợp với xu thế phát triển của các Cơ quan Kiểm toán Tối cao trên thế giới.
Hội thảo “Giá trị và lợi ích của Kiểm toán Nhà nước trong quản trị tài chính công” là một trong những hoạt động góp phần thực hiện thành công “Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2010-2020” và cụ thể hóa vai trò, vị trí của KTNN đã được hiến định trong Hiến pháp 2013 “Kiểm toán nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”.
Với mục tiêu: Xác định và làm rõ những vấn đề về vai trò và giá trị của KTNN trong quản lý và nâng cao hiệu lực quản lý tài chính công; trao đổi quan điểm, kinh nghiệm trong quản trị tài chính công và đề xuất các giải pháp nâng cao vai trò của KTNN trong quản trị tài chính công trong Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước bày tỏ mong muốn các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung thảo luận, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế từ các góc nhìn khác nhau; Tập trung làm rõ những vấn đề liên quan đến giá trị và lợi ích của KTNN trong quản trị tài chính công với tinh thần xây dựng, khoa học, thẳng thắn và cởi mở.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã thảo luận sôi nổi tập trung làm rõ và khẳng định một số nội dung về những vấn đề lý luận về quản lý công, quản trị tài chính công trong mối liên hệ với quản trị quốc gia; Phạm vi tài chính công, nhiệm vụ của quản trị tài chính công, trách nhiệm giải trình, trách nhiệm của chính phủ trong vấn đề quản trị tài chính công và các cấp của chính phủ; Đánh giá thực trạng quản trị tài chính công cũng như những vấn đề đặt ra hiện nay trong công tác quản lý tài chính công ở Việt Nam.
Đặc biệt, 12 ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã trao đổi, tập trung, phân tích làm rõ giá trị lợi ích của KTNN trong quản trị tài chính công, thể hiện ở ba nội dung: khẳng định giá trị và lợi ích của hoạt động kiểm toán trong việc hoạch định và điều hành chính sách tài khóa; giá trị và lợi ích của hoạt động KTNN trong việc hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ cũng như trong hoạt động phòng chống tham nhũng và lãng phí. Đồng thời, các ý kiến cũng chỉ rõ các nhóm giải pháp kiến nghị nhằm tăng cường vai trò của KTNN trong vấn đề quản trị tài chính công, cụ thể: Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật để tăng cường địa vị pháp lý và giá trị lợi ích của hoạt động KTNN trong giám sát tài chính công theo tinh thần Hiến pháp 2013; Phát triển hệ thống tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, Kiểm toán viên về số lượng, chất lượng và tính chuyên nghiệp hóa; Tăng cường kiểm toán ngay từ khâu lập kế hoạch tài chính công nhằm mục đích nhắc nhở, cảnh báo các cơ quan hành pháp, lập pháp, đánh giá những kịch bản hoặc dự báo có thể xảy ra trong trung hạn và dài hạn; Các giải pháp cần phối hợp có hiệu quả giữa các bộ ngành cơ quan trung ương địa phương trong việc tổ chức thực hiện kiểm toán, thực hiện các kiến nghị kiểm toán đặc biệt là các kiến nghị liên quan đến thực hiện các chính sách tài khóa.... Liên quan đến Luật Ngân sách Nhà nước, nhiều ý kiến đề nghị, sửa đổi Luật này cần nghiên cứu bổ sung các quy định để giúp KTNN có thể thực hiện kiểm toán việc lập dự toán ngân sách Nhà nước.
Kết luận Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên thay mặt Ban Tổ chức cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu trong 01 ngày hội thảo. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết: Các ý kiến tham luận, thảo luận đã bám sát nội dung mà BTC Hội thảo đã đặt ra, đặc biệt các giải pháp đưa ra đều bám sát 8 mục đích chiến lược của Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013 – 2017 của KTNN, nhằm hiện thực hóa các nội dung chiến lược đến năm 2020 của KTNN.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cũng nhấn mạnh, kết quả của Hội thảo sẽ là căn cứ quan trọng để KTNN Việt Nam định hướng hoạt động với mục tiêu phát triển KTNN đến năm 2020: “Nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực pháp lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động của KTNN như một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công; xây dựng KTNN có trình độ chuyên nghiệp cao, từng bước hiện đại, trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế”./.
Thành Vinh