Tới dự Hội nghị về phía KTNN có đồng chí Nguyễn Hữu Vạn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước; đồng chí Hoàng Hồng Lạc, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước và đại diện Lãnh đạo Văn phòng KTNN, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế, Vụ Tổng hợp và Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán. Về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Hồ Đức Phớc, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Lê Xuân Đại - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Về phí tỉnh Hà Tĩnh có đồng chí Trần Nam Hồng – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Thiện - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Về phía tỉnh Quảng Bình có đồng chí Nguyễn Xuân Quang - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hương - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Tỉnh Quảng trị có đồng chí Nguyễn Đức Cường – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Lê Bá Nguyên - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Đại diện tỉnh Thừa Thiên Huế có đồng chí Lê Trường Lưu – Phó Bí thư tỉnh ủy – Phó chủ tịch UBND tỉnh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng KTNN Hoàng Hồng Lạc cho biết, trong quá trình xây dựng và trưởng thành, KTNN luôn nhận được sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của HĐND, UBND các cấp trong toàn quốc để tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao trong hoạt động kiểm toán góp phần giúp HĐND và UBND các tỉnh trong vai trò giám sát và điều hành ngân sách địa phương. Đến nay, KTNN đã ký QCPH với 75 Bộ ngành, địa phương trên toàn quốc, trong đó đã ký QCPH với HĐND, UBND các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. “Thời gian thực hiện QCPH giữa KTNN với HĐND và UBND các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đến nay đã hơn 04 năm. Vì vậy, tại Hội nghị này, các Bên sẽ thảo luận, đánh giá, nêu lên những ưu điểm, chỉ ra những tồn tại, bất cập, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc phối hợp giữa KTNN với HĐND và UBND các tỉnh để tiếp tục hoàn thiện QCPH, nhằm đảm bảo sự phối hợp giữa KTNN và HĐND, UBND các tỉnh ngày càng có hiệu lực, hiệu quả”, Phó Tổng KTNN Hoàng Hồng Lạc nói.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hoàng Hồng Lạc phát biểu khai mạc Hội nghị
Tại Hội nghị, đại diện Lãnh đạo của KTNN Khu vực II, thường trực HĐND, UBND các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã trình bày các bài tham luận đánh giá về kết quả triển khai QCPH đã ký kết; đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nêu lên các kiến nghị, giải pháp để hoàn thiện QCPH giữa KTNN và các tỉnh.
Sau phần tham luận của các đại biểu, KTNN đã tiến hành ký QCPH với thường trực HĐND, UBND các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Quy chế phối hợp công tác giữa KTNN và thường trực HĐND, UBND các tỉnh đã được các đơn vị tham mưu xây dựng và lấy ý kiến, thống nhất giữa lãnh đạo KTNN với thường trực HĐND, UBND các tỉnh.
QCPH được ký kết gồm 3 chương, 9 điều, quy định sự phối hợp công tác giữa Kiểm toán Nhà nước với Thường trực HĐND và UBND tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước và trong tổ chức các hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành ngân sách địa phương theo quy định pháp luật; Giám sát Đoàn kiểm toán và kiểm toán viên nhà nước. Phối hợp trong xây dựng kế hoạch kiểm toán.
Để ghi nhận những đóng góp của các đồng chí Lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển KTNN, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ký quyết định trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm toán Nhà nước” cho 18 đồng chí Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND và một số lãnh đạo Sở, Ngành thuộc 05 tỉnh. Tại Hội nghị, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm toán Nhà nước” cho 18 đồng chí Lãnh đạo 05 tỉnh.
Kết luận Hội nghị, Tổng Kiểm toán Nguyễn Hữu Vạn cho biết trong 20 năm xây dựng và phát triển, KTNN đã không ngừng lớn mạnh cả về tổ chức bộ máy và cán bộ. Đến nay cơ quan KTNN đã có 31 đầu mối trực thuộc, với trên 2.000 cán bộ, công chức, kiểm toán viên. Vị trí, vai trò của KTNN đã được nâng lên một tầm cao mới khi được hiến định trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013. KTNN đang triển khai Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020; Kế hoạch chiến lược giai đoạn 2013-2017 nhằm đáp ứng các yêu cầu trong tình hình mới. Trong năm 2015, KTNN sẽ tăng cường công tác kiểm toán báo cáo ngân sách của các địa phương, qua đó cung cấp thông tin làm căn cứ để HĐND thông qua quyết toán ngân sách hàng năm. Thời gian thực hiện báo cáo ngân sách địa phương cũng sẽ được rút ngắn; thành phần đoàn kiểm toán cũng sẽ được thu hẹp. Các lĩnh vực của kiểm toán ngân sách địa phương mà KTNN sẽ tập trung gồm kiểm toán về đầu tư, kiểm toán về thu ngân sách. Ngoài ra, trong năm 2015, KTNN sẽ lựa chọn các chuyên đề mang tính chất toàn quốc để kiểm toán chuyên sâu ở các địa phương, tập trung vào một số lĩnh vực như: chi cho sự nghiệp khoa học, chi cho sự nghiệp giáo dục, chương trình xây dựng nông thôn mới. Các lĩnh vực khác như kiểm toán về lĩnh vực doanh nghiệp, tài chính tín dụng sẽ được tiếp tục thực hiện. Năm 2015, KTNN cũng tiến hành đổi mới về xây dựng kế hoạch kiểm toán trên cơ sở đánh giá rủi ro để xác định các trọng yếu kiểm toán. Điều này sẽ giúp đơn giản hóa các kế hoạch kiểm toán và giảm bớt các đầu mối kiểm toán đang phân tán như hiện nay ở các địa phương.
“Để Kiểm toán Nhà nước hoàn thành các mục tiêu trước mắt và lâu dài, sự phối hợp của Thường trực HĐND và UBND các tỉnh rất quan trọng. Kiểm toán Nhà nước rất mong nhận được sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của Thường trực HĐND và UBND các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế từ khâu xây dựng kế hoạch kiểm toán, thực hiện các hoạt động kiểm toán đến các hoạt động thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, cũng như các hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành ngân sách địa phương; giám sát hoạt động của đoàn kiểm toán và của kiểm toán viên nhà nước…để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mỗi bên.” Tổng Kiểm toán Nguyễn Hữu Vạn kết luận./.
Ngọc Bích