Tọa đàm “Những vấn đề cần trao đổi về Dự án Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi)”

(kiemtoannn.gov.vn) - Sáng ngày 19/9/2014, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã phối hợp với Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Những vấn đề cần trao đổi về Dự án Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi)”. TS. Cao Tấn Khổng – Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, Phó trưởng Ban Soạn thảo dự án Luật KTNN (sửa đổi) và PGS.TS Đặng Văn Thanh – Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, Thường trực Tổ Biên tập Dự án Luật KTNN (sửa đổi) đồng chủ trì buổi tọa đàm.

Tham dự buổi tọa đàm có ông Đinh Xuân Thảo – đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH); ông Hà Huy Tuấn – Phó Chủ tịch UB Giám sát tài chính quốc gia; ông Phùng Ngọc Hùng, đại biểu Quốc hội, ủy viên chuyên trách của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội; ông Bùi Việt Phương, đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình; đại diện Lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc KTNN cùng các nhà khoa học, các nhà quản lý, các giảng viên đến từ các học viện, các trường đại học…

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, PGS.TS Đặng Văn Thanh – Chủ tịch VAA cho biết, lần đầu tiên trong lịch sử, KTNN được hiến định tại Điều 118 - Hiến pháp sửa đổi năm 2013. Việc bổ sung thiết chế độc lập là Kiểm toán Nhà nước nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả và tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; phù hợp nguyên tắc quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và phù hợp với thông lệ quốc tế. Với vị thế là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, KTNN đóng vai trò quan trọng đảm bảo tính minh bạch trong quản trị quốc gia, góp phần đảm bảo tính dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân.
 
Để thể hiện hết tinh thần của Hiến pháp, đồng thời phát huy cao nhất vị thế của KTNN trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, KTNN đã tiến hành nghiên cứu, sửa đổi và bổ sung lại Luật KTNN ban hành năm 2005. Trên tinh thần tôn trọng khoa học, thực tiễn, các nhà soạn thảo Luật KTNN (sửa đổi) đã tranh thủ tối đa ý kiến của các chuyên gia và đã tiếp thu nghiêm túc, thận trọng tất cả ý kiến của các vị đại biểu quốc hội, của UBTVQH, các chuyên gia trong và ngoài nước cũng như của những người làm kế toán kiểm toán đang hoạt động tài chính... Dự thảo Luật KTNN sửa đổi đã được UBTVQH cho ý kiến bước đầu.

          

“Buổi tọa đàm hôm nay được tổ chức với mục đích tiếp tục lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các vị đại biểu, tiếp nhận các vấn đề trao đổi về các vấn đề hiện nay còn khác nhau, làm rõ thêm những nội hàm của các quy định trong Hiến pháp cũng như trong Luật KTNN (sửa đổi). Từ đó để giúp cho Luật KTNN được xây dựng một cách hoàn chỉnh nhất, phù hợp nhất, thích ứng nhất, đáp ứng được yêu cầu của việc xây dựng nhà nước pháp quyền, xây dựng một nền tài chính quốc gia lành mạnh có sự kiểm soát của nhà nước và các công cụ của nhà nước. Tôi mong rằng, các đại biểu, trên cương vị của mình, sẽ tham gia đóng góp trí tuệ xây dựng Luật KTNN (sửa đổi) để Luật KTNN sớm được hoàn thiện, trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới” – Ông Đặng Văn Thanh nói.
 
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tham dự đều đánh giá cao dự thảo Luật KTNN (sửa đổi) và nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật KTNN năm 2005. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra những ý kiến đóng góp cụ thể về những nội dung cần bổ sung, hoàn chỉnh của dự thảo Luật, tập trung vào các vấn đề: đối tượng kiểm toán của KTNN (tài chính, tài sản công); Phạm vi kiểm toán của KTNN; Địa vị pháp lý của KTNN; Mối quan hệ phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với hoạt động kiểm toán nhà nước; Giá trị của Báo cáo kiểm toán; Kiến nghị, khiếu nại và giải quyết kiến nghị, khiếu nại trong hoạt đọng kiểm toán nhà nước; kiểm toán lĩnh vực quốc phòng…
 
Kết luận buổi tọa đàm, PGS.TS Đặng Văn Thanh cảm ơn các đại biểu đã tham gia những ý kiến tâm huyết chất lượng, góp phần xây dựng dự thảo Luật KTNN (sửa đổi). Ông Thanh khẳng định: “Trên cơ sở những ý kiến đóng góp tại buổi tọa đàm, Ban soạn thảo Luật KTNN (sửa đổi) sẽ tiếp thu nghiêm túc, nghiên cứu, cân nhắc trước khi bổ sung vào dự thảo Luật. Với cách làm đó, tôi tin rằng, Luật KTNN sẽ được xây dựng có chất lượng và sớm đi vào cuộc sống”. /.

Thành Vinh