Theo Quy chế, các thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định những chủ trương, định hướng quản lý, điều hành giá; các biện pháp điều hành giá, bình ổn giá đối với các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ trong từng thời kỳ.
Ban Chỉ đạo họp định kỳ vào tuần đầu tiên hàng quý hoặc đột xuất trong trường hợp cần thiết theo quyết định của Trưởng Ban Chỉ đạo. Bên cạnh việc họp trực tiếp để thảo luận, Ban Chỉ đạo có thể lấy ý kiến tham gia của các thành viên bằng văn bản. Báo cáo đề xuất của Ban chỉ đạo được gửi lên Thủ tướng Chính phủ; đồng thời được gửi cho các thành viên, tổ chức nơi thành viên công tác; các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định. Đối với những vấn đề điều hành, quản lý giá phức tạp và/hoặc có tác động lớn đến kinh tế-xã hội và/hoặc còn có nhiều ý kiến khác nhau, Ban Chỉ đạo có thể mời các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức và cá nhân có liên quan tham gia góp ý.
Chế độ báo cáo của Ban gồm:
Báo cáo thông tin định kỳ:
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các Bộ, ngành có trách nhiệm cập nhật các thông tin về diễn biến thị trường, cung cầu, giá cả; biện pháp điều hành, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, quan trọng; cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến điều hành giá hoặc có tác động đến giá các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu hoặc mặt bằng giá; dự báo; các kiến nghị, đề xuất (nếu có).
Các hội đồng, tổ công tác liên ngành có liên quan đến điều hành giá (Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; Tổ Điều hành thị trường trong nước; Tổ Điều hành xuất khẩu gạo;…) gửi các báo cáo, đề xuất tại các cuộc họp định kỳ hoặc đột xuất của Hội đồng, Tổ công tác.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam, Hiệp hội Lương thực Việt Nam; Hiệp hội kinh doanh xăng dầu Việt Nam, Hiệp hội thép Việt Nam, Hiệp hội Xi măng Việt Nam; Hiệp hội Mía đường Việt Nam; Hiệp hội phân bón Việt Nam; Hiệp hội Gas; Hiệp hội thức ăn chăn nuôi; Hiệp hội Cảng biển Việt Nam: Báo cáo thông tin về chi phí, giá thành; diễn biến giá cả; cân đối cung cầu; kế hoạch sản xuất kinh doanh và các thông tin liên quan khác; các kiến nghị, đề xuất (nếu có).
Báo cáo khi có sự điều chỉnh (tăng/giảm) giá hoặc điều hành giá:
Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá (quy định tại điều 19 Luật Giá): Các Bộ, ngành, tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp theo thẩm quyền báo cáo về phương án giá, quyết định điều chỉnh giá, sự thay đổi các yếu tố hình thành giá, các yếu tố sản xuất, kinh doanh đầu vào dẫn đến điều chỉnh.
Đối với hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá: Các Bộ, ngành, tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp theo thẩm quyền báo cáo các nội dung liên quan đến kiến nghị áp dụng biện pháp bình ổn giá theo quy định tại Luật giá.
Trường hợp thực hiện hiệp thương giá theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, đơn vị liên quan báo cáo hồ sơ hiệp thương giá theo quy định tại Luật giá và các văn bản hướng dẫn liên quan.
Báo cáo thông tin đột xuất:
Trong trường hợp có diễn biến bất thường về giá cả hàng hóa dịch vụ thiết yếu, quan trọng hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của Ban Chỉ đạo; căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan, đơn vị tại điểm a khoản 1 Điều này có trách nhiệm chủ động và kịp thời báo cáo thông tin về Ban Chỉ đạo nghiên cứu đề xuất các biện pháp bình ổn giá để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Quy chế cũng quy định rõ thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo.
Thành viên Ban Chỉ đạo, Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế này.
Quyết định ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo điều hành giá có hiệu lực kể từ ngày 15/9/2014./.