Thành công có ý nghĩa chiến lược của quá trình nâng cao địa vị pháp lý và hiệu lực hoạt động của KTNN là vị trí pháp lý của KTNN được hiến định trong Hiến Pháp sửa đổi năm 2013. Điều 118 - Hiến pháp sửa đổi 2013 đã quy định về địa vị pháp lý của KTNN và Tổng Kiểm toán Nhà nước: "KTNN là cơ quan do QH thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; Tổng KTNN là người đứng đầu KTNN, do QH bầu. Nhiệm kỳ của Tổng KTNN do luật định. Tổng KTNN chịu trách nhiệm và báo cáo kết quả kiểm toán, báo cáo công tác trước QH; trong thời gian QH không họp chịu trách nhiệm và báo cáo trước UBTVQH; Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của KTNN do luật định".
Ngoài ra Hiến pháp đã dành 05 Điều bao gồm: Điều 70, điều 74, điều 77, điều 80 và điều 84 quy định về các nội dung khác liên quan đến KTNN và Tổng KTNN.
Đây là sự kiện trọng đại và có ý nghĩa quan trọng đối với KTNN, đã tăng cường vị thế và trách nhiệm của cơ quan KTNN. Để thực thi được vai trò được hiến định trong Hiến pháp, KTNN đang triển khai một loạt những giải pháp đồng bộ.
Sửa đổi, bổ sung Luật KTNN cho phù hợp quy định về KTNN trong Hiến pháp
Việc Hiến định địa vị pháp lý cũng đặt ra yêu cầu phải sửa đổi toàn diện Luật KTNN để bảo đảm tính hợp Hiến, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về KTNN.
Luật KTNN được ban hành năm 2006, đã nâng cao địa vị pháp lý của KTNN. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của KTNN được quy định đầy đủ hơn. Quy mô và chất lượng kiểm toán được mở rộng và tăng cường. Vị trí, vai trò của KTNN ngày càng được khẳng định...Tuy nhiên, sau hơn 08 năm thực hiện Luật KTNN đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế, như: Địa vị pháp lý của KTNN được quy định trong Luật chưa thể hiện được bản chất của cơ quan kiểm tra tài chính cao nhất; chức năng, nhiệm vụ của KTNN chưa bao quát hết việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; chưa có quy định thể hiện tính răn đe đối với các hành vi vi phạm Luật KTNN của đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan; chưa có những quy định làm cơ sở pháp lý về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hoạt động kiểm toán,...
Theo ông Lê Huy Trọng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế KTNN, ngay đầu năm 2013, KTNN đã xúc tiến xây dựng Dự án Luật KTNN (sửa đổi). Trong thời gian qua, KTNN đã tổ chức nhiều cuộc họp với Ban soạn thảo, tổ biên tập Luật KTNN sửa đổi; tổ chức 02 cuộc tọa đàm và 02 cuộc hội thảo tại TP. HCM và tỉnh Quảng Ninh lấy ý kiến tham gia của các chuyên gia trong và ngoài ngành vào Dự án Luật KTNN sửa đổi. Đến nay Dự thảo Luật KTNN (sửa đổi) đã cơ bản hoàn thiện với 83 điều chia thành 9 chương, đã được đưa ra báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 8/2014. "Việc sửa đổi, bổ sung Luật KTNN sẽ tập trung vào những nội dung như: Địa vị pháp lý của KTNN; Đối tượng và phạm vi kiểm toán; Nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN; Kiểm toán viên nhà nước; Hoạt động KTNN…" - Ông Lê Huy Trọng cho biết.
Theo đó, địa vị pháp lý của KTNN sẽ sửa đổi để phù hợp với vị trí, vai trò là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Dự thảo Luật bổ sung quy định về đối tượng và phạm vi kiểm toán theo hướng mở rộng phạm vi đối tượng kiểm toán của KTNN, bảo đảm bao quát hết các nguồn lực tài chính, tài sản công. Nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN sẽ bổ sung nhiệm vụ kiểm toán nghĩa vụ nộp thuế, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng…
Về hoạt động KTNN, bổ sung theo hướng luật hoá nhiệm vụ, quyền hạn của người đứng đầu KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực nhằm nâng cao trách nhiệm của Kiểm toán trưởng. Việc sửa đổi Luật KTNN cũng nhằm xác định hợp lý đối tượng, quy mô, phạm vi cuộc kiểm toán của KTNN nhằm bảo đảm tính hiệu quả của hoạt động KTNN.
Dự thảo Luật KTNN sửa đổi cũng bổ sung quy định về nội dung, hình thức kiểm soát chất lượng kiểm toán và trách nhiệm kiểm soát chất lượng kiểm toán của các chủ thể có liên quan trong hoạt động kiểm toán của KTNN. Kiểm soát chất lượng kiểm toán là biện pháp hết sức quan trọng để nâng cao chất lượng kiểm toán và kiểm soát đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ kiểm toán viên nhà nước. Các quy định để đề cao trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các kiến nghị kiểm toán của KTNN, nhằm bảo đảm tính hiệu lực của hoạt động KTNN cũng được quy định trong lần sửa đổi Luật KTNN lần này.
Sửa đổi, bổ sung những văn bản pháp luật liên quan
Hệ thống pháp luật Việt Nam trong thời gian qua đã từng bước xác định và hoàn thiện dần về mặt tổ chức và hoạt động của KTNN thông qua việc quy định chức năng, nhiệm vụ của KTNN, thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Tổng KTNN,... Tuy nhiên, trước khi Hiến pháp quy định về KTNN thì một số đạo luật cơ bản đã có quy định về KTNN, như: Luật Ngân sách nhà nước; Luật Ngân hàng nhà nước; Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008; Luật Phòng, Chống tham nhũng; Luật Cán bộ, công chức,... Hay trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, một số Luật được thông qua nhưng cũng thiếu những quy định cần thiết để làm cơ sở pháp lý cho hoạt động của KTNN, như: Luật Khiếu nại, Luật Xử lý vi phạm hành chính,... Chính vì vậy, hệ thống pháp luật hiện hành quy định về tổ chức và hoạt động của KTNN vẫn chưa hoàn chỉnh, thiếu tính thống nhất, đồng bộ và vẫn còn mâu thuẫn.
Nhận thức được những vấn đề nêu trên, cùng với việc nghiên cứu, sửa đổi Luật KTNN, KTNN đang tích cực nghiên cứu kiến nghị sửa đổi các luật có liên quan để phân định rõ vị trí, chức năng của KTNN với các cơ quan thanh tra, kiểm tra giám sát khác của Nhà nước; bảo đảm sự đồng bộ và phù hợp giữa Luật KTNN với Luật tổ chức Quốc hội, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Khiếu nại, Luật xử lý vi phạm hành chính,…
Rà soát để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa hướng dẫn thi hành Luật KTNN
Nhằm cụ thể hoá các quy định của Luật KTNN, quy chế hoá các hoạt động của KTNN làm cơ sở để quản lý, điều hành các hoạt động của ngành theo hướng minh bạch, công khai, chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, đặc biệt là nâng cao chất lượng kiểm toán và kiểm soát, quản lý đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên, thời gian qua Tổng KTNN đã ban hành 41 văn bản quy phạm pháp luật và nhiều quyết định quản lý hành chính khác.
Tổng KTNN cũng đã ban hành Hệ thống Chuẩn mực KTNN gồm 21 chuẩn mực (Hiện tại KTNN đang triển khai xây dựng hệ thống chuẩn mực mới). KTNN đã ban hành 9 quy trình kiểm toán gồm Quy trình kiểm toán chung và các quy trình kiểm toán theo chuyên ngành, lĩnh vực kiểm toán giúp cho hoạt động kiểm toán được thuận lợi và đạt kết quả tốt hơn.
Đây là những văn bản quy định về chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán, tạo cơ sở pháp lý nâng cao chất lượng kiểm toán, tăng cường sự giám sát đối với hoạt động kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp của Kiểm toán viên Nhà nước. Tuy nhiên, trong tình hình mới để đáp ứng với vị thế, vai trò mới của KTNN, KTNN xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng tiếp theo là cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống chuẩn mực, quy trình kiểm toán theo Kế hoạch Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013 - 2017. Theo kế hoạch, đến năm 2015, KTNN sẽ xây dựng đầy đủ hệ thống chuẩn mực, các quy trình về kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động; từng bước cụ thể hóa quy trình kiểm toán theo chuyên ngành hẹp phù hợp với các loại hình kiểm toán, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của hoạt động KTNN.
Theo bà Đào Thị Thu Vĩnh, Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán thì với xu hướng phát triển chung của thế giới, việc thực hiện các chuẩn mực kiểm toán quốc tế của cơ quan Kiểm toán tối cao (ISSAI) là rất cần thiết. Để thực hiện điều này, KTNN cần phải thực hiện đánh giá việc thực hiện các yêu cầu của ISSAI thông qua việc sử dụng bộ công cụ đánh giá việc tuân thủ ISSAI để qua đó phân tích nguyên nhân, đề xuất giải pháp thực hiện, nghiên cứu xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động thực hiện ISSAI để phát triển toàn diện, hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tiến hành đồng bộ các giải pháp về tổ chức thực hiện
Ngoài những giải pháp về nội dung, để nâng cao địa vị pháp lý và hiệu quả hoạt động của KTNN, ông Trọng cho rằng cần tiến hành đồng bộ các giải pháp về tổ chức thực hiện.
Một là, kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực, trách nhiệm các đơn vị làm công tác tham mưu: Để nâng cao chất lượng các văn bản Quy phạm pháp luật về tổ chức và hoạt động của KTNN, đòi hỏi phải quan tâm kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực, trách nhiệm các đơn vị tham mưu bảo đảm hoàn thành tốt công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản với các đơn vị tham gia phối hợp.
Hai là, tăng cường năng lực của Vụ Pháp chế nhằm bảo đảm Vụ Pháp chế có đủ năng lực tham mưu giúp Tổng KTNN thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với hoạt động của KTNN. Trước mắt, kiện toàn về tổ chức, ưu tiên tuyển chọn, bố trí đủ công chức có trình độ, năng lực, có kinh nghiệm kiểm toán, kinh nghiệm và kỹ năng soạn thảo văn bản QPPL cho Vụ Pháp chế.
Ba là, xây dựng đội ngũ công chức làm công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo đủ về số lượng và có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đây là nhân tố quan trọng hàng đầu để nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật của KTNN. Tuy nhiên, hiện có tình trạng công chức có năng lực xây dựng pháp luật thì thiếu kinh nghiệm thực tiễn kiểm toán; công chức có năng lực, kinh nghiệm kiểm toán ngại không muốn về các đơn vị tham mưu làm công tác xây dựng chế độ, pháp luật. Để khắc phục tình trạng trên, cần quan tâm thực tiễn hóa kiểm toán đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật hiện có của KTNN.
Bốn là, tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật; Cần tăng kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ để tạo đội ngũ làm công tác xây dựng văn bản vừa có phẩm chất đạo đức tốt, vừa có năng lực chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Năm là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tin học trong công tác soạn thảo văn bản QPPL nhằm từng bước hiện đại hóa và áp dụng công nghệ tin học vào quá trình soạn thảo, ban hành văn bản của KTNN. Xây dựng cơ sở dữ liệu về văn bản QPPL làm cơ sở cho công tác soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của KTNN cũng như phục vụ cho hoạt động kiểm toán của KTNN./.