Nâng cao chất lượng hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán - mục đích quan trọng trong Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017

(kiemtoannn.gov.vn) - Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đến năm 2020 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt vào tháng 4 năm 2010. Để triển khai thực hiện Chiến lược này, KTNN đã xây dựng Kế hoạch hành động nhằm xác định mục tiêu và các hoạt động chính mà KTNN cần thực hiện từ năm 2010 đến năm 2020.


Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch hành động và những yêu cầu phát triển KTNN toàn diện, vững chắc; năm 2013, KTNN đã xây dựng Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017 nhằm lựa chọn một số hoạt động quan trọng, mang tính ưu tiên cao thuộc Chiến lược để tập trung nguồn lực thực hiện. Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017 gồm 8 mục đích chiến lược, trong đó, mục đích chiến lược số 5 - Nâng cao chất lượng hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hoạt động kiểm toán và việc thực hiện mục tiêu phát triển KTNN đến năm 2020 là “xây dựng KTNN có trình độ chuyên nghiệp cao, từng bước hiện đại, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế”.

Tại Hội thảo “Các giải pháp tổ chức thực hiện Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013 - 2017” do KTNN và Hiệp hội kế toán công chứng Vương quốc Anh (ACCA) phối hợp tổ chức ngày 14/8/2014, các chuyên gia trong ngành KTNN đã có những bài tham luận về thực trạng công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN hiện nay và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán.

Kiểm soát chất lượng kiểm toán – công cụ quan trọng góp phần đảm bảo chất lượng kiểm toán    
Tổ chức bộ máy và hoạt động của bất cứ một cơ quan, đơn vị nào cũng đều có mục tiêu hướng đến chất lượng, hiệu quả và hiệu lực. Đặc biệt, với vị trí, vai trò và chức năng của một cơ quan kiểm toán tối cao, nỗ lực nâng cao chất lượng kiểm toán được xem là mục tiêu sống còn của tổ chức. Nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán góp phần quan trọng trong việc khẳng định sự cần thiết, tính chính đáng để tồn tại một cơ quan có chức năng kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của một quốc gia. Trong đó, công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán chính là một trong những công việc quan trọng đảm bảo lượng hoạt động kiểm toán nhằm hướng đến mục tiêu quan trọng, cơ bản của tổ chức.

Nhiều chuyên gia trong ngành bày tỏ đồng tình với quan điểm này và cho rằng mục đích chiến lược – nâng cao chất lượng công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN cần được cụ thể hóa thành 3 mục tiêu chiến lược, đó là: Xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán; Tăng cường năng lực cho Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán; Phòng Tổng hợp của các KTNN chuyên ngành, khu vực; Thực hiện nghiêm Quy chế kiểm soát chất lượng kiểm toán.

Xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán
Các chuyên gia trong ngành cho biết, hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN hiện tuân thủ các quy định tại Luật KTNN và các quy định của pháp luật có liên quan đến công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán. Trong thời gian gần đây, việc xây dựng và ban hành Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013 -2017, Quy chế kiểm soát chất lượng kiểm toán, Chuẩn mực kiểm toán số 40 - Kiểm soát chất lượng kiểm toán và một số văn bản hướng dẫn cho thấy sự quyết tâm và nỗ lực của KTNN trong việc hướng tới mục đích nâng cao chất lượng công tác kiểm soát và chất lượng hoạt động kiểm toán. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận thấy, phần lớn các văn bản quy định mới được ban hành, một số nội dung cụ thể nhằm áp dụng với những công việc cụ thể chưa có hướng dẫn chi tiết. Vì vậy, để tổ chức áp dụng cũng cần có các giải pháp đồng bộ (xây dựng và ban hành quy định chi tiết, đề cương, hồ sơ mẫu biểu, đào tạo,...) để các quy định pháp lý có thể đi vào thực tiễn hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN. Theo đó, KTNN, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán cần xem xét tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo, định hướng công tác kiểm soát chất lượng thông qua hệ thống văn bản, quy định, hồ sơ mẫu biểu, hướng dẫn, đào tạo... đồng thời với việc thực hiện kiểm soát thực tiễn tại các KTNN khu vực, chuyên ngành.

Tăng cường năng lực cho Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán; Phòng Tổng hợp của các KTNN chuyên ngành, khu vực

Để tăng cường năng lực cho Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, trong tháng 2 năm 2014, Tổng KTNN đã ban hành Quyết định 146/QĐ-KTNN về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán; đồng thời đã điều động 14 cán bộ, công chức về công tác tại Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán (trong đó có 01 Phó Vụ trưởng) vào cuối tháng 3/2014. Các KTNN chuyên ngành và khu vực cũng tăng cường nhân sự làm công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán (bố trí trong số 20 - 30% KTV thường trực tại cơ quan).

Về công tác đào tạo, tập huấn công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, sau khi Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN được ban hành, ngày 18/3/2014, KTNN đã tổ chức lớp đào tạo trực tuyến cho các công chức làm công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán. Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán đã chủ động xây dựng các mẫu biểu hồ sơ phục vụ công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán và tổ chức các lớp tập huấn cho các cán bộ, công chức của Vụ; đồng thời, thường xuyên trao đổi với các KTNN chuyên ngành, khu vực nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán.

Thực hiện nghiêm Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN

Các chuyên gia cho rằng để công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán đạt  hiệu quả, chất lượng thì đơn vị thực hiện kiểm toán và đơn vị thực hiện kiểm soát cần chấp hành nghiêm túc Quy chế kiểm soát chất lượng kiểm toán. Quy chế này quy định rõ phạm vi, đối tượng, nội dung, trình tự, thủ tục kiểm soát chất lượng kiểm toán, trách nhiệm và quyền hạn của các đơn vị trực thuộc, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước. Cũng theo các chuyên gia, đơn vị làm công tác kiểm toán cần xác định mục tiêu, nội dung của việc kiểm soát chất lượng kiểm toán phù hợp để tổ chức thực hiện.  

Từ góc độ chức năng nhiệm vụ, thực tiễn hoạt động và phân cấp quản lý cho thấy, mục tiêu việc kiểm soát chất lượng kiểm toán tại KTNN chuyên ngành là: Đánh giá tình hình tuân thủ pháp luật; tuân thủ Hệ thống chuẩn mực KTNN, các quy trình kiểm toán, Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn KTNN, mẫu biểu hồ sơ kiểm toán và các quy định khác của KTNN có liên quan trong hoạt động kiểm toán; Phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, tồn tại, góp phần giảm thiểu rủi ro kiểm toán, hoàn thiện và duy trì hệ thống kiểm soát chất lượng kiểm toán, quy trình, phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ nhằm không ngừng nâng cao chất lượng kiểm toán, làm tăng tính minh bạch, uy tín, sự tin cậy đối với hoạt động kiểm toán của đơn vị và của KTNN; Nâng cao tính hiệu lực của Báo cáo kiểm toán: Các kết luận, kiến nghị phù hợp với mục tiêu, hoàn cảnh thực tế.

Về nội dung, để đạt được mục tiêu kiểm soát chất lượng kiểm toán nêu trên, nội dung việc kiểm soát chất lượng kiểm toán tại KTNN chuyên ngành cần tập trung vào công tác thực hiện hoạt động kiểm toán tại các cuộc kiểm toán; Trong đó, tập trung vào các giai đoạn chuẩn bị kiểm toán, thực hiện kiểm toán, lập và gửi báo cáo kiểm toán. Theo đó: Giai đoạn chuẩn bị kiểm toán cần tập trung vào các nội dung: Việc khảo sát, thu thập thông tin về đối tượng và đơn vị được kiểm toán, gồm: Yêu cầu về nhân sự tổ khảo sát; nội dung đề cương khảo sát; việc tiến hành khảo sát, thu thập thông tin theo đề cương khảo sát được duyệt; việc phân tích, đánh giá thông tin thu thập được. Việc lập, hoàn thiện KHKT của cuộc kiểm toán: Tính chính xác, đầy đủ, hợp lý của các thông tin, đánh giá tại các mục, nội dung; Tính thống nhất, phù hợp giữa các mục, nội dung; Tính thống nhất, phù hợp với hướng dẫn công tác kiểm toán năm của KTNN, khả thi và phù hợp với đơn vị được kiểm toán; Tuân thủ các chỉ đạo, kết luận của cấp có thẩm quyền; Việc bố trí thời gian và cơ cấu nhân sự các Tổ kiểm toán; Việc tuân thủ thể thức và quy định ghi chép...; kiểm soát KHKT có đáp ứng đầy đủ các mục tiêu, yêu cầu của KTNN không?  

Tổ chức phổ biến Quyết định, KHKT và cập nhật kiến thức cho các thành viên Đoàn kiểm toán; Kiểm tra, soát xét việc thực hiện các nội dung công việc theo quy định của quy trình kiểm toán và hướng dẫn kiểm toán liên quan. Giai đoạn thực hiện kiểm toán cần chú trọng kiểm soát:

Việc lập KHKT chi tiết và điều chỉnh KHKT chi tiết (nếu có) có tuân thủ thể thức và quy định ghi chép hay không? Tính chính xác, đầy đủ, hợp lý của các thông tin, số liệu tại các mục, các nội dung; Tính thống nhất, phù hợp giữa các mục, nội dung; Tính thống nhất, phù hợp với KHKT của cuộc kiểm toán (về mục tiêu, nội dung, phạm vi, giới hạn kiểm toán…) như thế nào? Việc chọn mẫu kiểm toán, kiểm tra, đối chiếu; Phân công nhiệm vụ (nội dung công việc, thời gian, nhân sự,…); Tuân thủ các chỉ đạo, kết luận của Trưởng Đoàn kiểm toán…có tuân thủ và thực hiện đúng quy trình, chuẩn mực KTNN?...

Chú trọng kiểm soát các hoạt động nghiệp vụ chuyên môn của KTV trong thực hiện nhiệm vụ được phân công, như: Tuân thủ KHKT chi tiết và điều chỉnh KHKT chi tiết (nếu có); Việc chọn mẫu kiểm toán; Việc áp dụng các phương pháp kiểm toán (phù hợp với KHKT chi tiết và điều chỉnh KHKT chi tiết (nếu có); phù hợp với nội dung, đối tượng kiểm toán…); Tuân thủ thủ tục, trình tự kiểm toán và quy định chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của các quy trình, chuẩn mực, hướng dẫn kiểm toán,… có liên quan; Tuân thủ các chỉ đạo, hướng dẫn của Tổ trưởng Tổ kiểm toán; Bằng chứng kiểm toán (đầy đủ, thích hợp và tin cậy) và kỹ năng, phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán, việc phân loại và sắp xếp, lưu trữ bằng chứng kiểm toán; Nhật ký làm việc của KTV phải được kiểm soát nội dung công việc đã thực hiện và so với nhiệm vụ được phân công, kết quả công việc và so với tiến độ thực hiện, thể thức, quy định ghi chép, tính đầy đủ, đúng đắn, trung thực trong ghi nhật ký; Biên bản xác nhận số liệu và tình hình kiểm toán của KTV được kiểm soát về nội dung, kết quả công việc, thể thức, quy định ghi chép, tính thống nhất, phù hợp với kết quả công việc ghi trong nhật ký làm việc của KTV với bằng chứng kiểm toán; việc tuân thủ các chỉ đạo, hướng dẫn của Tổ trưởng Tổ kiểm toán; Ngoài ra phải kiểm soát các vấn đề khác như văn phạm, kỹ thuật trình bày, chính tả, đơn vị tính, dấu ngăn cách các chữ số…

Đối với việc thực hiện Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn KTNN: Kiểm soát thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của KTV (chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử của KTV nhà nước,..); và những quy định khác có liên quan.

Đối với việc lập biên bản kiểm toán, báo cáo kiểm toán của Tổ kiểm toán: Kiểm soát về thể thức, quy định ghi chép; thực hiện KHKT chi tiết (mục tiêu, nội dung, phạm vi, giới hạn, đơn vị được kiểm toán,…); tuân thủ các chỉ đạo, kết luận của Trưởng Đoàn kiểm toán; tính đầy đủ, hợp lý, hợp pháp, chính xác, đúng đắn, thống nhất và phù hợp của các kết quả kiểm toán, thông tin ghi trong các văn bản (số liệu, nhận xét, đánh giá, kiến nghị, phụ lục, chữ ký...); kết quả kiểm toán (số liệu, nhận xét, đánh giá) phù hợp với bằng chứng kiểm toán; kiến nghị khả thi, phù hợp với thực tiễn; tính thống nhất, phù hợp giữa biên bản kiểm toán với biên bản xác nhận số liệu và tình hình kiểm toán của KTV, giữa báo cáo kiểm toán của Tổ kiểm toán với biên bản kiểm toán.

Các tài liệu khác của Tổ kiểm toán (các loại báo cáo, như: báo cáo tiến độ, báo cáo đột xuất,…; biên bản họp Tổ kiểm toán, tờ trình ...) được kiểm soát về thể thức, quy định ghi chép (nếu có), nội dung (số liệu, tình hình kiểm toán).

Kiểm soát tài liệu, giấy tờ làm việc của Tổ kiểm toán trước khi đưa vào lưu trữ (đầy đủ; được phân loại, sắp xếp khoa học…).

 Kiểm soát quy trình, thủ tục, tính đúng đắn của việc điều chỉnh KHKT của cuộc kiểm toán (nếu có).

Kiểm soát công tác triển khai, thực hiện KHKT của cuộc kiểm toán, KHKT chi tiết của các Tổ kiểm toán, bao gồm những điều chỉnh KHKT của cuộc kiểm toán, KHKT chi tiết (nếu có)

Kiểm soát việc quản lý, điều hành, kiểm soát của Tổ trưởng Tổ kiểm toán thể hiện tại các tài liệu làm việc của KTV và của Tổ kiểm toán.

Kiểm soát việc quản lý, điều hành, kiểm soát chất lượng kiểm toán của Trưởng Đoàn kiểm toán thể hiện tại các tài liệu làm việc của KTV, Tổ kiểm toán và Đoàn kiểm toán; Nhật ký công tác (nội dung, kết quả công việc, thể thức, quy định ghi chép; tính đầy đủ, đúng đắn, trung thực trong ghi chép nhật ký) và tài liệu làm việc khác của Trưởng Đoàn kiểm toán.

Kiểm soát đánh giá sự thống nhất, nhất quán trong việc xử lý các phát hiện kiểm toán giữa các Tổ kiểm toán trong Đoàn kiểm toán, giữa các đơn vị được kiểm toán.

Kiểm soát việc thực hiện công tác báo cáo định kỳ hoặc đột xuất của Tổ trưởng với Trưởng Đoàn kiểm toán.

Kiểm soát tình hình thực hiện công tác báo cáo định kỳ hoặc đột xuất của Trưởng Đoàn kiểm toán với thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán; các báo cáo định kỳ hoặc đột xuất của Đoàn kiểm toán về thể thức, quy định ghi chép (nếu có), nội dung (số liệu, tình hình kiểm toán).

Kiểm soát xem cuộc kiểm toán có đạt được mục tiêu, nội dung, trọng tâm kiểm toán đã được phê duyệt hay không? Có phát sinh vấn đề gì ngoài KHKT đã được duyệt?

Kiểm soát hồ sơ kiểm toán của Đoàn kiểm toán trước khi đưa vào lưu trữ.

Kiểm soát chất lượng công tác báo cáo định kỳ hoặc đột xuất của thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán với lãnh đạo KTNN. Việc quản lý, điều hành, kiểm soát chất lượng kiểm toán của thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán thể hiện tại các tài liệu làm việc của Đoàn kiểm toán, Nhật ký công tác (nội dung, kết quả công việc, thể thức, quy định ghi chép; tính đầy đủ, đúng đắn, trung thực trong ghi chép nhật ký) và tài liệu làm việc khác của thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán.

Giai đoạn lập và gửi báo cáo kiểm toán cần coi trọng các nội dung sau:     
Đối với Dự thảo báo cáo kiểm toán của Đoàn, Tổ kiểm toán: Cần kiểm soát thể thức, quy định ghi chép; việc thực hiện KHKT của cuộc kiểm toán (mục tiêu, nội dung, phạm vi, giới hạn, đơn vị được kiểm toán, …); việc tuân thủ các chỉ đạo, kết luận của cấp có thẩm quyền; tính đầy đủ, rõ ràng, hợp lý, hợp pháp, chính xác, đúng đắn, thống nhất và phù hợp của các kết quả kiểm toán, thông tin (số liệu, nhận xét, đánh giá, kiến nghị, phụ lục,...); Xem xét kết quả kiểm toán (số liệu, nhận xét, đánh giá) phù hợp với bằng chứng kiểm toán, kiến nghị khả thi, phù hợp với thực tiễn hay không? Xem xét, đánh giá tính thống nhất, phù hợp giữa báo cáo kiểm toán của Đoàn kiểm toán với các biên bản kiểm toán, với báo cáo kiểm toán của các Tổ kiểm toán; Tương tự đối với giai đoạn thực hiện kiểm toán, kiểm soát chất lượng Báo cáo, Biên bản kiểm toán cũng cần xem xét đến văn phạm, kỹ thuật trình bày, chính tả, đơn vị tính, dấu ngăn cách các chữ số…

Kiểm soát Báo cáo kiểm toán của Đoàn, Tổ kiểm toán xem có được chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện theo kết luận, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền hay không?

Kiểm soát xem có sự thay đổi về mục tiêu, nội dung so với KHKT và việc xử lý được thực hiện như thế nào?.

Đối với nội dung kiểm soát khác cần lưu ý:

Kiểm soát chất lượng thẩm định của Hội đồng cấp Vụ, chất lượng xét duyệt của thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán đối với dự thảo kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán, dự thảo báo cáo kiểm toán của Đoàn kiểm toán, thể hiện tại báo cáo thẩm định của Hội đồng cấp Vụ, biên bản xét duyệt của thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán.

Việc xử lý những vấn đề phát sinh sau khi phát hành báo cáo kiểm toán của Đoàn kiểm toán, gồm: Sửa đổi hay đính chính (nếu có) kết quả kiểm toán; trả lời đơn vị được kiểm toán về kết luận, kiến nghị kiểm toán; những vấn đề khác.

Việc hoàn thành cuộc kiểm toán theo đúng thời hạn quy định.

Ông Hoàng Phú Thọ - Vụ trưởng Vụ Chế độ và kiểm soát chất lượng kiểm toán cho rằng, để thực hiện nghiêm Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán, KTNN cần thực hiện một số giải pháp sau:

Cần phải có sự quyết tâm chính trị trong toàn ngành, đặc biệt là có sự quan tâm, chỉ đạo và ủng hộ của lãnh đạo KTNN, lãnh đạo các đơn vị trong việc thực hiện Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán; sự phối hợp, trao đổi thông tin hai chiều có hiệu quả, thường xuyên giữa Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán và các Tổ kiểm soát của các KTNN chuyên ngành, khu vực.

Tiến hành tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cũng như các buổi trao đổi, tọa đàm về kiểm soát chất lượng kiểm toán để các đơn vị trong ngành hiểu rõ, hiểu đúng hơn về tầm quan trọng của công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán và nội dung của Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán, đồng thời đánh giá việc thực hiện Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán nhằm rút kinh nghiệm trong công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán.

Tiếp tục bổ sung nhân sự có kinh nghiệm kiểm toán cho Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán và tăng cường nhân sự phù hợp cho Phòng Tổng hợp của các KTNN chuyên ngành, khu vực để nâng cao chất lượng kiểm soát chất lượng kiểm toán của toàn ngành.

KTNN cần tổ chức một số đoàn đi khảo sát kinh nghiệm nước ngoài về công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán để vận dụng vào hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm soát chất lượng của KTNN Việt Nam./.