Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân: Phải có điểm danh, chỉ mặt dự án luật nào trình QH cho ý kiến lần đầu chưa được chuẩn bị kỹ
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và sự nỗ lực chung của UBTVQH, các ĐBQH, Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, Kỳ họp thứ Bảy đạt được yêu cầu đề ra.
Về một số hạn chế, Báo cáo đánh giá kết quả Kỳ họp thứ Bảy có nêu mấy hạn chế. Trong đó có hạn chế mà lần nào đánh giá Kỳ họp cũng có, đó là sự khắc phục của chúng ta có sự tiến bộ nào hay không? Hạn chế đã chỉ ra mà không giảm được như thế thì lần này tôi đề nghị trong phần một số nội dung cần quan tâm, chỉ đạo trong thời gian tới cần thể hiện mạnh mẽ hơn. Ví dụ về hạn chế một số dự án luật trình QH cho ý kiến lần đầu chưa được chuẩn bị kỹ, thì cần đánh giá tại Kỳ họp vừa rồi là dự án luật nào để điểm danh cụ thể, kể cả từng cơ quan thẩm tra, từng cơ quan soạn thảo... Phải có điểm danh, chỉ mặt là dự án luật nào chứ nói chung chung vậy biết chừng nào sửa được? Một số dự án luật trong số các dự án luật trình QH cho ý kiến lần đầu chưa chuẩn bị kỹ là số nào, thuộc về Ủy ban nào thẩm tra... Cần chỉ ra cụ thể luật nào trình QH lần đầu vừa rồi chưa đạt để ngồi lại, chỉ đạo tiếp, phối hợp với Chính phủ để làm tốt hơn, chứ nói chung như vậy thì có lẽ đến kỳ thứ mười hay mười mấy thì cũng vậy.
Về hạn chế một số dự án luật quan trọng, còn ý kiến khác nhau chưa bố trí thời gian thỏa đáng để QH thảo luận thì bây giờ phải sửa ngay. Vừa rồi QH làm Luật Đất đai (sửa đổi), khi thấy còn nhiều ý kiến đăng ký chưa được phát biểu, UBTVQH lập tức tập hợp lại và báo cáo với ĐBQH cho điều chỉnh chương trình làm việc, bố trí thêm 1 buổi để ĐBQH thảo luận. ĐBQH rất hài lòng. Tôi đề nghị chúng ta phải điều chỉnh hạn chế này, với những dự án luật mà nhiều ý kiến ĐBQH đăng ký mà chưa phát biểu được hoặc còn nhiều ý kiến khác nhau nên bố trí thời gian để thảo luận cho rõ...
Về Kỳ họp thứ Tám, tôi thống nhất là cần tiếp tục cải tiến. Ví dụ về các báo cáo, tờ trình trình bày tại Kỳ họp, như ý kiến anh Thi nói là cần rút gọn hơn nữa. Tôi thấy rút gọn không phải là một câu còn lại nửa câu, hay một trang còn lại nửa trang mà là rút gọn vấn đề nào còn nhiều ý kiến khác nhau. Khúc đầu của báo cáo, tờ trình có phải đọc đâu mà theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là phải ghi cho đầy đủ họp thứ nào, ngày nào, ai dự... Nhưng khi trình trước QH cần đi thẳng vào vấn đề. Thực ra hiện nay một số báo cáo, tờ trình còn dài. Tôi đề nghị chúng ta cải tiến chút nữa trong thẩm tra và định hướng những vấn đề quan trọng để đại biểu thảo luận.
Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Cân nhắc để dành thời gian thảo luận hợp lý cho từng dự án luật
Kỳ họp thứ Bảy diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến rất phức tạp, kể cả về chính trị, quân sự và kinh tế, nhất là tình hình Biển Đông. Nhưng QH đã bảo đảm được chương trình, hoàn thành tất cả các kế hoạch đề ra với tinh thần làm việc dân chủ, trách nhiệm, bình tĩnh, sáng suốt. Tại Kỳ họp vừa qua, chúng ta có một sự phối hợp rất chặt chẽ giữa các cơ quan của Quốc hội, cơ quan Đảng, cơ quan của Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc. Trong Kỳ họp, chúng ta cũng đã linh hoạt, điều chỉnh một số nội dung nhưng vẫn bảo đảm hoạt động của QH. Ví dụ, chúng ta đưa vào chương trình nội dung nghe báo cáo về tình hình Biển Đông ngay trong ngày đầu Kỳ họp. Hay sửa đổi Nghị quyết 35 của QH về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Đây là nội dung rất thời sự, được dư luận và các ĐBQH rất quan tâm. Sau khi thảo luận, thấy còn nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu đầy đủ, sâu sắc hơn, thấu đáo hơn nên QH đã quyết định chưa thông qua Nghị quyết sửa đổi để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện... Đây là những vấn đề mới so với Kỳ họp trước.
Khối lượng công việc ngày càng nhiều nhưng thời gian làm việc của QH không thể kéo dài thì việc đầu tiên chúng ta nói đi nói lại qua nhiều Kỳ họp là khâu chuẩn bị Kỳ họp. Nếu như công tác chuẩn bị của chúng ta chu đáo và bảo đảm được chất lượng thì mọi việc trong Kỳ họp thuận lợi. Còn chuẩn bị chưa được tốt thì rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng Kỳ họp của QH. Nếu QH họp 1 tháng thì Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban hầu như là phải làm việc quanh năm và UBTVQH cũng đã phải làm việc nhiều hơn. Ngay các khâu triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, chúng tôi cũng nói với Chính phủ và các ngành là để QH họp bảo đảm đúng chương trình, chất lượng thì ngay từ bước đầu tiên là từ Ban soạn thảo, từ khâu phối hợp với các bộ, ngành. Trong nhiều Nghị quyết QH đã nói rất rõ trách nhiệm của từng Bộ trưởng, từng bộ, ngành trong việc chuẩn bị từng dự án luật. Chỗ này cần phải nhất quán trong nhận thức, trong chỉ đạo của cả hệ thống chính trị thì mới bảo đảm chất lượng chuẩn bị các dự án, tờ trình trình QH.
Dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Tám sẽ rất nặng, 35 ngày làm việc chung, nhưng có đến 24 ngày rưỡi dành cho việc thảo luận thông qua và cho ý kiến 30 dự án luật. Đây có lẽ là số lượng các dự án luật, nghị quyết trình ra QH nhiều nhất từ trước đến giờ. Việc phân bổ thời gian cho từng dự án luật không nên rập khuôn. Hiện nay, vẫn đang dập khuôn mỗi dự án luật dành nửa ngày hoặc 1 ngày. Bây giờ, phải căn cứ vào chất lượng chuẩn bị, cũng như phạm vi nội dung của dự án luật để bố trí thời lượng phù hợp. Rút kinh nghiệm tại Kỳ họp vừa rồi, chúng ta có những dự án luật thảo luận không hết thời gian nhưng có những dự án luật đại biểu chưa phát biểu hết ý kiến, và còn nhiều nội dung chưa nói được. Ví dụ dự án Luật Tổ chức QH (sửa đổi) – đạo luật tạo công cụ pháp lý cho tổ chức, hoạt động của QH, ĐBQH. Rất nhiều ĐBQH góp ý phải dành thời gian nhiều hơn cho dự án Luật này.
Chúng ta phải cân nhắc, điều tiết để có thời lượng hợp lý cho từng dự án luật, chứ không phải dự án luật nào cũng được dành thời lượng như nhau. Ví dụ dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và dự án Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), tại Kỳ họp thứ Tám cũng không nhất thiết là phải dành một ngày mà chỉ nên dành nửa ngày để thảo luận. Thời gian rút ngắn được của dự án Luật này nên dành cho dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) vì đây là dự án Luật được nhiều người quan tâm. Hay dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương trình QH cho ý kiến lần đầu cũng chỉ bố trí nửa ngày ở Tổ, nửa ngày ở Hội trường; dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt ở tổ là nửa ngày, ở Hội trường nửa ngày. Tôi cho rằng, dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương rất lớn, nếu dành nửa ngày cho dự án Luật này ở Hội trường là rất ít. Hay dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt là dự án Luật rất mới. Trước đây, chúng ta làm Luật Thủ đô qua đến 3 Kỳ họp mới thông qua được thì Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt này, tuy phạm vi điều chỉnh nhỏ nhưng mà cơ chế rất mới, rất đặc thù nên phải dành nhiều thời gian hơn. Những dự án luật nào có thể rút ngắn thời gian thì nên rút để vừa dành được nhiều thời gian hơn cho các dự án luật khác vừa bảo đảm thời gian làm việc của QH.
Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu: Cử tri đồng tình với bản lĩnh của QH về tình hình Biển Đông
Khi tiếp xúc cử tri để báo cáo Kết quả Kỳ họp thứ Bảy, chúng tôi cũng hơi bất ngờ khi thấy cử tri đến rất đông và từ trước đến nay thì có thể thấy kỳ họp lần này dành được sự quan tâm rất lớn của cử tri. Và bà con cử tri nói gì?
Thứ nhất, bà con cử tri khen ngợi bản lĩnh của QH đối với tình hình Biển Đông và bày tỏ ấn tượng nhất là phát biểu khai mạc và phát biểu bế mạc Kỳ họp của Chủ tịch QH, công thư của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại gửi Ủy ban Đối ngoại nghị viện các nước. Bà con rất tin tưởng và đồng tình với thái độ của QH chúng ta, nhất là việc QH quyết định dành ngân sách bổ sung 16.000 tỷ đồng đầu tư cho ngư dân, các lực lượng chấp pháp trên Biển Đông.
Thứ hai, cử tri còn băn khoăn một số việc chưa thỏa mãn được ý chí và nguyện vọng của người dân. Một là, tình hình tổ chức, tiêu thụ nông sản phẩm. Hai là bảo hiểm y tế và tổ chức thực hiện bảo hiểm y tế. Ba là đào tạo sinh viên và bố trí việc làm cho sinh viên. Bốn là, phạt mũ bảo hiểm giả. Chủ tịch QH hôm trước bảo với tôi, lưu ý xem cử tri có bức xúc gì không? Thì tôi thấy có 4 vấn đề bức xúc như vậy. Chúng ta cũng phải rút kinh nghiệm để tập trung với Chính phủ tổ chức thực hiện cho tốt, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của người dân. Tại cuộc tiếp xúc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang, người đã từng tham gia QH đánh giá Kỳ họp thứ Bảy là một Kỳ họp rất lớn, song còn băn khoăn về việc cải tiến, đổi mới hoạt động của QH. Quá trình cải tiến, đổi mới của QH thời gian qua rất đáng hoan nghênh, nhưng sợ nó chững lại, mất đà. Tôi đề nghị cũng cần suy nghĩ thêm về ý kiến này.
Về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Tám, tôi thấy dồn khối lượng công việc quá lớn, toàn vấn đề quan trọng. Dự kiến, QH làm việc trong 35 ngày, trong đó có cả thứ bảy. Thời gian sít sao như thế này thì tôi nghĩ nên cân nhắc. Vấn đề quan trọng là cần đánh giá lại việc thực hiện Nghị quyết 27 về vấn đề xây dựng Luật. Đối với các dự án Luật trình QH lần thứ hai thì UBTVQH có trách nhiệm gợi ý những vấn đề cần tập trung là đúng rồi. Ví dụ, dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh thì tập trung vào các nội dung: phạm vi đầu tư, cơ quan đại diện chủ sở hữu còn những vấn đề khác thì cơ quan chuyên môn làm chứ nếu cũng cứ phát biểu từ ngữ, đoạn này câu này sắp sau câu kia tôi nghĩ có lẽ không được. Tôi đề nghị cần đánh giá lại chỗ này. Vừa rồi, trước Kỳ họp, chúng ta đã tổ chức Hội nghị Đại biểu chuyên trách thì cần sử dụng Hội nghị này gắn với việc xây dựng Luật để thảo luận, các ĐBQH chuyên trách bàn kỹ các vấn đề khác nhau của các dự án Luật, sau đó mới trình ra QH. Tôi đề nghị sử dụng triệt để hơn trí tuệ của Hội nghị đại biểu chuyên trách và buộc đại biểu chuyên trách phải có trách nhiệm với Hội nghị này. Ví dụ ĐBQH chuyên trách của tỉnh cũng phải về đây họp chứ không phải chỉ có Chủ tịch QH và loanh quanh mấy cơ quan QH dự họp. 65 ĐBQH chuyên trách của địa phương phải về đây họp và có trách nhiệm với Hội nghị hơn. Các Hội nghị này là điểm nối rất quan trọng tới Kỳ họp chung của QH.
Theo daibieunhandan.vn